Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương cho biết, Sở đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các phương án, kịch bản để sẵn sàng cung ứng lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh ứng phó với dịch Covid-19 theo từng cấp độ, kể cả trong tình huống xấu nhất.
Khu chợ tạm nằm ở đường Tôn Đức Thắng, TP Hải Dương 7 giờ sáng 1/4. |
Nguồn cung các hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện các siêu thị, doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đã có phương án dự trữ và cung ứng kịp thời, sẵn sàng vận chuyển, phân phối khi có yêu cầu.
Vào chiều 31/3, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, thị trường Hải Dương đã sôi động hơn. Lượng người mua hàng tăng lên nhưng nguồn hàng vẫn bảo đảm, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm, hết hàng cục bộ.
Một số hàng tạp hóa mở cửa nhưng không có khách đến mua. |
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, vào sáng sớm 1/4 (thời gian khoảng từ 6 giờ - 7 giờ), lượng người mua hàng hóa, các nhu yếu phẩm vẫn diễn ra ở tại một số chợ tạm, chợ cóc, chợ ở nông thôn.
Cụ thể, tại khu chợ tạm nằm ở đường Tôn Đức Thắng, TP Hải Dương, vào thời gian khoảng 7 giờ, người dân vẫn qua lại mua thịt, rau, củ quả nhộn nhịp. Trước khi để người dân vào chợ, các lực lượng chức năng làm công tác phòng chống dịch đều thực hiện kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu người dân đeo khẩu trang, sát khuẩn…
Chợ Tân Kim bình thường họp cả ngày nay cũng ít người tới mua bán. Lực lượng chức năng vẫn làm nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống dịch. |
Các hàng quán đều được kiểm tra, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Nếu như những ngày trước, người dân có thể trò chuyện, mua bán với nhau lâu nhưng hôm nay, họ đều vội vã, mua hàng nhanh chóng, tránh tụ tập đông người.
Đến thời điểm hiện tại, một số điểm hàng ngày người dân thường xuyên đến mua bán như cửa hàng tạp hóa, chợ huyện, chợ cóc tại các khu dân cư hầu như đều đã đóng cửa tạm dừng hoạt động, vắng người lui tới. Khi có nhu cầu, họ chủ yếu đến siêu thị Big C (TP Hải Dương) để mua lương thực, thực phẩm.
Lác đác người dân đến mua hàng tại siêu thị Big C. |
Tại Big C, vào thời điểm 14 giờ ngày 1/4, lượng hàng hóa tại đây vẫn dồi dào, không xảy ra tình trạng khan hiếm, hết hàng cục bộ. Gía cả các loại mặt hàng vẫn ổn định, không có sự chênh lệch so với những ngày trước. Một số gian hàng kinh doanh, buôn bán về quần áo, đồ chơi, trang sức… đều đã đóng cửa.
Người dân đến đây mua hàng, tại các cửa ra vào siêu thị đều có người đo kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu mọi người đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn, vệ sinh môi trường theo đúng quy định.
Hàng hóa tại siêu thị Big C vẫn dồi dào, ổn định. |
Trong khi đó, theo chia sẻ của một số chủ trang trại, chăn nuôi gà ở các huyện Thanh Hà, Cẩm Giàng, TP Chí Linh… giá gà thịt hiện nay đang tiếp tục giảm sâu. Hiện chỉ còn 45.000 – 50.000 đồng/kg, giảm thêm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg so với đầu tháng 3. Với giá bán này, người chăn nuôi không có lãi.
Giá gà thịt liên tục giảm từ sau Tết do các hộ nuôi ồ ạt, cung vượt cầu. Tính đến hết tháng 3, tổng đàn gà trong tỉnh là 13 triệu con và có xu hướng tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở một số địa phương nên người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Việc tiêu thụ gà của các trang trại, hộ chăn nuôi vì thế gặp nhiều khó khăn. Trước khi có lệnh cách ly, nhiều hộ đã phải phân chia nhau chở gà đi bán rong ở đường hoặc mang tận vào cho các gia đình để bán…