Sự việc diễn ra “công khai”
Huyện Ninh Giang là một trong những huyện bùng phát các ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi sớm và bị thiệt hại lớn ở tỉnh Hải Dương với 28/28 xã, thị trấn có dịch. Đến nay các hộ chăn nuôi lợn gần như không còn lợn, mà đã bán hoặc bị tiêu hủy hết nhưng công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh ở đây còn diễn biến phức tạp.
Theo phản ánh, tại đây, hoạt động chế biến, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn vẫn diễn ra “công khai” ở nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Hương Quỳnh Đăng (Công ty Hương Quỳnh Đăng, thuộc xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang).
Xe container, xe tải chở các thùng hàng vào Công ty Hương Quỳnh Đăng |
Người dân cho hay, Công ty Hương Quỳnh Đăng vốn là công ty chuyên thu mua lợn sữa để chế biến lợn đông lạnh xuất khẩu. Dịch bệnh đang xảy ra và được kiểm dịch, phòng chống gắt gao là vậy song người dân vẫn thấy nhiều xe chở lợn con mang biển kiểm soát các tỉnh như Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương ra vào công ty. Bến phà An Khê (thuộc huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) là nơi giáp ranh với xã Hiệp Lực và cách công ty chừng 2km nhưng họ vẫn chứng kiến cảnh tượng các xe chở lợn con đi qua phà để về công ty.
Bà Hải, người dân có ruộng phía sau công ty còn cho biết, mỗi ngày công ty giết mổ hàng nghìn con lợn sữa để chế biến xuất khẩu. “Lắm ngày họ chở đến hàng vạn con về công ty. Mấy ngày nay bị phản ánh nhiều quá, họ mới tạm dừng”, bà Hải thông tin.
Trước đây công ty thường xả thải qua đường máng nằm tại ruộng của người dân |
Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ trong tháng 5/2019, tại Công ty Hương Quỳnh Đăng, hàng ngày vẫn có nhiều lượt xe tải ra vào. Các xe như xe tải nhỏ, xe container khi vào công ty đều chở theo các thùng hàng chứa sản phẩm lợn mà công ty đã thu gom được từ nhiều nơi. Sau đó, các thùng hàng sẽ được bốc dỡ từ trên xe xuống và vận chuyển vào nhà máy.
Việc kiểm soát có chặt chẽ?
Được biết, tại Dự thảo kịch bản thông tin và ứng phó với bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam mà Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã xây dựng trước đó có nêu: trường hợp dịch bệnh được phát hiện trên phạm vi diện rộng ngoài lập chốt kiểm dịch còn nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được cấp “Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật” đối với các bệnh khác, có thể được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của địa phương sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Nhưng ở một nơi mà bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh và còn nhiều diễn biến phức tạp như huyện Ninh Giang, mọi “hoạt động, vận chuyển” tại nhà máy chế biến thực phẩm lợn của Công ty Hương Quỳnh Đăng như vậy có được phép hay không?
Các xe tải vẫn thường xuyên chở hàng vào doanh nghiệp |
Liên quan vấn đề này, ông Bùi Minh Chương, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ninh Giang cho biết, ngay sau khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, UBND huyện Ninh Giang đã có các văn bản chỉ đạo yêu cầu các xã, thị trấn, các phòng ban tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, tăng cường phòng dịch; thực hiện “5 không” khi phát hiện có dịch: không dấu dịch, không buôn bán vận chuyển, không giết mổ, không vứt xác lợn chết, bị dịch, không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để làm thức ăn cho lợn…
Tuy nhiên, điều kiện bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại các chốt kiểm dịch còn mỏng, thiếu thốn nên không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn trong quá trình kiểm tra, phòng chống dịch. Công ty Hương Quỳnh Đăng lại có vị trí nằm khuất, ở nơi giáp ranh, trung chuyển giữa hai tỉnh Hải Dương và Thái Bình, vì thế việc kiểm tra, kiểm soát diễn ra không dễ dàng, cần có sự phối hợp của cả hai tỉnh.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Đào Văn Viển, Giám đốc Công ty Hương Quỳnh Đăng xác nhận, dù dịch bệnh xảy ra nhưng từ cuối tháng 4/2019 trở về trước, hoạt động thu gom, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn của công ty vẫn diễn ra bình thường. Đến tháng 5/2109, công ty không sản xuất, thu gom lợn mà chủ yếu xuất và vận chuyển sản phẩm lợn.
Hiện nay công ty chủ yếu xả thải qua đường ống ngay sau tường bao của công ty |
Ngày 28/5, khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành văn bản số 3708/HD-BNN-TY hướng dẫn một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ, tiêu thụ sản phẩm lợn khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi, công ty mới nhập lợn về và xuất sản phẩm lợn bình thường trở lại. Tất cả các hoạt động trên đều có sự kiểm soát, cho phép từ cơ quan chức năng.
Để minh chứng, ông Viển đã cung cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất kinh doanh sản phẩm do Cục Thú y cấp cho công ty (thời hạn từ ngày 28/12/2018 đến 27/12/2021) cùng một số giấy tờ như: Biên bản kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm; Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm; Giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Thú y vùng II và nhiều giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh tại các địa bàn mà công ty thu mua gom lợn.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, cơ sở chế biến lợn sữa đông lạnh trên vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.