Mất mạng khi đi nắn xương khớp
Trước đó, vào ngày 18/5, bà Loan được đưa vào bệnh viện do bị tai nạn xe máy. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, bà Loan bị trật khớp hông. Khoảng 10h ngày 21/5, bà Loan được đưa lên Khoa hồi sức tích cực ngoại (Bệnh viện Việt-Tiệp) để nắn xương khớp hông. Bà Loan được gây tê cục bộ. Ngay sau đó, người nhà bệnh nhân bất ngờ được thông báo là bà Loan bị sốc thuốc, tim có biểu hiện ngừng đập. Dù được cấp cứu, nhưng đồng tử bà Loan đã bị giãn.
Khoảng hơn 7h ngày 24/5, người nhà được bệnh viện thông báo bà Loan đã tử vong. Đại diện gia đình cho rằng, việc gây ra cái chết của bệnh nhân Loan hoàn toàn do lỗi của phía bệnh viện. Nếu bệnh viện không nhận trách nhiệm, người nhà sẽ không đưa thi thể về an táng.
Trong ngày 24/5, rất đông người nhà của bệnh nhân Đào Thị Loan đã có mặt tại bệnh viện để yêu cầu làm rõ sự việc với thái độ rất bức xúc. Những người này không cho đưa thi thể người thân của họ xuống nhà bảo quản, yêu cầu bệnh viện làm rõ nguyên nhân tử vong của người nhà họ. Công an quận Lê Chân đã phải điều động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng bảo vệ của bệnh viện giữ an ninh trật tự.
Bác sĩ Trần Anh Cường (Phó giám đốc Bệnh viện Việt-Tiệp) cho biết, bà Đào Thị Loan bị tai nạn giao thông và được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện vào 15h20 ngày 18/5/2015 trong tình trạng tỉnh táo, đau và mất vận động đùi, cẳng chân phải, bầm tím đùi và gối phải. Sau khi hội chẩn kíp trực cấp cứu chẩn đoán bệnh nhân trật khớp háng, vỡ mấu chuyển lớn đùi phải, rạn xương mác, gãy hở đốt 2 ngón 4 tay phải. Bệnh viện đã xử lý cắt lọc, làm sạch và đặt lại xương gãy tay phải.
Ngày 21/5/2015, bệnh nhân được chỉ định nắn khớp, kết hợp xương mấu chuyển lớn VISXỐP tại khoa gây mê hồi tỉnh, sau khi gây tê tủy sống 20 phút thì bệnh nhân xuất hiện trụy mạch, ngừng tuần hoàn.
Sau khi được cấp cứu đã hồi tỉnh, tim đập trở lại. Bệnh nhân được chuyển xuống khoa hồi sức tích cực ngoại. Tại đây, bệnh nhân Loan được chẩn đoán bị suy đa tạng sau cấp cứu, ngừng tuần hoàn, suy thận cấp, toan chuyển hóa nặng, tăng Triglycerit, đã xử lý cho thở máy hô hấp hỗ trợ, duy trì vận mạch, an thần, tuần hoàn não, truyền máu và lọc máu liên tục.
Đến 17h ngày 22/5/2015, Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn liên viện với Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Văn Toàn (Phó Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức) và Phó Giáo sư-Tiến sĩ Công Quyết Thắng (Chủ tịch hội Gây mê hồi sức - Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Việt-Xô) và đã đi đến kết luận: Bệnh viện Việt Tiệp đã xử lý đúng qui trình chuyên môn về chấn thương, phát hiện và xử lý kịp thời, sau đó hồi sức tích cực, có nghĩ đến biến chứng sốc phản vệ thuốc. Tuy nhiên đến 6h55 ngày 24/5/2015 thì bệnh nhân Loan đã tử vong.
Bác sĩ Trần Anh Cường cho biết thêm, sau khi bệnh nhân tử vong, Bệnh viện đã báo cáo lên cấp trên, theo kế hoạch chiều ngày 24/5 sẽ có đoàn công tác do Bộ Y tế cử xuống phối hợp thẩm định chuyên môn để đưa ra kết luận chính thức về trường hợp tử vong của bệnh nhân Đào Thị Loan.
Đau đớn vì mất người thân
Theo qui trình, sau khi bệnh nhân tử vong, phải đưa xuống nhà bảo quản thi thể của bệnh viện để giám định, song gia đình và người thân của bà Loan đã không đồng ý, bao vây không cho đưa thi thể bà Loan ra khỏi khu vực Khoa hồi sức tích cực ngoại.
Chiều 24/5, đại diện Bệnh viện Việt Tiệp đã có buổi làm việc với gia đình bệnh nhân trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương. Tại cuộc làm việc này, phía bệnh viện cho biết, nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhận Loan là do sốc phản vệ thuốc gây tê. Loại thuốc gây tê được Bộ Y tế cho phép không phải thử trước nên bệnh viện đã dùng cho bà Loan, nhưng bà Loan vẫn bị sốc.
Bà Nguyễn Thu Xanh (Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng) cho biết, sau khi xảy ra sự việc, ngay trong sáng 24/5, Sở đã thành lập Hội đồng chuyên môn y khoa với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về gây mê hồi sức như Giáo sư Nguyễn Quốc Kính (Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Việt Đức), Phó Giáo sư Nguyễn Gia Bình (Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai)... cùng thành viên hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hải Phòng.
Hội đồng đã họp, phân tích và kết luận phía Bệnh viện Việt Tiệp không có sai sót trong chuyên môn. Bệnh nhân chết có thể do sốc thuốc hoặc tắc mạch phổi. Sau đó, đại diện Bệnh viện Việt-Tiệp đã mời thân nhân của bà Loan đến để thông báo kết luận. “Sau khi nghe kết luận và được giải thích, người nhà bệnh nhân Loan đã từ chối giám định pháp y và đồng ý đưa thi thể bệnh nhân về để mai táng nên vụ việc đã được giải quyết”, bà Xanh nói.
Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Tính chất nguy kịch của sốc phản vệ gây hoang mang cho mọi người kể cả thầy thuốc và thân nhân bệnh nhân. Bệnh xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ. Triệu chứng bệnh xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao. Các đường đưa thuốc vào cơ thể: tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, dưới da, trong da, uống, xông, bôi ngoài da, nhỏ mắt... đều có thể gây sốc phản vệ, tuy nhiên đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất.
Các loại thuốc, nhất là các thuốc kháng sinh là nguyên nhân chính gây Sốc phản vệ. Vì vậy Sốc phản vệ là một cấp cứu cần được xử trí nhanh, kịp thời vì dễ dẫn đến tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.
Sốc phản vệ là một dạng của phản ứng dị ứng typ nhanh (typ reagin, typ phản vệ) phát sinh khi có sự xâm nhập lần thứ hai của dị nguyên vào cơ thể. Sốc phản vệ có đặc điểm tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, trụy tim mạch, tăng tính thấm thành mạch và co thắt cơ trơn. Tuy nhiên trong thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân mới dùng thuốc lần đầu nhưng đã bị sốc phản vệ là do họ đã bị mẫn cảm trước với một loại dị nguyên nào đó có cấu trúc giống với cấu trúc của thuốc.
(Tiến sĩ Phan Quang Đoàn)
Sốc thuốc gây tê - hậu quả khôn lường
Đầu tháng 4 năm 2012, anh N.V.T (ngụ tại Hải Phòng) đã đến bệnh viện khám viêm Amiđan trong tình trạng bệnh nhân bị viêm họng. Sau khi tiến hành các thủ tục để chuẩn bị cắt amidan, bác sĩ tại khoa Tai Mũi Họng đã tiêm cho bệnh nhân khoảng 1ml thuốc tê, ngay sau khi tiêm xong bệnh nhân bị tím tái toàn thân, mặc dù được các bác sĩ cấp cứu nhưng hơn 1 tiếng sau bệnh nhân đã tử vong. Theo kết luận ban đầu của các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tử vong là do sốc thuốc phản vệ.
Một trường hợp khác cũng rất đau lòng là nữ sinh viên (sinh năm 1986) học tại một trường đại học ở Thái Nguyên. Phát hiện có thai cô đã đến phòng khám tư để “giải quyết” và tử vong sau đó. Theo kết luận giám định pháp y của Viện khoa học hình sự, thì nguyên nhân dẫn đến tử vong là do sốc thuốc lidocain (thuốc gây tê còn có tên biệt dược khác là xylocain, lignocain).
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com