Ngày ra đời “thừa kế” 350 ngàn vụ việc phải thi hành án, hai năm sau đó đã “tiêu diệt” được 110 ngàn vụ, tính trung bình mỗi ngày xử lý được hơn 150 vụ việc – con số này nói lên sự đúng đắn khi quyết định thành lập Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp).
Con số này cũng chứng tỏ PGS.TS Nguyễn Văn Luyện, người đứng đầu ngành thi hành án (THA) dân sự đã không “ngoa” khi nói rằng hai năm qua, ngành này đã làm việc hiệu quả bằng cả thập kỷ.
Ông gắn bó với ngành thi hành án dân sự từ khi nào?
- Năm 2006, tôi được điều chuyển từ vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh về nhận nhiệm vụ Cục trưởng Cục THA dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Lúc ấy Cục giống như một Vụ quản lý nghiệp vụ THA. Cả Cục chỉ có 50 người, còn ở địa phương, tổ chức của ngành THA cũng chưa rõ ràng, THA nhiều nơi vẫn giống như một đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp. Anh em ở địa phương rất tâm tư, không chỉ là chuyện vị thế so với Sở mà vì ở cái thế của thời kỳ đó, làm gì cũng khó.
PGS.TS Nguyễn Văn Luyện |
Ý tưởng nâng cấp Cục lên thành Tổng cục thuộc Bộ được đưa ra bàn bạc với lãnh đạo Cục, rồi đề án nâng cấp được đặt lên bàn Bộ trưởng Hà Hùng Cường và được Bộ trưởng đặc biệt ủng hộ. Lúc bấy giờ, Luật THADS do Bộ Tư pháp xây dựng cũng đã được Quốc hội bấm nút thông qua và có hiệu lực. Tháng 9/2009, Nghị định số 74/CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS cũng ra đời. Đây thực sự là bước đột phá đánh dấu sự chuyển mình một cách cơ bản của công tác THADS.
Cuối năm 2009, Cục chính thức được nâng tầm lên thành Tổng cục THADS cùng quyết định công bố thành lập Cục, bổ nhiệm các lãnh đạo cấp Cục của 63 cơ quan THADS ở địa phương. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho ngành THA thời điểm này cũng đã được đầu tư, quan tâm xứng tầm hơn trước. Chưa bao giờ vị thế của THADS lại được khẳng định như vậy. Anh em toàn ngành rất phấn khởi, ở vị thế mới, họ như được tiếp thêm sức mạnh.
Tổ chức cơ cấu được nâng tầm, và hiệu quả công việc có “nâng tầm” không, thưa ông?
- Đây cũng là thời điểm công tác THADS có những chuyển biến thực sự rõ rệt. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, quyết tâm cao của Tổng cục và địa phương, việc giao khoán chỉ tiêu giảm án tồn đọng được đặt ra như một tiêu chí quan trọng để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ. Nếu như thời điểm năm 2009, toàn ngành còn tồn khoảng 350 ngàn vụ việc thì đến cuối năm 2011 chỉ còn lại khoảng 240 ngàn, tức đã giảm hơn 100 ngàn việc chỉ sau 3 năm.
Nhìn vào những con số, sẽ chỉ nói lên được một phần bởi đằng sau đó là sự nỗ lực không ngừng, không nghỉ của toàn ngành THADS. Những kỳ họp Quốc hội gần đây, đại biểu đã ghi nhận những chuyển biến rõ rệt trong công tác THADS, dư luận xã hội cũng không còn nhiều bức xúc về chuyện án tồn đọng. Đó là thành quả lớn nhất mà mỗi khi nhìn lại, tôi thực sự rất vui.
Có một thực tế là vẫn có hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Vẫn có những cán bộ THA bị tố cáo có tiêu cực, vòi vĩnh. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tổng kết ngành THADS năm 2011, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhiều lần đặc biệt lưu ý, nhắc nhở toàn ngành vì chưa bao giờ số cán bộ bị kỷ luật trong ngành THADS lại đạt kỷ lục như năm 2011. Đó là một nỗi đau. Mỗi lần nhận tin ở chỗ A, B có chuyện cán bộ THA vòi vĩnh, tiêu cực, mình chỉ mong rằng khi xác minh đó không phải là sự thật. Nhưng nếu đã phát hiện là có tiêu cực, phải xử lý nghiêm để làm gương.
Ông còn có những trăn trở gì về ngành?
- Địa vị pháp lý của ngành THADS đã được nâng cao nhưng vẫn chưa xứng tầm. Hiện quân số của Tổng cục đã gấp đôi so với khi còn là Cục THADS, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp Vụ rất trẻ, có năng lực, có thái độ tốt với công việc; ở địa phương, nhiều nơi có đội ngũ lãnh đạo, cán bộ trẻ, có năng lực, nhiệt huyết; nhưng lực lượng cần phải mạnh hơn nữa, phát huy vai trò hơn nữa, nhận thức về vị trí vai trò của Tổng cục cần phải thông suốt cả trong các cơ quan thuộc Bộ lẫn bên ngoài nhiều hơn nữa.
Tổng cục trưởng ấp ủ mục tiêu gì trong năm 2012?
- Năm 2012, mục tiêu của ngành THADS là phấn đấu giảm số lượng án tồn đọng xuống còn 200 ngàn vụ việc và nếu cố gắng thì con số này hoàn toàn có thể nằm trong tầm tay. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm nay là tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc rà soát, phân loại hồ sơ THA, bảo đảm chính xác về số án có điều kiện và số án không có điều kiện, kiên quyết không để xảy ra tình trạng án có điều kiện thi hành chuyển sang án không có điều kiện thi hành. Duy trì ổn định và vượt chỉ tiêu kết quả thi hành án được giao về việc và về tiền; Triển khai nhiệm vụ mới về THA hành chính. Trên cơ sở tổng kết thí điểm mô hình Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về việc kéo dài thời gian thí điểm đến năm 2014 và nhân rộng mô hình tại một số địa phương có đủ điều kiện như: Bình Dương, Đồng Nai và Đà Nẵng. Tổng cục cũng đang xây dựng Đề án giải quyết việc, tiền tồn đọng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc những dự định tốt đẹp của Tổng cục sớm trở thành hiện thực.
Sau 2 năm thực hiện Luật THADS, đến nay đã thành lập xong 63 Cục, 695 Chi cục THADS. Đội ngũ và cơ cấu cán bộ THA tiếp tục được tăng cường và phân bổ hợp lý hơn. Tổng số biên chế của toàn ngành THADS đến hết năm 2011 là gần chín ngàn người, trong đó có 60 Cục trưởng, 102 Phó Cục trưởng, 661/695 Chi cục trưởng, hơn 3 ngàn chấp hành viên, 476 thẩm tra viên và thẩm tra viên chính. Chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức THA tiếp tục được quan tâm thực hiện bảo đảm đúng quy định. Bên cạnh việc quan tâm thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ THA, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường, xử lý nghiêm đối với vi phạm. Trong hai năm 2010, 2011 đã xử lý 86 trường hợp trong đó có 6 trường hợp bị khởi tố hình sự Trong công tác chuyên môn, sau 2 năm thực hiện luật, kết quả THA năm sau đều cao hơn năm trước. Nếu năm 2010 thi hành xong hơn 350 ngàn việc, đạt hơn 86% về việc, hơn 80% về tiền, thì năm 2011 đã đạt tỷ lệ 88% về việc (với gần 380 ngàn việc được thi hành) trên số có điều kiện thi hành. |
Duy Hưng