Một vụ kiện hợp đồng vay tài sản không có gì phức tạp xảy ra ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên nhưng lại gây bức xúc dư luận về cách giải quyết của một số cơ quan pháp luật. Phải đến phiên toà giám đốc thẩm, cả hai bản án mới bị huỷ để xét xử lại từ đầu.
Vụ kiện đơn giản thành phức tạp
Là chỗ quen biết, tháng 12/2008 chị Nguyễn Thị Kim Anh ở Tổ 15, phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên có vay của anh Dương Văn Khiêm (ở TP. Thái Nguyên) số tiền 1,3 tỷ đồng để kinh doanh và có giao hẹn khi nào cần đòi tiền thì báo trước từ 3 đến 5 ngày sẽ trả đủ cả gốc và lãi suất thoả thuận.
Đến ngày 22/12/2009 hai bên chốt nợ chị Kim Anh còn nợ anh Khiêm 663 triệu đồng. Do chưa lấy được nợ, anh Khiêm đã khởi kiện ra toà yêu cầu chị Kim Anh thanh toán số tiền trên. Ngày 11/5/2010 TAND TP. Thái Nguyên đã thụ lý vụ kiện.
Ở vụ kiện này chúng tôi xin không bàn đến chuyện khởi kiện số tiền là bao nhiêu vì nó đã rõ ràng, mà chỉ xin đề cập đến việc giải quyết kê biên tài sản không đúng với quy định của pháp luật và vi phạm tố tụng.
Hai thửa đất anh Đưởng và chị Liễu mua của chị Kim Anh trước ngày toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. |
Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 15/6/2010 TAND thành phố Thái Nguyên đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản nhà và đất của chị Kim Anh và mảnh đất của anh Tân (chồng chị Kim Anh) không liên quan gì đến vụ kiện ở phường Phan Đình Phùng, Thái Nguyên để đảm bảo thi hành án.
Tiếp theo, ngày 17/6/2010 Phó Chi cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên Lê Thị Nam đã ký công văn gửi các cơ quan chức năng với nội dung không chứng thực xác nhận, chuyển nhượng đối với tài sản của chị Kim Anh và anh Tân.
Ngay sau đó, chị Kim Anh và anh Tân đã có đơn khiếu nại tới toà, vì 2 lô đất trên đã được chuyển nhượng trước đó hợp pháp cho vợ chồng anh Đặng Văn Đưởng và chị Trần Thị Liễu và đã được Phòng Công chứng số 1 (Thái Nguyên) làm thủ tục chuyển nhượng hợp pháp theo pháp luật ngày 8/6/2010 (trước ngày toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời).
Nhưng không hiểu vì lý do gì toà án đã không xem xét để đưa anh Đưởng và chị Liễu vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Và đến khi xử toà sơ thẩm vẫn giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản nhà đất của chị Kim Anh và cả lô đất của anh Tân không liên quan gì đến vụ kiện.
Đến phiên toà phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên chỉ sửa một phần bản án sơ thẩm, đó là huỷ bỏ một phần quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mảnh đất mang tên anh Nguyễn Đức Tân (chồng chị Kim Anh). Còn vẫn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như án sơ thẩm đã tuyên và vẫn không đưa vợ chồng anh Đưởng và chị Liễu vào tham gia tố tụng.
Người có quyền lợi bức xúc bị bỏ "ngoài cuộc"
Quá bức xúc vì hai cấp xét xử thiếu khách quan, coi vợ chồng anh Đưởng là người ngoài cuộc nên anh đã khiếu nại tới VKSNDTC và sau đó Viện trưởng VKSNDTC đã ra kháng nghị. Ngày 28/5/2012, phiên toà giám đốc thẩm xét xử đã nhận định, việc chuyển nhượng 2 lô đất giữa chị Kim Anh và anh Tân cho anh Đưởng và chị Liễu đã qua thủ tục công chứng và xẩy ra trước khi cấp sơ thẩm áp dụng quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Việc không đưa anh Đưởng chị Liễu vào tham gia tố tụng là không đúng với quy định của pháp luật. Và bản án giám đốc thẩm đã quyết định huỷ án sơ thẩm và phúc thẩm của hai cấp và yêu cầu xét xử lại theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, sau khi toà cấp phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên xử huỷ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với mảnh đất mang tên anh Nguyễn Đức Tân thì sau đó Chi cục thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên phải ra quyết định huỷ bỏ phần phong toả lô đất đó.
Nhưng trên thực tế đã hơn 2 năm nay Thi hành án dân sự TP.Thái Nguyên vẫn không ra quyết định huỷ bỏ việc phong toả lô đất nói trên. Hơn nữa đến nay bản án giám đốc thẩm đã tuyên huỷ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì việc Chi Cục thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên cũng phải ra quyết định huỷ bỏ phần phong toả các lô đất của chị Kim Anh và anh Tân.
Từ những chứng cứ nêu trên cho thấy còn nhiều điểm bất thường khi giải quyết vụ án, hậu quả người mua bán chuyển nhượng hợp pháp bị chịu thiệt thòi quá lớn. Hy vọng rằng, việc xét xử sơ thẩm lần hai sắp tới sẽ đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Hải Hà