Hai cô gái Tày, Mường và hành trình vạn dặm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Họ là những cô gái dân tộc thiểu số. Bằng sự bền bỉ và đam mê với những lối đi không ai chọn, họ đã chạm tay tới những thành công ngoài mong đợi. Đó là phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm, lọt top 15 danh sách rút gọn của giải Oscar. Đó là Hà Myo với những sáng tạo không ngừng, mang hơi thở hiện đại vào hát Xẩm, hát Xoan…

Khát vọng đưa hát Xẩm, hát Xoan ra thế giới

Thời gian gần đây, Hà Myo là nữ ca sĩ người dân tộc Mường với MV “Trò chơi í a Trời cho” - bài Hát Xoan đã đạt 1 triệu lượt view chỉ sau một tuần ra mắt.

Hà Myo mất gần 10 năm để có thể tìm được mục đích, lý tưởng cho mình. (Ảnh: NVCC)

Hà Myo mất gần 10 năm để có thể tìm được mục đích, lý tưởng cho mình. (Ảnh: NVCC)

Ca sĩ Hà Myo, tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Hà, hiện đang là ca sĩ của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Vốn là ca sĩ nhạc trẻ nhưng lại mong muốn thách thức giới hạn bản thân, cô quyết định thử sức với dòng âm nhạc dân tộc. Sau hai năm say mê với Xẩm cùng rất nhiều ca khúc mang lại tiếng vang lớn như: Xẩm Hà Nội, Xẩm Xuân Xanh, Xẩm Xuân Chúc Phúc, Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội, Xẩm Thập Ân: Công cha nghĩa mẹ sinh thành... cô đã góp phần đưa Xẩm lên các sân khấu trong nước và quốc tế, mang Xẩm đến với nhiều hơn những khán giả, nhất là người trẻ để có thể giữ gìn và phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở đó, cô lại chuyển mình sang các thể loại khác và ra mắt bài Đập Nàng Khọt (dân ca Mường), Ký sự Trường Sa (dân ca Nam Trung bộ)... Đặc biệt, cuối tháng 11/2022, cô cho ra mắt MV “Trò chơi í a Trời cho” - lần đầu tiên có một bài hát Xoan được kết hợp với âm nhạc điện tử hiện đại, trẻ trung cùng với Rap mà vẫn mang đậm nét văn hoá Việt Nam với ý tưởng về các trò chơi dân gian. Và chỉ sau 1 tuần ra mắt chính thức trên kênh YouTube, MV “Trò chơi í a Trời cho” đã thu hút hơn 1 triệu lượt xem. Khởi nguồn cho tác phẩm này là việc Hà Myo mong muốn khám phá di sản âm nhạc Hát Xoan. Cô về phường xoan An Thái, một trong 4 phường xoan cổ của Phú Thọ để học những câu Xoan cổ của trùm phường, nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch.

Càng tìm hiểu về kho tàng âm nhạc Việt Nam Hà Myo càng thấy rằng có nhiều thể loại âm nhạc hay mà nhiều người chưa biết, ngay cả nghệ thuật hát Xoan - một môn nghệ thuật lâu đời đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Hà Myo chia sẻ: “Khi thấy cô Nguyễn Thị Lịch đau đáu muốn truyền nghề cho một ca sỹ trẻ nhưng đến nay chưa có ai, mình đã quyết định làm luôn sản phẩm âm nhạc này và không muốn chậm trễ thêm nữa, trước khi bị mai một và lãng quên, nếu người trẻ không tiếp nối”.

Hiện cô đang tiếp tục học thêm nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác như: Cải Lương, The, Đờn ca tài tử, học đàn Nguyệt để hát chầu văn... Ngoài ra, cô sẽ thực hiện dự án mang Xẩm đến với các trường đại học lớn, nói chuyện với sinh viên về các loại hình nhạc dân gian Việt Nam và về con đường âm nhạc mà cô đang theo đuổi. Hà Myo mong muốn truyền tải đến các bạn trẻ lý tưởng của mình để các bạn cùng giữ gìn và phát triển những giá trị đó không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc... Ngoài việc muốn lan tỏa nhiều hơn nữa giá trị văn hóa của dân tộc, Hà Myo còn muốn truyền cảm hứng tới những người trẻ dân tộc thiểu số.

Từng trải qua những hạn chế của người sinh ra và lớn lên ở vùng cao, Hà Myo hiểu rằng một số bạn trẻ người dân tộc thiểu số thường ôm trong mình sự tự ti, khiến khả năng của họ bị thu hẹp, nghĩ rằng ước mơ của mình là điều gì đó xa vời và xa xỉ. “Mình muốn truyền cảm hứng đến những người cùng dân tộc Mường và những người dân tộc thiểu số nói chung. Mình mong rằng họ có thể vượt qua cái “mác” dân tộc thiểu số, đồng nghĩa với việc vượt qua suy nghĩ làm người dân tộc thiểu số là một điều gì đó hạn chế khả năng của mỗi người”.

Cô chia sẻ: “Theo mình, mỗi chúng ta sinh ra đều mang ý nghĩa và sứ mệnh riêng. Mình từng nghe đến một câu nói: “Rất ít người hối tiếc khi làm sai điều gì mà phần lớn chúng ta hối tiếc khi đã không làm”. Vậy nên với quan điểm của mình, một lần cháy thì hãy cháy cho trọn! Nếu Hà Myo cũng như bao ca sĩ trẻ khác, chỉ làm những thứ đi theo “thị hiếu”, thì sẽ thật khó để các bạn trẻ ngày nay tiếp cận được nghệ thuật Xẩm, nghệ thuật Xoan đặc sắc và hay như thế. Hà Myo chấp nhận và sẵn sàng cho việc đi đầu. Lựa chọn này có thể chông gai khó khăn, gập ghềnh, trắc trở, nhưng nếu có thể mang được tình yêu nghệ thuật truyền thống dân gian đến với nhiều người hơn thì với mình là xứng đáng. Dù ai trong chúng ta muốn thành công cũng đều phải trải qua quãng đường dài để cố gắng, thất bại rồi lại cố gắng hơn... Hà Myo cũng đã mất gần 10 năm để có thể tìm được mục đích, lý tưởng cho mình”.

Hà Myo đang cố gắng để có thể mang được những mảnh ghép tuyệt vời đó lên những sân khấu lớn trong nước và đặc biệt là quốc tế. Hà muốn rằng bạn bè quốc tế có thể thấy được một Việt Nam không chỉ có vẻ đẹp về con người, về phong cảnh mà về văn hóa nghệ thuật cũng rất đặc sắc, rất riêng, rất đáng trân trọng, đáng được thưởng thức và lan tỏa!

Ngoài ra, Hà cũng thấy tiếc vì có những loại hình âm nhạc dân gian hay mà khán giả không biết đến, tiếc vì có những nét văn hoá đẹp mà chúng ta đã vô tình lãng quên … Hà Myo chỉ muốn những điều tuyệt vời đó được sống lại một cách mạnh mẽ và tỏa sáng hơn nữa.

Cô gái Tày lọt Top 15 của Giải Oscar

Ngày 22/12, làng giải trí Việt đón nhận tin vui khi bộ phim Children of the Mist (Những đứa trẻ trong sương) của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã lọt vào Top 15 hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc tại Oscar 2023. Đây là phim tài liệu Việt Nam đầu tiên góp mặt trong danh sách này. Lớn lên ở bản Bung, Bắc Kạn, từ nhỏ Lệ Diễm được ông nội vốn là một giáo viên cấp 1 cho đọc nhiều sách. Chiều tan học sớm, lũ trẻ vùng cao thường la cà sau chân cô để được nghe kể chuyện. Cái tính thích kể chuyện đã ngấm vào máu Diễm, để rồi hết cấp 3 cô chọn ngành báo chí với suy nghĩ sẽ được đi nhiều nơi, khám phá nhiều điều thú vị và kể cho mọi người.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm và giải Oscar đầu tiên cho phim tài liệu Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Đạo diễn Hà Lệ Diễm và giải Oscar đầu tiên cho phim tài liệu Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Tốt nghiệp chuyên ngành báo chí, nhưng cô gái dân tộc Tày lại bén duyên với phim tài liệu khi tham gia một khóa học tại trung tâm TPD năm 2011 và workshop Phim tài liệu trực tiếp năm 2016 của Varan. Từ đó, Hà Lệ Diễm thích làm phim và nghĩ nó phù hợp với mình vì thích tự cầm máy quay, có thời gian đi, lắng nghe các câu chuyện và nhìn ngắm.

Bộ phim Những đứa trẻ trong sương dài 92 phút của Hà Lệ Diễm là một trong 14 tác phẩm tranh giải tại hạng mục phim quốc tế, thành viên Ban giám khảo của hạng mục này là những nhà làm phim có tiếng như Arne Birkenstock, Claire Diao, Elena Fortes, đã ghi nhận cô là “Đạo diễn xuất sắc nhất”, đồng thời Lệ Diễm cũng nhận giải đặc biệt của ban giám khảo dành cho hạng mục phim đầu tay. Tuy nhiên, trước khi đến với thành công, Hà Lệ Diễm cũng có những hành trình không dễ dàng.

Cô nhớ mãi về nhân vật mình làm phim đầu tay, đó là một phụ nữ người Dao bị HIV, một mình nuôi con ở Bắc Kạn. Lúc ấy, Lệ Diễm vẫn đang là một sinh viên, cứ có thời gian rảnh là cô bắt xe từ Hà Nội về Bắc Kạn, trèo đèo, lội suối đến căn nhà mái lá cheo leo và đơn độc giữa rừng núi của chị ấy. Hàng ngày, chị đạp xe bốn lần quãng đường 10km để đưa cậu con trai nhỏ đến trường mẫu giáo. Hai chị em thân thiết đến mức, khi Diễm chính thức bấm máy, nhân vật của Diễm không mảy may bận tâm đến sự hiện diện của máy quay. Chị đi vào phim của Diễm tự nhiên như một hơi thở..., nhận được sự đồng cảm của nhiều người, giúp Diễm nhận Cánh diều bạc năm 2013 ở hạng mục phim ngắn, khi ấy cô vừa tốt nghiệp đại học.

Và Những đứa trẻ trong sương của Lệ Diễm được ghi nhận tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021- Liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới. Những đứa trẻ trong sương (khởi chiếu từ ngày 17/3) ghi lại hành trình của Di từ khi còn là cô bé 12 tuổi cho đến lúc 15 tuổi. Sống ở một bản làng cách thị trấn Sa Pa (Lào Cai) hơn chục cây số, việc hằng ngày của Di là đi học, đỡ đần cha mẹ chuyện đồng áng, việc nhà. Tính Di bướng bỉnh, vừa già dặn nhưng cũng còn ngây ngô. Vào một ngày tết, cô đi chơi và vướng vào tục “kéo vợ” - một nét văn hóa cổ truyền của người H’Mông.

Những đứa trẻ trong sương đã công chiếu từ ngày 17/3.

Những đứa trẻ trong sương đã công chiếu từ ngày 17/3.

Những đứa trẻ trong sương đã cuốn người xem bởi vẻ đẹp của không gian núi rừng, con người Tây Bắc: căn nhà gỗ nép mình bên những tán hoa đào rừng, những thửa ruộng bậc thang, từng đám mây ùn ùn trôi lên từ thung lũng… Di mới 15 tuổi đã nghĩ chuyện yêu đương, thích nhắn tin với các chàng trai. Chị gái Di làm vợ, làm mẹ lúc mới 15 tuổi. Cha Di hay đánh vợ, nhưng mẹ Di chỉ âm thầm chịu đựng. Bà không muốn Di lấy chồng sớm, đơn giản vì sợ nhà thiếu người chăn gà, heo để bà đi uống rượu.

Trong mắt Di, tục kéo vợ chỉ như một trò chơi ở lễ hội, đến khi chuyện xảy ra với mình mới sợ hãi. Những băn khoăn, tâm sự của Di về việc ưng nhau chắc gì đã lấy, lấy về chắc gì đã sống với nhau êm ả rồi mong ước được đi đây đi đó, có tiền để đưa mẹ đi chơi cũng là những trăn trở của biết bao cô gái.

Và người mẹ như mẹ Say của Di, như bao bà mẹ trên đời, cũng ưa la rầy con cái, thậm chí khắc khẩu với con, nhưng khi xa con lại nước mắt ngắn dài, dặn dò nhắn nhủ con với bao lời yêu thương… Phim ám ảnh bởi những nỗi đau thật đến nỗi có thể chạm tới, bởi những hủ tục và văn hóa ấy quay vòng, trĩu nặng trên vai người phụ nữ…

Nguyễn Thị Ngọc Hà sinh năm 1993, người dân tộc Mường, từng đạt nhiều thành tích nổi bật khác như: Giải thưởng Thanh niên sống đẹp 2022, Quán quân “Sàn chiến Giọng hát 2022” (một chương trình trò chơi truyền hình trên kênh VTV3), đạt huy chương Vàng cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc năm 2017. Và vừa qua, cô tiếp tục nhận giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022”…

Hà Lệ Diễm sinh năm 1992, người dân tộc Tày, nhận giải thưởng Forbes năm 2022, Giải thưởng 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022…

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.