Hai ngôi sao nữ của thể thao Việt Nam

VĐV bắn súng Trịnh Thu Vinh nhận hoa từ Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương. (Ảnh: Văn Duy)
VĐV bắn súng Trịnh Thu Vinh nhận hoa từ Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương. (Ảnh: Văn Duy)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trịnh Thu Vinh mùa hè này sẽ sang Paris thi đấu với các xạ thủ lẫy lừng thế giới tại Olympic, còn Trần Thị Thanh Thúy đã khiến cho người hâm mộ thế giới biết nhiều hơn về bóng chuyền Việt Nam. Họ đều còn trẻ, xinh đẹp và tài năng.

Chờ đợi phát súng từ đấu trường Olympic 2024

Từ phát súng lừng danh tại Brazil năm nào, Bắn súng Việt Nam hầu như im ắng tại đấu trường quốc tế. Tìm một gương mặt kế cận cha anh là rất khó vì bộ môn Bắn súng đòi hỏi rất nhiều thứ. Đó là sự tĩnh tâm, chính xác, khéo léo… nên kiếm được một vận động viên (VĐV) mang tầm Olympic đúng là “mò kim đáy bể” khi thể thao Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc phát hiện, đào tạo nhân tài.

Trịnh Thu Vinh sinh năm 2000. Cô là người thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa, là gương mặt mới nổi được đánh giá là có thể làm nên chuyện của Bắn súng Việt Nam tại Olympic 2024 tới đây. Thu Vinh làm quen với môn Bắn súng chưa dài và sinh trưởng trong một gia đình không có truyền thống về thể thao, nhưng cô đã có thành tích ấn tượng khi xuất sắc trở thành VĐV nữ đầu tiên của Bắn súng Việt Nam giành vé tham dự Olympic Paris 2024.

Vào năm 2017 các HLV của đội tuyển Bắn súng CAND trong một lần tuyển chọn VĐV năng khiếu cho Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao CAND đã nhìn thấy những tố chất, khả năng triển vọng của Thu Vinh và mời cô về đầu quân tập luyện tại đây. Thu Vinh từng bước vượt qua các bài tập kiểm tra rất suôn sẻ rồi mới chính thức được cầm cây súng thực hiện các bài bắn của VĐV đỉnh cao. Ít lâu sau đó, Thu Vinh được gọi lên đội tuyển quốc gia, theo tập luyện ở tổ súng ngắn (nội dung sở trường là 10m súng ngắn). Tại đây, theo đánh giá của ban huấn luyện, Thu Vinh là một xạ thủ có triển vọng. Vì thế, khi được sự rèn giũa của những người thầy, Thu Vinh được dự liệu chắc chắn sẽ có thành công và vấn đề chỉ nằm ở thời gian.

Qua quãng thời gian tập luyện, thi đấu được khoảng 6 năm, Thu Vinh dần trưởng thành và tích lũy thêm kinh nghiệm. Trong hành trình ấy, Thu Vinh luôn có sự đồng hành, dìu dắt, huấn luyện chuyên môn sát sao nhất từ cựu HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung (huấn luyện đầu tiên cho Thu Vinh tại đội tuyển quốc gia), bây giờ là HLV Trần Quốc Cường, chuyên gia Park Chung-gun cũng tham gia huấn luyện trực tiếp.

Trong năm 2023, Thu Vinh không thành công tại ASIAD 19 nhưng lại giành HCĐ ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ tại giải Bắn súng vô địch châu Á 2023. Nhưng điều đặc biệt nhất là trước đó cô đã có tấm vé dự Olympic Paris.

Giám đốc Trung tâm huấn luyện và đào tạo thể thao CAND, Bộ Công an, Thượng tá Nguyễn Xuân Hải chia sẻ: “Ngay từ lúc tuyển chọn Thu Vinh vào đơn vị, theo dõi quá trình luyện tập của em, Ban lãnh đạo cũng đã nhận thấy đây là một VĐV tài năng, có nhiều triển vọng để phát triển hướng đến những mục tiêu lớn. Thành tích giành vé tới Olympic Paris 2024 là dấu mốc không chỉ cho cá nhân VĐV Trịnh Thu Vinh mà còn cho cả bộ môn Bắn súng CAND nói riêng và đội tuyển Bắn súng quốc gia nói chung”.

Ở cấp đội tuyển quốc gia thì đến nay, sau 7 năm, chúng ta mới có thêm xạ thủ giành suất chính thức dự Olympic. Tại Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016, Bắn súng Việt Nam có hai xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường giành được suất chính thức tham gia thi đấu. Tới Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, Bắn súng Việt Nam có một suất tham dự, tuy nhiên đây là suất đặc cách mời.

Vì thế, từ sau năm 2016 tới bây giờ, đội tuyển Bắn súng Việt Nam mới có suất chính thức hướng tới đấu trường Olympic danh giá. Đặc biệt, vinh dự ấy lại do VĐV trẻ thiết lập, điều này đã mở ra trang mới, kỳ vọng mới cho Bắn súng Việt Nam.

Cô gái trẻ nhỏ nhắn, xinh tươi sẽ mang một trọng trách lớn cho thể thao nước nhà tại đấu trường đẳng cấp. Chuyện thắng bại của môn Bắn súng chỉ trong chớp mắt và chúng ta chờ đợi bản lĩnh của sức trẻ, kinh nghiệm từ những đấu trường lớn sẽ mang về tấm huy chương cho Trịnh Thu Vinh tại Olympic Paris 2024. Với một cô gái trẻ, nếu được như vậy quả là một “mùa hè đẹp nhất”.

Người trẻ và ước mơ bay xa

Môn Bắn súng là môn thi đấu trong tĩnh lặng, không ồn ào, thì Bóng chuyền là môn chơi rất náo nhiệt như bóng đá. Chủ công của đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam với biệt danh “4T” - Trần Thị Thanh Thúy đã trở thành cái tên được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội.

Trần Thị Thanh Thúy sinh năm 1997 là một trong những đội trưởng trẻ nhất của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Cô đặc biệt bởi không chỉ đóng vai "máy ghi điểm" và "bức tường chắn" trong đội bóng mà còn có những cú phát bóng "thần sầu". Cũng bởi vậy người ta gọi 4T là "của hiếm" mà bóng chuyền Việt Nam khó tìm người thứ hai.

Năm 2016, khi ấy mới là một cô bé 19 tuổi Thanh Thúy với bản lĩnh, sự tự tin đã dám thử thách bản thân, vươn mình đến một môi trường tốt hơn để rèn luyện. Thời điểm đó Thanh Thúy nhận lời thi đấu cho Bangkok Glass tại lượt về giải VĐQG Thái Lan. Cô nhanh chóng trở thành trụ cột và có nhiều đóng góp vào chuỗi 7 chiến thắng cũng như chức vô địch mùa 2016/17 của CLB này.

Sau đó, Thanh Thúy chuyển sang thi đấu cho Attack Line - CLB bóng chuyền mới được thành lập của Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2019, Thanh Thúy gia nhập Denso Airybees (Nhật Bản). Năm 2021, Thanh Thúy một lần đến Nhật Bản. Điểm đến lần này của cô là CLB PFU Bluecats. Đặc biệt giá trị chuyển nhượng của Thanh Thúy lên tới 250.000 USD/năm (hơn 5 tỷ đồng). Đến mùa giải 2022 - 2023, PFU Bluecats tiếp tục đề nghị gia hạn hợp đồng với VĐV đến từ Việt Nam. Hiện tại, Thanh Thúy trở thành VĐV bóng chuyền Việt Nam thi đấu cho nhiều đội bóng nước ngoài nhất trong lịch sử, với 4 lần xuất ngoại cùng bản hợp đồng kỷ lục và là mơ ước với các tay đập bóng chuyền Việt Nam.

Trần Thị Thanh Thúy - chủ công của đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam với biệt danh “4T”. (Ảnh: NVCC)

Trần Thị Thanh Thúy - chủ công của đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam với biệt danh “4T”. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về khoảng thời gian xuất ngoại của bản thân, Thanh Thúy cho biết: “Tôi rất may mắn khi được đi thi đấu ở nhiều môi trường khác nhau, tôi rất vinh dự và được học hỏi rất nhiều. Ở Nhật Bản, tập luyện rất khác Việt Nam, môi trường tập luyện chuyên nghiệp mới đầu tôi hơi bị khớp. Môi trường sống cũng có sự khác biệt nhưng sau khi được mọi người giúp đỡ tôi đã tốt hơn”.

Năm 2010, khi mới 13 tuổi đang học lớp 7, Thúy đã lọt vào tầm ngắm của các nhà tuyển trạch CLB bóng chuyền Bình Điền Long An với chiều cao đạt tới 1m78. Chiều cao của Thúy ở thời điểm ấy thậm chí còn vượt qua hầu hết các chủ công của đội tuyển quốc gia như Phạm Yến, Bùi Huệ. Với chiều cao và thể lực sung mãn, sải tay, tầm với, bật cao tại chỗ đểu vượt rất xa các thí sinh cùng trang lứa, Thanh Thúy được CLB bóng chuyền Bình Điền Long An tập trung rèn giũa, kết hợp với thi đấu hoàn toàn mang tính cọ xát trong suốt 3 năm.

Đến năm 2014, Thanh Thúy mới chính thức được “ra trận”, thế nhưng với sự tiến bộ thần tốc, cô gái sinh năm 1997 đã gặt hái được rất nhiều thành công trong màu áo của CLB Bình Điền Long An và Đội tuyển quốc gia. Và từ đó tới nay, cô đã trở thành thủ lĩnh không thể thiếu của đội tuyển quốc gia, trở thành một nhân vật đầy cảm hứng cho người trẻ.

Năm 2023, một năm mà Bóng chuyền nữ Việt Nam có sự thi đấu khởi sắc, Thanh Thúy đã góp công lớn giúp đội tuyển lên ngôi vô địch Cúp Bóng chuyền Challenge châu Á 2023. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giành chức vô địch một giải đấu cấp độ châu Á. Tại giải bóng chuyền nữ vô địch châu Á 2023, đoàn quân của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cũng xuất sắc giành hạng 4 chung cuộc, thành tích cao nhất của đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam tại giải đấu cấp châu lục kể từ năm 2012. Và điểm tựa vững chắc cho toàn đội liên tục có màn trình diễn ấn tượng trước những đội bóng hàng đầu châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản,... chính là Thanh Thúy.

Để có được thành công này, Thanh Thúy đã phải đánh đổi cả tuổi trẻ, với những trăn trở mà không phải ai cũng thấu hiểu. Những chuyến bay vội vã, xa nhà, chấn thương, sự thích nghi với môi trường mới, chơi trái sở trường... là khó khăn mà cô gái sinh năm 1997 phải đối mặt hàng ngày.

Trần Thị Thanh Thúy chính là hình mẫu cho các VĐV trẻ Việt Nam, dám cháy hết mình với đam mê, dám thử thách bản thân ở môi trường khắc nghiệt. Chỉ có như vậy dù là thành công hay còn dang dở thì chúng ta cũng đã có một tuổi trẻ thật rực rỡ.

Đọc thêm

Giải Tennis tranh cúp “Huy Thịnh” mang hạnh phúc đến với người nghèo

Đại diện Ban tổ chức và các nhà tài trợ trao 35 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho bà Lê Thị Kha.
(PLVN) - Với những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thì việc có được ngôi nhà vững chãi để ở là cả một ước mơ. Để giúp ước mơ của họ thành hiện thực, các câu lạc bộ (CLB) tennis trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Giải Tennis tranh cúp “Huy Thịnh” gây quỹ hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang.

Nữ HLV gặt hái nhiều thành công nhờ tình yêu cầu mây mãnh liệt

HLV Trần Thị Thu Hoài là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023
(PLVN) - Huấn luyện viên Bộ môn Cầu mây, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội Trần Thị Thu Hoài đạt Huy chương Vàng Vô địch thế giới năm 2013, 2016, 2022 cùng nhiều Huy chương tại các giải ASIAD, Vô địch châu Á… Gần đây nhất, Thu Hoài được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023.

Nghệ An "giải cơn khát vàng" ở nội dung cầu mây đồng đội đôi nữ

Niềm vui chiến thắng đạt HCV đầu tiên cho Đoàn cầu mây Nghệ An
(PLVN) - Nghệ An là một trong những trung tâm thể thao huấn luyện nên những VĐV cầu mây giỏi và cũng đã có nhiều tuyển thủ cống hiến và đạt thành tích cao cho đội tuyển nước nhà. Tuy nhiên, tại mùa giải Vô địch cầu mây Quốc Gia năm nay, phải đến tận ngày cuối cùng nụ cười mới đến với ban huấn luyện và những tuyển thủ nữ xứ Nghệ sau chiến thắng trận Chung kết đồng đội đôi nữ trước Hà Nội để "giải cơn khát vàng" của đội tuyển.