Chưa đủ điều kiện xác định giá bán điện
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong 37 dự án điện mặt trời (ĐMT) đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, tính đến tháng 10/2020, đã có 31 dự án đã công nhận ngày vận hành thương mại với tổng công suất 2.173,51MW. Có 5 dự án còn lại dự kiến vận hành thương mại vào cuối 2020.
Theo khoản 3, Điều 5 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích ĐMT tại Việt Nam (QĐ13) của Thủ tướng Chính phủ, giá mua điện từ các dự án ĐMT nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2000MW được tính là 2.086 đồng/kWh, tương đương 9,35 UScents/kWh.
Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 5 QĐ13, với dự án ĐMT nối lưới đã được quyết định chủ trương đầu tư trước 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ 1/7/2019 - 31/12/2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng giá 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 Uscents/kWh.
Qua rà soát của Ninh Thuận, tính đến tháng 10/2020, tổng công suất tích lũy của các dự án ĐMT đã vận hành thương mại vượt quá công suất tích lũy 2000MW theo quy định. Trong đó, có các dự án hoặc một phần dự án rất lớn đang triển khai trên địa bàn tỉnh này gồm: Dự án ĐMT 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải; Dự án Nhà máy ĐMT Thiên Tân 1 công suất 250MW.
Theo tỉnh Ninh Thuận, vì đây là hai dự án được Chính phủ bổ sung quy hoạch, được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư sau 23/11/2019 và tiến độ dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Do đó, một phần công suất tích lũy vượt quá 2000MW của hai dự án không đáp ứng điều kiện để được áp dụng giá bán điện 7,09 Uscents/kWh. Hơn nữa, các dự án hoặc một phần dự án hoàn thành vận hành trong năm 2020 nhưng cũng chưa xác định được giá bán điện.
Kiến nghị có “quy định đặc thù”
Theo tìm hiểu, ngày 9/1/2020, Dự án Nhà máy ĐMT Phước Minh kết hợp hệ thống truyền tải 500KV được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (quy hoạch điện VII điều chỉnh). Đây là dự án do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 11.482,9 tỷ đồng. Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 557ha.
Trong khi đó Dự án Nhà máy ĐMT Thiên Tân 1 được cấp quyết định chủ trương đầu tư ngày 28/9/2017 tại địa bàn xã Phước Trung, huyện Bác Ái, do Cty TNHH MTV Thiên Tân Solar Ninh Thuận (một Cty thành viên của Thiên Tân Group) làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng trên diện tích 105ha với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.418,6 tỷ đồng. Sau khi dự án hoàn thành vào tháng 3/2020 đã được hòa lưới điện quốc gia. Ở giai đoạn 2, Thiên Tân sẽ hoàn tất việc xây dựng cả 5 nhà máy, trong đó nhà máy 4 và 5 đều có công suất 300 MW. Khi hoàn thành dự án sẽ có tổng công suất 1.000MW trên diện tích 1.400ha, vốn đầu tư 2 tỷ USD.
Trong văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh ký gửi Bộ Công Thương mới đây, kiến nghị Bộ này xem xét báo cáo Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy định đặc thù về phát triển ĐMT trên địa bàn tỉnh, cho áp dụng giá bán điện là 7,09Uscents/kWh với phần công suất vượt quá 2000MW của các dự án trên. Đề xuất này, theo tỉnh Ninh Thuận là để giúp địa phương tận dụng được điều kiện tốt về bức xạ mặt trời, tận dụng sử dụng các vùng đất khô cằn, có hiệu quả kinh tế thấp để phát triển ĐMT, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần gia tăng nguồn điện tái tạo cho đất nước.
Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng, mới đây, Bộ trưởng Công Thương đã có văn bản đề nghị một số Bộ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, có ý kiến về đề xuất của UBND tỉnh Ninh Thuận.