Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đến nay, ông Lê Thắng đã 83 năm tuổi đời, 64 năm tuổi Đảng. Ông đã trải qua nhiều cương vị công tác: Thư ký Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp - Tổng cục III, Cục trưởng Cục hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, hiện nay là Chủ nhiệm Câu lạc bộ sĩ quan cao cấp của Bộ Công an về hưu tại Hà Nội.
|
Lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, yêu mến Ảnh: Duy Tường |
Trong số nhiều kỷ niệm của mình, ông ghi tạc suốt đời 2 lần được tháp tùng lãnh đạo Bộ Công an đến dự thính cuộc họp Bộ Chính trị do Bác Hồ chủ trì. Năm 1961, ông theo Thứ trưởng Phạm Kiệt đến trình Bộ Chính trị về dự thảo Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Công an vũ trang (CANDVT); năm 1962, ông đi cùng Thứ trưởng Thường trực Lê Quốc Thân đến trình Bộ Chính trị về dự thảo Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân (CSND) và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sĩ quan và hạ sĩ quan CSND. Ông Lê Thắng kể lại:
- Thực hiện Nghị quyết 58 (19/11/1958) của Bộ Chính trị và Nghị định 100 (03/3/1959) của Chính phủ về thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng, Công an Biên phòng và Cảnh sát vũ trang thành CANDVT thuộc Bộ Công an. Việc thống nhất về tổ chức đã thực hiện xong, Cục chính trị, Bộ Tư lệnh CANDVT dự thảo Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan CANDVT, Bộ Tư lệnh CANDVT đã trình Đảng Đoàn, lãnh đạo Bộ Công an.
Tháng 1/1962, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 40: Khẩn trương tăng cường lực lượng Công an thành một lực lượng chiến đấu vững mạnh; xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân thành lực lượng vũ trang, chính quy, có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới, có chế độ điều lệnh, có cấp hiệu…Thể chế hóa về Nhà nước Nghị quyết 40 của Bộ Chính trị, lãnh đạo Bộ Công an thống nhất tiếp tục xây dựng Pháp lệnh về ANND và CSND, nhưng trước hết là xây dựng Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của CSND và Pháp lệnh quy định cấp bậc của CSND.
Vụ Tổ chức Cán bộ được lãnh đạo Bộ Công an giao cho hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan CANDVT và tham gia cùng Cục CSND xây dựng nội dung dự thảo Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn CSND và Pháp lệnh quy định cấp bậc CSND. Là cán bộ phụ trách chính sách thuộc Vụ Tổ chức Cán bộ, tôi được giao thực hiện những công việc này nên có dịp tham gia các buổi làm việc bàn về nội dung các Pháp lệnh, được tháp tùng lãnh đạo Bộ dự 2 cuộc họp của Bộ Chính trị tiếp thu các ý kiến để sửa đổi hoàn chỉnh văn bản.
• Thưa ông, công việc chuẩn bị các nội dung văn bản được chuẩn bị như thế nào?
- Bắt tay vào dự thảo hai Pháp lệnh của CSND, mặc dù có kinh nghiệm khi dự thảo Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan CANDVT, nhưng vì là vấn đề hoàn toàn mới nên phải làm từ đầu. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gửi công hàm đến Chủ tịch Ủy ban An ninh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô đề nghị cung cấp tài liệu và cử chuyên gia sang Bộ Công an Việt Nam giới thiệu về lĩnh vực này. Bộ trưởng cũng yêu cầu cho các đồng chí là cán bộ Công an đang công tác tại các sứ quán Việt Nam tại các nước XHCN ở Đông Âu liên hệ với Bộ An ninh, Bộ Nội vụ xin cung cấp tài liệu liên quan.
Chúng tôi khẩn trương nghiên cứu các tài liệu của các nước bạn, của Bộ Quốc phòng, bắt tay vào dự thảo hai Pháp lệnh. Trên cơ sở dự thảo, Bộ tổ chức hội thảo từ cấp Phòng, đến cấp Vụ, Cục. Vừa hội thảo vừa chỉnh lý rồi trình Đảng Đoàn, Lãnh đạo Bộ. Cuộc họp thứ hai của Đảng Đoàn, Lãnh đạo Bộ thì nội dung dự thảo được phê duyệt. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn duyệt ký tờ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khó khăn nhất và tốn nhiều thời gian nhất của hai Pháp lệnh này là ở khâu thẩm định của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
• Cửa ải là Uỷ ban Pháp luật, cơ quan giúp việc của Quốc hội?
- Đúng vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lúc đó là đồng chí Trần Quang Huy đã chủ trì nhiều cuộc họp của Ủy ban Pháp luật để thẩm định hai Pháp lệnh. Đồng chí Trần Quang Huy có ý kiến về những khái niệm trong điểm 4, Điều 5 quy định quyền hạn của CSND khi thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp, nhiệm vụ đó có liên quan đến các loại phương tiện giao thông vận tải, phương tiện thông tin liên lạc, Cảnh sát được “quyền sử dụng”, hay “quyền được mượn”... Quyền được đi lại trong thành phố, thị xã, thị trấn bằng các phương tiện giao thông công cộng không phải trả tiền trong khi đang làm nhiệm vụ. Về Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sĩ quan và hạ sĩ quan CSND thì xác định CSND là lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công an được thông qua nhanh, nhưng quy định chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan CSND mục A, điểm 1 của Điều 1 là có sự tranh luận. Cấp tướng trong Quân đội có 4 bậc: Đại tướng, Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng. Tại cuộc hội thảo các đồng chí thống nhất CSND cấp tướng có 2 bậc: Trung tướng và Thiếu tướng. Chúng tôi trình Lãnh đạo Bộ và Đảng Đoàn, được các đồng chí thống nhất: Khi làm nhiệm vụ, CSND “được quyền mượn” các loại phương tiện giao thông vận tải, phương tiện thông tin liên lạc... (trừ đoàn ngoại giao). Cấp tướng có 2 bậc: Trung tướng, Thiếu tướng.
• Thưa ông, việc Bộ Chính trị thông qua hai Pháp lệnh đã diễn ra như thế nào?
- Hai lần tôi được tháp tùng theo các đồng chí Lãnh đạo Bộ dự thính cuộc họp của Bộ Chính trị do Bác Hồ chủ trì thông qua các Pháp lệnh.
Tôi xin kể lại cuộc họp của Bộ Chính trị thông qua hai Pháp lệnh CSND. Hôm đó, Bác Hồ mặc bộ bà ba lụa màu nâu, Người ung dung nhìn bao quát toàn bộ phòng họp, ôn tồn mở đầu: “Hôm nay, Bộ Chính trị cho ý kiến về hai Pháp lệnh cho CSND, chú Thân thay mặt lãnh đạo Bộ Công an trình bày về hai pháp lệnh này.” Đồng chí Lê Quốc Thân đứng dậy trình bày mục đích xây dựng hai Pháp lệnh CSND, các bước quy trình thực hiện và trình bày nội dự thảo hai pháp lệnh.
Sau khi đồng chí Thân báo cáo xong, Bác Hồ nói: Vấn đề này có liên quan nhiều đến chú Văn, chú Văn phát biểu trước (đồng chí Văn tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng). Đồng chí Văn đứng lên nhìn về phía Bác Hồ và phát biểu: Dạ thưa Bác, thưa các đồng chí Bộ Chính trị. Bác đã nói nhân dân ta có hai lực lượng: một là Quân đội, hai là Công an... Còn tôi thì luôn xác định Quân đội, Công an là anh em sinh đôi, cần xây dựng thành lực lượng chiến đấu vũ trang, chính quy vững mạnh, đủ sức làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân. Tôi đã đọc kỹ hai dự thảo Pháp lệnh và tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo của các đồng chí Bộ Công an.
Bác hướng về đồng chí Trường Chinh: Việc này là trách nhiệm của chú Năm, chú Năm phát biểu ý kiến (đồng chí Năm tức đồng chí Trường Chinh, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Đồng chí Năm đứng dậy nói: Thưa Bác, thưa các đồng chí Bộ Chính trị. Tôi cũng đã đọc kỹ và cũng hoàn toàn nhất trí với hai dự thảo Pháp lệnh của các đồng chí Bộ Công an.
Bác nói tiếp: Các chú khác trong Bộ Chính trị có ý kiến gì không? Các đồng chí Bộ Chính trị trả lời: Thưa Bác, chúng tôi nhất trí như dự thảo. Bác nói: Các chú ở Ủy ban Pháp luật có ý kiến gì không? Đồng chí Trần Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - trình bày lại những nội dung đã tranh luận, việc đi đến thống nhất trong quá trình xây dựng hai pháp lệnh. Đồng chí Trần Quang Huy dừng lời, Bác liền hỏi: Các chú có ý kiến gì về những vấn đề chú Huy nêu không? Các đồng chí Bộ Chính trị trả lời nhất trí như dự thảo Pháp lệnh mà Bộ Công an trình Bộ Chính trị. Bác Hồ tươi cười nói: Bác thấy cũng phải, thay được “quyền sử dụng” bằng “quyền được mượn”, Cảnh sát tôn trọng quyền sở hữu tài sản của nhân dân, được quyền mượn nhưng phải trả. Còn việc khi làm nhiệm vụ được đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng không phải trả tiền là được, nhưng chú Hoàn, chú Thân phải giáo dục cho Cảnh sát không được lợi dụng quyền này để làm việc riêng cá nhân. Còn về cấp tướng CSND có 2 bậc là được. Các chú Bộ Chính trị có ý kiến gì nữa không? Các đồng chí Bộ Chính trị đồng thanh trả lời nhất trí. Bác Hồ tươi cười hướng về phía đồng chí Trần Quốc Hoàn và đồng chí Lê Quốc Thân nói: Thế là các chú Công an thắng lợi to rồi nhé!
Bác căn dặn đồng chí Trường Chinh: Chú xem lại và sửa văn bản cho kỹ. Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký công bố hai pháp lệnh về CSND. Từ đó, ngày 20/7 hàng năm là ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.
• Cảm ơn ông.
Đỗ Văn Phú (Thực hiện)