Sai phạm có “hệ thống”
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, nhiều năm qua, nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty Toàn Thắng hoạt động đã làm đảo lộn cuộc sống của nhân dân trong vùng. Nửa tháng qua, mặc dù giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại đã hết hạn nhưng DN này vẫn ngang nhiên xử lý rác, bất chấp quy định pháp luật.
Liên quan đến hoạt động của nhà máy xử lý chất thải nguy hại này, nhiều sai phạm đã được các cơ quan chức năng “tuýt còi”. Theo Báo cáo số 13/BC-TNMT (ngày 2/3/2016) của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Thủy Nguyên, Cty Toàn Thắng đã sử dụng, xây dựng các công trình trái phép trên diện tích gần 22.000 m2 đất tại khu vực phía Tây núi Thần Vi, thị trấn Minh Đức. Trong đó, diện tích 3.511 m2 đất được UBND huyện Thủy Nguyên cho ông Đặng Kim Sơn thuê với thời hạn 20 năm.
Sau đó, ông Sơn góp vốn bằng quyền sử dụng đất với Cty Toàn Thắng. Do ông Sơn sử dụng đất không đúng mục đích nên UBND huyện Thủy Nguyên đã có quyết định thu hồi diện tích nói trên. Diện tích trên 18.000 m2 đất còn lại được DN tự ý sử dụng khi chưa được UBND TP Hải Phòng cho thuê đất và đã xây dựng tổng số 20 hạng mục công trình. Trong đó, 04 hạng mục được xây trên diện tích đất thuê của ông Sơn, 16 hạng mục công trình xây trên diện tích tự sử dụng.
Ngày 4/3/2016, Thanh tra Sở Xây dựng đã có lập Biên bản vi phạm hành chính số 25/BB-VPHC để xử phạt Cty Toàn Thắng. Đến ngày 9/3/2016, Thanh tra Sở Xây dựng đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho UBND huyện Thủy Nguyên tiếp tục xử lý theo Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Hải Phòng.
Tiếp đó, ngày 29/3/2016, Thanh tra Sở TN&MT ban hành Quyết định số 05/QĐ-XPHC để xử phạt hành chính đối với Cty Toàn Thắng vì sử dụng đất khi chưa được UBND TP cho thuê và triển khai đào khoáng sản đá vôi trái phép tại khu vực chân núi Thần Vi. Mức xử phạt đưa ra là 12 triệu đồng. Đồng thời phía DN phải khôi phục tình trạng của đất như trước khi vi phạm. DN đã chấp hành nộp phạt nhưng chưa khắc phục hậu quả do các hành vi vi phạm trong sử dụng đất nêu trên.
Công văn số 229/STNMT-KS (ngày 29/01/2016) của Sở TN&MT xác định Nhà máy trên nằm trong khu vực vành đai an toàn của kho 703 Hải quân, trong khu vực ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng thuộc tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước giai đoạn 2011 -2020 được Thủ tướng phê duyệt; chủ đầu tư đã tự ý xây dựng mở rộng Nhà máy khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Không chỉ vậy, đối chiếu với quy định tại Văn bản số 221/SCT-KT (ngày 8/3/2016) của Sở Công Thương hướng dẫn Cty Xi măng Chinfon xác định vành đai an toàn nổ mìn theo quy định trước khi khai thác khoáng sản đá vôi tại khu vực núi Thần Vi, vị trí Cty Toàn Thắng xây dựng các công trình trái phép tại chân núi Thần Vi còn vi phạm hành lang an toàn nổ mìn của Cty Xi măng Chinfon. Dự án này cũng vi phạm Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 9/7/2010.
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Hải Phòng đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 1711/QĐ-UBND (ngày 11/10/2012), trên địa bàn huyện Thủy Nguyên được quy hoạch 03 khu xử lý chất thải rắn: xã Gia Minh, xã Minh Tân, xã An Sơn – Lại Xuân. Như vậy, dự án nhà máy xử lý chất thải của Cty Toàn Thắng được đặt tại thị trấn Minh Đức không nằm trong quy hoạch.
Mong mỏi việc di dời
Như vậy, việc xây dựng và vận hành nhà máy xử lý rác thải của Cty Toàn Thắng đã vi phạm hàng loạt các quy định pháp luật liên quan: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản… Tuy nhiên, các sở, ngành chức năng của TP Hải Phòng lại khá “loay hoay” xử lý vấn đề này. Từ năm 2015 đến năm 2018, UBND TP Hải Phòng đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo việc di dời nhà máy xử lý rác thải này về địa điểm được phê duyệt quy hoạch tại xã An Sơn - Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên như: Công văn số 785/VP-KS ngày 17/2/2016, Văn bản số 5202/UBND-MT ngày 21/8/2017, Văn bản số 5732/UBND-MT ngày 7/9/2017, Văn bản số 8413/UBND-MT ngày 23/11/2017... nhưng đến nay, nhà máy xử lý chất thải nguy hại này vẫn “án binh bất động”.
Ông Lại Đức Long, Trưởng phòng TN&MT huyện Thủy Nguyên cho biết, về lâu dài, việc đặt nhà máy này tại thị trấn Minh Đức là không hợp lý. Do vậy, UBND huyện Thủy Nguyên cũng đã đề xuất di dời nhà máy này tới khu vực khác, hợp quy hoạch. Đây cũng là đề xuất của nhiều sở, ngành trên địa bàn. Tuy nhiên, trước mắt, khi còn các vấn đề “khúc mắc” liên quan đến hỗ trợ di dời, đấu thầu dự án có sử dụng đất tại vị trí mới chưa được giải quyết triệt để, Cty Toàn Thắng vẫn chưa bị dừng hoạt động.
Trong khi đó, đại diện người dân xã Minh Tân rầu rĩ: “Chúng tôi vô cùng lo lắng cho sức khỏe của mình khi những ca mắc bệnh ung thư ngày một tăng lên. Chúng tôi chỉ mong mỏi các cấp, các ngành nhanh chóng di dời nhà máy này tới khu vực mới an toàn hơn, xa dân hơn. Nếu tình hình cứ tiếp diễn như vậy, có khi chúng tôi phải chuyển nhà đi chỗ khác”.
Tạo điều kiện cho các DN hoạt động để phát triển kinh tế - xã hội luôn là một định hướng tốt, đặc biệt là với những DN xử lý rác thải. Song, DN phải hoạt động theo khuôn khổ pháp luật. Với những sai phạm có tính “hệ thống” như trên, việc dư luận suy đoán rằng Cty Toàn Thắng có người “chống lưng” thì mới ngang nhiên hoạt động sai trái và không bị xử lý cũng là điều dễ hiểu!