Hải Phòng - 70 năm khát vọng vươn mình

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu.
(PLVN) - Tối nay - 13/5, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025), đón nhận danh hiệu cao quý “Thành phố Anh hùng” và khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2025. Trong không khí náo nức người dân thành phố Cảng đón ngày “Tết” thứ hai trong năm, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng về chặng đường 70 năm phát triển rực rỡ của thành phố Hoa Phượng Đỏ...

Một thập kỷ duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số

Thưa ông, TP Cảng gắn liền với những dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước. Mảnh đất đầu sóng Đông Bắc này ghi dấu những người lính Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, nơi xuất phát đường mòn Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt... Xin ông cho biết, tại sao lại có câu Hải Phòng “đi trước, về sau”, và ý nghĩa to lớn của ngày Giải phóng TP 70 năm trước?

- Đúng ngày này 70 năm trước, ngày 13/5/1955, Nhân dân Hải Phòng vui mừng, phấn khởi chào đón bộ đội ta tiến vào tiếp quản TP, giải phóng hoàn toàn TP Cảng, thực hiện xuất sắc Nghị quyết của Bộ Chính trị ban hành tháng 9/1954 là: “Việc chúng ta tiếp quản được những TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng... khiến chúng ta không những có nông thôn, mà còn có thành thị, đường sắt, cửa biển, vùng công nghiệp... Đó là một biến đổi lớn, ta có đủ điều kiện kiến thiết theo quy mô một quốc gia”.

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu kiểm tra bến 3, 4 Cảng Container quốc tế tại Lạch Huyện, Hải Phòng.

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu kiểm tra bến 3, 4 Cảng Container quốc tế tại Lạch Huyện, Hải Phòng.

Là TP Cảng, có vị thế chiến lược đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Hải Phòng là địa phương “đi trước” ở miền Bắc khi chính thức nổ phát súng đầu tiên chống giặc từ ngày 20/11/1946 và “về sau” 300 ngày theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, là nơi chứng kiến những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc nước ta. Chính vì vậy, sự kiện giải phóng TP Hải Phòng vào ngày 13/5/1955 có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với cách mạng cả nước và thành phố, là dấu mốc chấm dứt ách đô hộ, cai trị của thực dân Pháp và giành thắng lợi trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Bắc, đưa miền Bắc nước ta bước vào giai đoạn mới là xây dựng CNXH, làm hậu phương lớn cho miền Nam ruột thịt.

Ngay sau ngày TP được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, quân và dân TP đã bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển KT - XH, đi đầu trong phong trào thi đua xây dựng CNXH ở miền Bắc với các điển hình “Sóng Duyên hải” trong sản xuất công nghiệp, “Xây dựng tổ đội lao động XHCN” với con chim đầu đàn là Tổ đá nhỏ ca A của Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta, Người đã chín lần về thăm, luôn dành cho Hải Phòng tình cảm đặc biệt và dõi theo từng bước trưởng thành của Đảng bộ, quân và dân TP.

Trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, Hải Phòng đã kiên cường, bất khuất, phá thế phong tỏa bao vây cấm vận, giữ vững Cảng, giữ vững mạch máu giao thông, cửa ngõ giao lưu quốc tế của đất nước trong thời chiến, góp phần cùng với cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Không chỉ có chiến đấu giỏi, những năm tháng hào hùng ấy, Hải Phòng còn sản xuất giỏi và làm tròn trách nhiệm của hậu phương chi viện cho tiền tuyến, góp sức người, sức của cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ một TP bị tàn phá bởi chiến tranh, Hải Phòng đã vươn mình trỗi dậy, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ và dịch vụ hàng đầu của cả nước. Đặc biệt, 10 năm trở lại đây, Hải Phòng đã có những bứt phá ngoạn mục. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những thành tựu và những sáng tạo phía sau những con số ấn tượng?

- Sau ngày đất nước thống nhất và trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Hải Phòng là nơi khởi nguồn cơ chế khoán sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, được Trung ương tin tưởng giao thí điểm các chủ trương đổi mới quản lý sản xuất công nghiệp, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, thí điểm thực hiện cơ chế giám sát với giá thị trường, tổng kết thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Những bước đi, cách làm sáng tạo đó của Hải Phòng đã góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng.

Nhìn lại chặng đường 70 năm đã qua, chúng tôi vô cùng tự hào về những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân Hải Phòng đã đạt được. Từ một TP bị tàn phá bởi chiến tranh, Hải Phòng đã vươn mình trỗi dậy, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ và dịch vụ hàng đầu của cả nước. Năm 2024, quy mô nền kinh tế Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 5 cả nước, là địa phương duy nhất trong cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng mức 2 con số trong 10 năm liên tục; thu ngân sách đứng thứ 3, thu hút đầu tư nước ngoài FDI đứng thứ 2 cả nước. Đặc biệt, Hải Phòng vinh dự đứng đầu bảng xếp hạng 03 chỉ số rất quan trọng: Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chỉ số cải cách hành chính PAR Index, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước SIPAS.

Cùng với phát triển kinh tế, TP chú trọng phát triển đồng bộ, hài hòa lĩnh vực văn hóa, xã hội với những thành tựu quan trọng về văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể dục thể thao, văn học nghệ thuật… TP đã ban hành nhiều chính sách đột phá mang đậm tính nhân văn, vượt trội như các chế độ, chính sách, đối với người có công với cách mạng và các đối tượng yếu thế trong xã hội; thực hiện miễn học phí cho tất cả các cấp học; chính sách đặc thù hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề…

Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả toàn diện. Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy dân chủ, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là 2 cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Có thể khẳng định, những thành tựu mà TP đạt được trong suốt thời gian qua vô cùng to lớn, toàn diện và có ý nghĩa quan trọng, là tài sản vô giá để gìn giữ và tiếp tục phát huy. Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, Bộ, ngành Trung ương, cùng với sự quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo trong ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách đúng đắn, vì lợi ích Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn biết ơn các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, người lao động và các tầng lớp Nhân dân thành phố, cùng cộng đồng doanh nghiệp đã đồng tâm, hợp sức, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, luôn năng động, sáng tạo, cống hiến hết mình vì thành phố Hải Phòng thân yêu.

Phát triển đô thị bản sắc đất và người Hải Phòng

Nước ta đang bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của khát vọng vươn mình mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và cuộc cách mạng trong tổ chức bộ máy, cải cách hành chính đang mở ra cơ hội và cả những thách thức lớn chưa từng có đối với các địa phương, trong đó có Hải Phòng. Đặc biệt, việc hợp nhất Hải Phòng và Hải Dương là thời cơ lịch sử để xây dựng một đô thị lớn, trở thành một cực tăng trưởng mới, xứng tầm quốc gia và khu vực. Vậy, “những việc cần làm ngay” trong thời gian tới của TP là gì, thưa ông?

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu dự Ngày hội đoàn kết toàn dân tại xã Hữu Bằng, Kiến Thụy, Hải Phòng. (Ảnh trong bài: PV)

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu dự Ngày hội đoàn kết toàn dân tại xã Hữu Bằng, Kiến Thụy, Hải Phòng. (Ảnh trong bài: PV)

- Phát huy truyền thống cách mạng, với tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, thời gian qua, TP đã chủ động trong đề xuất, tham mưu và được Trung ương ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững, lâu dài của TP như: thí điểm cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách, đầu tư; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch… Những cơ chế, chính sách nêu trên thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với TP với những kỳ vọng vào sự phát triển nhanh, bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước. Điều này đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP những yêu cầu mới trong nhiệm kỳ 2025 - 2030 và giai đoạn tiếp theo với nhiều niềm tin, khát vọng xây dựng TP Hải Phòng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cực tăng trưởng năng động của khu vực và cả nước, thành phố xác định những trọng tâm như sau:

Thứ nhất, xây dựng Đảng bộ TP trong sạch, vững mạnh; hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tạo thế và lực phát triển mới với không gian rộng lớn hơn, tầm nhìn xa hơn trên nền tảng những giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời của TP Hải Phòng mới. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, chủ động thu hút và trọng dụng nhân tài bằng cách phát triển đồng bộ hệ sinh thái giáo dục, y tế, dịch vụ, nhà ở; tạo môi trường sống hiện đại, hấp dẫn để các chuyên gia, trí thức, người lao động giỏi “đến Hải Phòng là ở lại, gắn bó và cống hiến”.

Thứ hai, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh làm động lực chủ yếu. Tạo đột phá về thể chế phát triển theo hướng hiện đại, thông thoáng, minh bạch; đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng lớn mạnh, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông, từng bước hoàn thiện các công trình hạ tầng chiến lược như hệ thống cảng biển, sân bay, đường sắt cao tốc, nhằm đưa Hải Phòng trở thành trung tâm cảng biển, logistics và công nghiệp lớn nhất cả nước.

Phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng vừa văn minh, hiện đại, xứng danh “Thành phố quốc tế”, vừa đậm đà bản sắc văn hóa “Thành phố Cảng”, “Thành phố Hoa Phượng Đỏ” và “Thành phố Anh hùng”.

Thứ ba, phát triển hài hòa văn hóa - xã hội với kinh tế, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Chăm lo phát triển toàn diện con người, bảo đảm an sinh xã hội. Phấn đấu xây dựng Hải Phòng trở thành hình mẫu của CNXH trong kỷ nguyên mới, với những đặc trưng tiêu biểu: kinh tế phát triển nhanh và bền vững; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; quốc phòng - an ninh vững chắc; đời sống Nhân dân ấm no, hạnh phúc, con người phát triển toàn diện; cộng đồng đoàn kết, nhân văn, giàu bản sắc; và chính quyền vì Nhân dân, phục vụ Nhân dân, hoạt động hiệu lực, minh bạch.

Thứ tư, tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” vững chắc. Xây dựng lực lượng vũ trang TP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, lành mạnh. Phấn đấu xây dựng Hải Phòng trở thành “thành phố không ma túy”. Đồng thời, tập trung nguồn lực phát triển huyện đảo Bạch Long Vĩ thành trung tâm kinh tế - quốc phòng vững chắc ở vùng biển phía Bắc của Tổ quốc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm

Tích cực xây dựng và nhân rộng mô hình hay, cách làm mới

Thượng tướng Lê Quang Minh trao Bằng khen tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05. (Ảnh: qdnd.vn)
(PLVN) - Đó là nhấn mạnh của Thượng tướng Lê Quang Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Cơ quan Tổng cục Chính trị tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị số 05) do Đảng ủy Cơ quan Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức chiều 18/6.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương
"Một TP HCM phát triển năng động, đổi mới sáng tạo, có tầm vóc châu Á và bản sắc riêng biệt không chỉ là khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mới sáp nhập, mà còn là một phần quan trọng trong khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài phát biểu.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại TP HCM

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và Tỉnh ủy Bình Dương.
(PLVN) - Sáng 18/6, tại TP HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và Tỉnh ủy Bình Dương về sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác quốc phòng an ninh, thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội...

Bộ Công an trang trọng tổ chức cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Bộ trưởng Lương Tam Quang và các đại biểu dự buổi gặp mặt. (Ảnh: Báo CAND)
Chiều 17/6, tại Hà Nội, Bộ Công an trang trọng tổ chức cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025). Tại cuộc gặp mặt, lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, báo chí là trận tuyến tư tưởng vững chắc, luôn đồng hành cùng lực lượng CAND giữ gìn ANTT, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Bài 1: 21 tháng 6 - Ngày đặc biệt của báo giới Việt Nam

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và các đại biểu thăm trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản tờ báo Thanh Niên năm 1925 (Quảng Châu, Trung Quốc). (Ảnh: TTXVN phát)
(PLVN) - Ngày 18/8/2024, trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới, đến Trung Quốc, người đứng đầu Đảng ta đã đến thăm một địa chỉ đặc biệt: căn nhà số 13 (nay là số 248-250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu. Nơi đây từng là “Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” gắn liền với thời kỳ hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc những năm 1924 - 1927 và cũng chính là nơi ra đời tờ Thanh Niên.

4.226 trụ sở dôi dư, 11.000 tài sản công chưa được khai thác, sử dụng hợp lý - đại biểu quốc hội mong có những chỉ đạo quyết liệt

Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Ngày 17/6, thảo luận ở hội trường Quốc hội, một số đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong việc sắp xếp, xử lý tài sản, nhà, đất công dôi dư; quan tâm, thực hiện đầy đủ, toàn diện hơn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTN,LP) với những kết quả cụ thể nhằm góp phần tăng thêm nguồn lực để tiếp tục thực hiện đầu tư cho phát triển.

Họp báo quốc tế về triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Ông Phạm Tất Thắng thông tin tại họp báo.
(PLVN) - Sáng 17/6, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tổ chức Họp báo quốc tế về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025.

Công bố Quyết định thành lập Binh đoàn 20

Thượng tướng Võ Minh Lương trao Quân kỳ Quyết thắng cho Binh đoàn 20. (Ảnh: qdnd.vn)
(PLVN) -  Ngày 16/6, tại TP Hồ Chí Minh, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố Quyết định thành lập Binh đoàn 20.

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Cần bổ sung thêm những chính sách vượt trội cho cán bộ

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình ý kiến của các ĐBQH tại phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)
(PLVN) -  Chiều 16/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (LHQ). Cuối phiên thảo luận, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại họp báo.
(PLVN) -  Chiều 16/6 , tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam công bố Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung điều 10 Pháp lệnh Dân số đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua.