Cụ thể, năm 2018, ngành y tế công lập có 65 người thôi việc; năm 2019 có 67 nhân lực ngành y tế nghỉ việc; năm 2020, các đơn vị y tế công lập ghi nhận có 105 người thôi việc; năm 2021 có 121 người thôi việc; năm 2022 có 128 người thôi việc... Tình trạng nhân lực ngành y tế công lập Hải Phòng nghỉ việc, thôi việc so với các tỉnh, thành phố khác không nhiều. Tuy nhiên, số lượng nhân lực ngành y tế công lập nghỉ việc, thôi việc, chuyển việc năm sau cao hơn năm trước.
Trong đó có nhiều bác sĩ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, ở các bệnh viện tuyến thành phố dừng làm việc trong khối các bệnh viện công. Nhân lực ngành y tế nghỉ việc, thôi việc, chuyển việc sang khối y tế dân lập còn có cả lãnh đạo, phó trưởng các phòng, khoa của những bệnh viện lớn trên địa bàn. Một bộ phận nhân lực y tế công lập thôi việc chuyển sang làm việc tại các bệnh viện tư...
Việc nhân lực ngành y chất lượng cao, đặc biệt đội ngũ có kinh nghiệm thuộc khối công lập thôi việc, nghỉ việc trong thời gian ngắn khiến số lượng nhân lực ngành y tế giảm, việc tuyển dụng, thay thế nhân lực ngành y có kinh nghiệm, kỹ thuật, chuyên môn cao tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến cơ sở đã thiếu giờ lại càng thiếu, có những khó khăn nhất định tại những cơ sở, bệnh viện công.
Khối lượng công việc nhiều, áp lực quá lớn đối với ngành y tế Hải Phòng. Ảnh minh họa |
Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân khiến nhân lực ngành y tế công lập thôi việc do khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn, quá tải công việc không được nghỉ ngơi, chế độ thu nhập thấp (thu nhập bình quân chỉ 07 triệu đồng/tháng). Chế độ thu hút, ưu đãi các bác sĩ, nhân viên trong ngành y tế chưa tương xứng với khối lượng, môi trường làm việc.
Từ thực tế này, ngành y tế Hải Phòng đang đề nghị TP Hải Phòng có cơ chế đặc thù về chế độ hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ và thu hút nhân lực ngành y tế công lập trong giai đoạn tới để hạn chế tối đa nguồn nhân lực đang ngày càng giảm sút...