|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trả lời thì không ai còn tin đó là chuyện vô thưởng vô phạt… |
Tuy nhiên, khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận đăng đàn trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời của VTV mới đây, câu chuyện này “dậy sóng”.
“Sạn” không còn là… bịa đặt?
Hai ví dụ mà Biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam hỏi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tuần qua đã khẳng định “sạn” không còn là chuyện bịa đặt. Bài toán “Em có 5 ngón tay, em chặt bớt 2 ngón, hỏi còn mấy ngón?” tưởng chỉ có ở trên mạng, nhưng cuối cùng cuốn sách có kèm bài toán này đã được tìm thấy.
Về bài toán “Nam năm nay 4 tuổi, bố Nam gấp 3 lần tuổi của Nam. Hỏi bố Nam năm nay bao nhiêu tuổi?. Đáp án được đưa ra là bố Nam 12 tuổi”, khi đem câu chuyện này đi hỏi một số giáo viên, nhà xuất bản (NXB), chúng tôi đã nhận được một câu trả lời rất chung, đó là không ai tin có giáo viên nào lại đưa một trong hai bài toán này cho học sinh làm.
Làm công tác giảng dạy và quản lý trên 30 năm, bà Lương Thị Thọ - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, ở trường bà chưa bao giờ gặp tình huống này. Bởi công việc giảng dạy của giáo viên trong trường đều có đồ dùng dạy học, nên khi giảng dạy các cô không có tình huống này.
Bà Thọ cũng đưa ra giả thuyết nếu có xảy ra thì xảy ra một trong ba trường hợp sau: Thứ nhất là, có thể không có thực, vì không có một cô giáo nào “ngố” đến mức độ như thế, kể cả những cô chưa qua đào tạo bài bản; thứ hai, có thể xảy ra nhưng chỉ xảy ra trong trường hợp một giáo viên nào đó, trong một lúc nào đó có thể người ta nói 5 ngón tay, cụp xuống nhưng nghe không hiểu thì thành chặt đi. Thứ ba, khả năng đứa trẻ truyền đạt trở lại với phụ huynh không chuẩn. Tuy nhiên, bà Thọ vẫn khẳng định không tin là có chuyện này.
Còn bà Nguyễn Thị Bình - nguyên giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng khẳng định chưa gặp tình huống này. Bà cho rằng đây là điều vô lý. Bên cạnh đó, bà cũng khẳng định nếu có thì đấy là lỗi của NXB trong việc sắp chữ.
Về phía NXB, theo bà Vũ Thanh Việt - Phó Giám đốc NXB Văn hóa - Thông tin, chuyện này cần phải xem xét lại. Không phải cứ thấy việc gì dân tình bàn tán là chạy theo, như thế thì rất mệt, thứ nhất cho các nhà quản lý, thứ hai là gây hoang mang cho dư luận. Phải truy tìm nguồn gốc của hai đề toán này thì mới nói được chuyện. Phải rõ ràng, có xuất xứ, đã có cô giáo nào dạy chưa?. Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, thông tin bị lũng loạn nhiều nên rất khó để phân biệt. Còn nếu cứ vin vào những thứ trôi nổi thì nhiều vô cùng tận. Giống như công nghệ lăng xê của một số nghệ sĩ, chính họ đưa ra những điều không hề có thật để được nổi tiếng.
Hãi hùng… đồng dao
Cũng trong tuần qua, lại thêm những cuốn sách tham khảo dành cho trẻ em bị phát hiện có nội dung không phù hợp, gây bức xúc dư luận. Điển hình là hai bài “Chơi vỗ tay”, “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng” với những câu như: “Ở với ai?/ Ở với bà/ Bà gì?/ Bà ngoại/ Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng” và “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro…” trong cuốn “Đồng dao cho trẻ mầm non” tập 6 (Nhà xuất bản Mỹ thuật).
|
Với một số bài đồng dao có nội dung phản cảm, cuốn sách “Đồng dao cho trẻ mầm non” tập 6 (Nhà xuất bản Mỹ thuật) đã bị thu hồi. |
Còn cuốn sách bài tập toán ở trang 11 trong tập sách “Phép cộng trừ phạm vi 100” của tác giả Hoàng Long (in logo Nhà xuất bản Trẻ, khung lưu chiểu ghi thời điểm cấp phép là tháng 7/2002, nộp lưu chiểu tháng 9/2003). Bài tập toán có nội dung: “Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi, em còn lại mấy ngón tay?”. Bài toán này có phần hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và ngón trỏ, ngón giữa của bàn tay phải bị cắt rời một bên.
Cả hai cuốn sách nói trên sau khi bị dư luận lên án, đến ngày 28/11 Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản gửi các công ty phát hành sách, chính thức thông báo về việc không phát hành hai cuốn sách cho trẻ em có nội dung phản cảm này.
Và… chuyện dài
Liên quan đến câu chuyện này, việc lựa chọn sách tham khảo cũng là một vấn đề được đặt ra. Là giáo viên, bà Nguyễn Thị Bình cho biết chỉ lựa chọn những sách tham khảo của các tác giả có uy tín, đã được các cô sử dụng kinh nghiệm qua nhiều năm. Tuy nhiên, đứng về phía nhà quản lý, bà Lương Thị Thọ cho rằng dùng sách tham khảo là tùy theo giáo viên, còn nhà trường không bắt buộc mua sách tham khảo. Thực ra, sách tham khảo có nhiều dạng, nhiều loại.
Quan điểm của bà Thọ khi còn làm Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn là chỉ yêu cầu giáo viên dạy cho hết SGK, học sinh học hết SGK "cũng là mừng lắm rồi". Còn sách tham khảo, bà rất ít động viên giáo viên sử dụng, giáo viên có dạy tốt cái “gốc” thì mới dạy sang sách tham khảo.
Còn về phía NXB, bà Vũ Thanh Việt cho biết, quy trình xuất bản sách tham khảo rất chặt chẽ. Tác giả mang bản thảo đến, đưa thẳng cho Ban Giám đốc, Ban Giám đốc sẽ giao cho Ban Biên tập, Trưởng ban Biên tập sẽ giao cho các biên tập viên phù hợp. Biên tập viên sẽ đọc và có phiếu nhận xét bản thảo xem bản thảo có đủ điều kiện xuất bản không. Nếu như có một, hai điểm cần phải xem lại thì phải đánh dấu để Trưởng ban xem, nếu Trưởng ban không giải quyết được thì trình Ban Giám đốc NXB.
Những điều còn nghi ngờ, kể cả sách tham khảo bình thường, Ban Giám đốc sẽ yêu cầu đúng giáo sư, tiến sĩ đầu ngành đọc thẩm định. Họ đọc xong cho ý kiến, nếu xuất bản được thì sẽ cho xuất bản. Còn nếu không đáp ứng được yêu cầu của NXB là đưa cho người có chuyên ngành thẩm định và khi thẩm định trái chiều thì NXB không bao giờ tiếp nhận hồ sơ bản thảo như thế và sẽ loại bỏ ngay.
Bà Việt cũng khẳng định, nhất là các sách lịch sử, phía NXB Văn hóa Thông tin làm rất kỹ. Nếu của tác giả đúng chuyên ngành, cũng phải đọc kỹ xem có liên quan đến vấn đề xuất bản không, có liên quan đến chính trị không.
Tuy nhiên, thời gian qua không chỉ hai cuốn sách tham khảo nói trên mà rất nhiều sách tham khảo dành cho học sinh từ mầm non đến các bậc phổ thông đều có nội dung phản cảm. Thế nhưng, khi sự việc xảy ra, việc khắc phục của các công ty phát hành sách, nhà xuất bản chỉ là phạt tiền, thu hồi sách, trong khi sách đã phát hành được nhiều năm, thậm chí được đưa lên các trang mạng và “chu du” khắp thiên hạ…