Quy hoạch vùng Hải Dương đến 2020 tầm nhìn 2030 |
Phá vỡ quy hoạch
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp và người dân, mặc dù Cụm công nghiệp phía Tây đường Ngô Quyền đã có quy hoạch chi tiết nhưng ngày 5/1/2017, ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vẫn ký Quyết định số 82/QÐ-UBND “về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xây dựng phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương”.
Theo đó, điều chỉnh mục đích sử dụng đất một phần diện tích giao thông (4.514,3m2) nằm trong khu vực đất công nghiệp phía Tây đường Ngô Quyền (dài khoảng 200m nằm giữa Nhà máy gạch ceramic Hải Dương, Cty TNHH Hải Huyền và Cty TNHH Thành Hựu, Cty TNHH Minh Hải, Cty TNHH Tiên Dung) thành “đất sản xuất, kinh doanh”.
Sau khi Quy hoạch được duyệt, Cty TNHH Hải Huyền, Cty TNHH Minh Hải (là các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Hải Dương cho thuê đất trong Cụm công nghiệp đường Ngô Quyền) đã đề xuất được thuê lại diện tích điều chỉnh này. Ngày 21/2/2017, UBND tỉnh Hải Dương đã có Quyết định số 619/QÐ-UBND chuyển mục đích sử dụng cho Cty TNHH Hải Huyền thuê 2.249,4m2 đất để mở rộng Dự án cơ sở kinh doanh thương mại; Quyết định số 1014/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 chuyển mục đích sử dụng đất và cho Cty TNHH Minh Hải thuê 2.264,9m2 để mở rộng Dự án cơ sở sản xuất kinh doanh…
Vậy, mục đích của việc điều chỉnh cục bộ trên là gì và có cần thiết hay vì động cơ nào khác? Trong khi kiến nghị gửi Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các doanh nghiệp đều khẳng định sẵn sàng bỏ kinh phí tham gia làm con đường này? Bởi đây là con đường hết sức cần thiết, giúp kết nối mạng lưới giao thông trong khu vực thuận tiện và phù hợp cả trước mắt và lâu dài, không chỉ đối với các doanh nghiệp mà với cả cộng đồng dân cư và các cơ sở kinh tế - xã hội phía Tây đường Ngô Quyền? Cũng như trước khi UBND tỉnh Hải Dương cho các doanh nghiệp thuê đất, đều có quy hoạch mặt bằng của mỗi dự án, như: diện tích đất doanh nghiệp được sử dụng và diện tích đất dành để làm đường… các doanh nghiệp đã phải bỏ tiền đền bù giải phóng mặt bằng cả phần diện tích quy hoạch đường với số tiền không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng như: đường giao thông nội bộ, đường dây tải điện, đường ống cấp, thoát nước giờ phải theo quy hoạch cục bộ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, tốn kém cho doanh nghiệp.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, nhiều năm qua tiền thuế, tiền thuê đất doanh nghiệp đã nộp theo vị trí đất dự án, nay phải thay đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư, công tác phòng cháy, chữa cháy khi mà trong cụm công nghiệp có những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ xảy ra cháy, nổ; lực lượng lao động đông, nếu xảy ra sự cố hỏa hoạn hậu quả khôn lường… Chưa kể sau này các doanh nghiệp phát triển thì sẽ rất khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa đối với phương tiện ra vào.
Có thể thấy, việc UBND tỉnh Hải Dương điều chỉnh quy hoạch cục bộ trong Cụm công nghiệp phía Tây đường Ngô Quyền để tận dụng đất cho một vài doanh nghiệp thuê đã phá vỡ quy hoạch chung, làm ảnh hưởng và mất lòng tin của các doanh nghiệp nơi đây.
Ngân sách khó khăn hay vì lợi ích nào khác?
Trong khi kiến nghị của doanh nghiệp về việc điều chỉnh cục bộ không được quan tâm, trả lời thỏa đáng thì mới đây, khi lý giải về vấn đề này, UBND tỉnh Hải Dương lại cho rằng, do ngân sách của tỉnh còn khó khăn, một số tuyến đường nội bộ trong Cụm công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Và theo báo cáo của UBND phường Cẩm Thượng thì đoạn đường này quy hoạch hiện không có đơn vị nào sử dụng làm đường đi lại, để hoang hóa lãng phí nhiều năm. Vì vậy, UBND tỉnh đã giao cho UBND TP Hải Dương và các cơ quan chuyên môn xem xét kiến nghị của phường Cẩm Thượng. Trên cơ sở tham mưu của Sở Xây dựng và UBND TP Hải Dương, nhận thấy, nhiều năm đường này để hoang hóa, là nơi chứa rác thải gây ô nhiễm môi trường, lãng phí đất đai, mất mỹ quan.Việc xóa bỏ đoạn đường quy hoạch này không ảnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp đã đầu tư trong Cụm công nghiệp; việc điều chỉnh diện tích đường quy hoạch và chuyển thành diện tích đất công nghiệp còn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất…
Lý giải này liệu có hợp lý và thỏa đáng khi mà UBND tỉnh Hải Dương đã có quy hoạch vùng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030? Và chẳng lẽ một tỉnh có nhiều cụm và khu công nghiệp như Hải Dương lại khó khăn về ngân sách đến nỗi phải điều chỉnh một đoạn đường?
Báo PLVN sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh.
Trong một diễn biến khác, sau khi tiếp nhận đơn thư của bạn đọc phản ánh về việc Khu công nghiệp Đại An đầu tư xây dựng công trình trong khu công nghiệp vi phạm quy hoạch xây dựng, không phép, phóng viên Báo PLVN đã nhiều lần liên hệ, đặt lịch làm việc với ông Trương Văn Hơn – Chánh Văn phòng và ông Nguyễn Dương Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương qua điện thoại nhưng không có kết quả.
Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản yêu cầu Cty CP Đại An thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh này tại Thông báo số 142/TB-VP ngày 7/12/2015. Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương đã giao Sở Xây dựng chủ trì với Ban quản lý các khu công nghiệp và UBND TP Hải Dương kiểm tra, xác minh rõ những sai phạm của Cty CP Đại An trong việc đầu tư xây dựng công trình trong khu công nghiệp và xử lý theo quy định; các sở: TN-MT, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và UBND TP Hải Dương xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan trong việc để Cty CP Đại An tự ý xây dựng các hạng mục công trình khi chưa đủ điều kiện theo quy định…