Khi em viết những dòng đầu tiên về cô, em như cảm thấy mình nhỏ bé ngồi trong lớp học, mắt trong veo ngước nhìn cô như uống từng lời giảng của cô, cô Lê Hương của em!
Lớp học 32 người, Việt Hà của cô là con bé gầy gò, xanh xao, ít nói chỉ hay cười nhưng lại là lớp trưởng của một lớp “siêu quậy” trong trường PTTH Đạ Huoai… Không biết cô có còn nhớ em không? Cái con bé cô vẫn gọi là “ bé hạt tiêu” ấy!
Lớp 12B năm 1996 nổi tiếng nghịch ngợm, thầy giám thị luôn “ ưu ái” để mắt đến, các thầy cô luôn than phiền vì lớp mất trật tự nhưng cứ đến giờ cô là cả lớp im thin thít, yên lặng tới mức nghe được cả tiếng gió lùa vào tán lá xà cừ ngoài cửa lớp. Cả lớp ngồi im vì có lẽ do cô dạy văn hay quá… Cô dạy sao mà say sưa, giọng của cô trầm bổng, lúc thiết tha, da diết, lúc kiên quyết mạnh mẽ, lúc dào dạt yêu thương… Cả 32 học sinh của 12B năm ấy vì yêu mến cô mà yêu môn văn vô cùng.
Mỗi khi trả bài và sửa bài Tập làm Văn cô mới tỉ mẫn làm sao. Cô sửa từng lỗi chính tả, từng câu chữ đúng chức năng cú pháp, từng ý chưa thật đúng với nội dung đề yêu cầu. Cô thường dừng lại rất lâu ở bài của em, giọng xúc động nhận xét : “ Mỗi một bài làm của em là mỗi một tia nắng nhỏ, bé hạt tiêu ạ”. Em xúc động vô cùng, quên đi tất cả những vất vả của một trẻ nhà nghèo một buổi đi học còn một buổi trèo rừng chặt lồ ô bán lấy tiền mua gạo mà lao vào học hăng say suốt cả một thời tuổi nhỏ.
Mẹ ốm nặng về quê Ngoại, em là chị lớn nhất ở lại nuôi 2 em nên bỏ học giữa chừng. Em đi rừng và đan mây thủ công ở xưởng Lam Sơn kiếm tiền sinh sống. Nghỉ học 3 ngày thì cô tìm em, trong ráng chiều vàng vọt cô nhỏ bé gò lưng đạp xe lên dốc đến xưởng mây Lam Sơn tìm cô trò nhỏ. Cô khóc khi cầm lấy bàn tay em chằng chịt vết cứa của tre nứa và nhấc em lên xe cô chở về nhà. Cô không kìm nổi nước mắt khi nhìn thấy ngôi nhà mấy chị em đang sống. Cô để lại bộ truyện “Không Gia Đình” của nhà văn nổi tiếng người Pháp Hector MaLot rồi bảo: “Em phải đến trường vào sáng ngày mai. Cô đợi”. Đêm hôm ấy em đã đọc trọn cuốn sách rất dày cô đưa kèm theo lời nhắn của cô: “Việt Hà hãy dũng cảm, nghị lực,tự trọng, chăm chỉ như Rê Mi em nhé!” mà khóc ướt đầm cả chiếc gối. Và em đã đến trường vào sáng hôm ấy, cái buổi sáng cô đợi em ở cửa lớp và lắc vai em thật mạnh: “Bé hạt tiêu, có thế chứ! Có thế chứ!”. Từ lúc ấy, cả ba chị em không phải đóng học phí nhờ vào lời đề nghị của cô với nhà trường.
Rồi em tham gia những kỳ thi, những giải thưởng cuốn em đi. Cũng năm ấy, năm 1996 dưới sự dìu dắt của cô em đạt cùng lúc 2 giải nhất (cho cả văn lẫn thơ) trong cuộc thi viết về đề tài “Văn Học Thiếu Nhi” của Hội Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh Lâm Đồng. Cô thắp cho em, ước mơ được thể hiện mình cùng khát khao trở thành một cây bút có tên tuổi.
Tốt nghiệp cấp 3, em thi đỗ 3 trường Đại Học nhưng không thể học bất cứ trường nào… Mẹ em vẫn chưa về, mẹ đang bị bệnh tật hành hạ vẫn phải nương náu sự giúp đỡ của dòng họ Ngoại. Cô lại đến, mang theo gạo, mắm và một ít thức ăn. Dáng cô nhỏ bé mong manh, tóc dài đen nhánh chấm gối. Cô ở lại cả buổi chiều hô các bạn nam kẹp tranh thêm lên mái nhà để đỡ mùa mưa còn cô ngồi vá víu lại số quần áo ít ỏi của ba chị em “bé hạt tiêu”... Em tủi thân tấm tức khóc mãi, cô bảo em ngã đầu vào lòng cô mà khóc đi cho thỏa lòng. Hình như em đã khóc rất nhiều rồi thiếp đi lúc nào không hay cho đến khi tỉnh dậy chiều đã tàn từ bao giờ. Hai em đã ngủ, còn em yên lành nằm trong lòng cô, thấy mặt mình loang loáng nước cứ ngỡ trong mơ em vẫn khóc có biết đâu là nước mắt của cô đậu xuống má em. Trước khi ra về, cô lại đặt lên tay em bộ sách “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” của nhà văn người Ba Lan Henryk Sienkiewicz kèm theo một lá thư rất dài… Cô đã dặn em phải sống như Xtar và Nen, hai bạn ấy đã thắp lên khát vọng sống cao đẹp, khát vọng đi tới những chân trời xa, khát vọng thực hiện những kỳ tích phi thường, vượt mọi hiểm nguy, chiến thắng mọi bất công tàn ác trong lòng bao thế hệ thanh thiếu niên và em không có lý do nào để lùi bước.
Cô ơi, Việt Hà của cô đây… Bao ngã đường em bước là bấy nhiêu chông gai, bao bất hạnh tưởng đã đè gục em nhưng em vẫn sống đây, sống một cuộc đời đáng sống như điều cô mong muốn. Mẹ đã mất rồi, Ba cũng không trở lại nhưng ba chị em đã không lầm đường lạc lối mà tiếp nối con đường cô đi, với phấn trắng bảng đen, với khát khao không bao giờ tắt vào một ngày mai tươi đẹp. Bây giờ em đã hiểu vì sao cô có thể yêu thương em và các bạn đến như vậy. Không thầy cô nào ghét học trò cả cho dù chúng có ngỗ ngược, cá biệt hay nghèo túng mà chỉ đem lòng bao dung ra mà mà đối xử, yêu thương trò của mình mà thôi. Đó là lương tâm nhà giáo.
16 năm đã trôi qua, chưa một lần em có dịp trở về ngôi Trường THPT Đạ Huoai để tìm cô giáo dạy văn của em để mà nói với cô rằng: Em không thực hiện được khát khao trở thành một cây viết tên tuổi như đã từng hứa với cô nhưng em đã thực hiện được một ước mơ lớn nhất đời em là trở thành một giáo viên dạy văn như cô Lê Hương của em. Em đã biết mình không chỉ truyền đạt niềm say mê môn học mà chứa chan niềm tin yêu, hy vọng vào học sinh ngồi dưới lớp. Hãy dạy học trò bằng tất cả lòng yêu thương rồi em sẽ nhận được những mùa xuân bất tận xoa dịu bao bộn bề, bao bon chen của cuộc sống tất bật ngoài kia.
Em đã không thể giữ được 2 cuốn sách cô trao 16 năm về trước bởi những lần bôn ba mang các em xuôi ngược trên nẻo đường mưu sinh nhưng trong tâm tưởng em hai cuốn sách ấy là vô giá trong hành trang em mỗi ngày vững bước vào đời.
Rồi em sẽ trở lại Đạ Huoai để tìm cô, để kể cô nghe 16 năm qua “hạt tiêu” của cô sống ra sao, để được nhìn thật lâu gương mặt phúc hậu của cô, được nghe lời nói dịu ngọt của cô và thèm thêm một lần ngủ trong lòng cô như một chiều mùa thu năm cũ.
Nguyễn Thị Việt Hà