Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non của địa phương nói chung, các cơ sở giáo dục mầm non dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi nói riêng; mô tả các chính sách hỗ trợ, phát triển giáo dục mầm non đối với trẻ dưới 36 tháng tuổi và việc thực thi những chính sách này tại địa phương (chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đối với giáo viên, người nuôi dưỡng trẻ); thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và các kinh nghiệm; đề xuất, kiến nghị chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ dưới 36 tháng tuổi; những sáng kiến, giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, thách thức hiện nay…
Những ý kiến đóng góp tại hội thảo là những căn cứ thực tiễn quan trọng giúp Hội LHPN Việt Nam tham mưu đề xuất thành công chính sách, đề án hỗ trợ phụ nữ là lao động di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi trẻ theo mục tiêu đã đề ra tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; góp phần xây dựng, hoàn thiện Đề án “Phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn khu công nghiệp và nơi có nhiều lao động giai đoạn 2024-2030” do Bộ GD&ĐT đang chủ trì soạn thảo.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nêu rõ, thời gian qua, TP ban hành nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ lao động nữ tại các KCN trên địa bàn TP. Hiện, Hải Phòng có 14 KCN, dự kiến khi đề án Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được phê duyệt, sẽ có thêm 11 KCN mới, thu hút khoảng 500.000 lao động, trong đó, lao động nhập cư chiếm từ 50-70% lực lượng lao động, kéo theo nhu cầu gửi trẻ là con lao động nữ tăng cao thời gian tới.
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế đề nghị Hội Phụ nữ TP tăng cường phối hợp Liên đoàn Lao động, các sở, ngành, chính quyền các địa phương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách bồi dưỡng đối với người giữ trẻ, người nuôi dạy trẻ; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp trong đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị đồ chơi, đồ dùng học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ nghiên cứu, đề xuất với các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN mới bố trí khu vực trông giữ trẻ là con lao động nữ. Đồng thời, phối hợp Hội Phụ nữ và các sở, ngành đề xuất TP có cơ chế, chính sách đặc thù, căn cơ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, thu hút lao động ngoại tỉnh đến với Hải Phòng.