Báo PLVN số 260 ra ngày 17/9/2011 có bài “Chuyện vô lý ở Cần Thơ: mất đất, còn phải bồi thường” và số 300 ngày 27/10/2011, đăng bài “chuyện vô lý ở Cần Thơ: Xử vậy sao dân tin”, phản ánh bất thường từ một vụ tranh chất đất đai đã được cấp sơ thẩm đưa ra xét xử. Thế nhưng, sau phiên tòa Phúc thẩm, chuyện vô lí lại càng vô lí hơn.
Không đủ điều kiện khởi kiện, tòa vẫn …xử
Như Báo PLVN đã phản ánh, bà Nguyễn Thị Sáng và ông Lê Tuấn Út cùng mua hai mảnh đất giáp nhau ở khu vực 1, phường Thạnh, quận Cái Răng và cả hai đã được cấp QSDĐ. Sau 10 năm yên bình ở gần nhau, ngày 6/7/1999, bà Sáng được cấp giấy CNQSDĐ số 00250 (thừa 380, diện tích 5.765 m2). Năm 2005, phần đất của ông Út bị ảnh hưởng bởi dự án đường Nam Sông Hậu nên bị mất một phần, phần đất xéo còn lại được ra mặt tiền và một phần đất của bà Sáng nằm sau đất ông Út nên không ra mặt tiền đường.
Ngày 21/8/2009, bà Sáng nhượng phần đất của mình cho ông Tô Văn Phước. Do mới trả được một phần tiền nên bà Út khởi kiện ông Phước ra tòa và đến nay ông Phước vẫn chưa chấp hành xong nên bà Sáng vẫn giữ sổ đỏ. Vừa mua xong, ông Phước thương lượng với ông Út đổi đất để đất mình một phần được ra mặt đường nhưng không thành,nên ông Phước khởi kiện cho rằng bị ông Út lấn chiếm. Trước khi khởi kiện, (sau một tháng ký hợp đồng mua đất), ngày 21/9/2009, chưa có sổ đỏ nhưng ông Phước làm hợp đồng cho ông Trịnh Hòang Cảnh thuê diện tích vừa mua của bà Sáng. Điều đáng nói, đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích, nằm trong qui họach dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô và chưa có giấy chủ quyền nhưng Công chứng viên Phòng Công chứng 24h Cần Thơ vẫn công chứng hợp đồng này.
Phiên tòa Phúc thẩm xét xử vụ tranh chấp. |
Những tưởng dấu hiệu khuất tất trên sẽ được TAND TP Cần Thơ nhìn thấy và chấn chỉnh. Nào ngờ, Bản án Phúc thẩm dân sự số 102/2011/DSPT ngày 28/10 vừa qua ngòai việc tuyên án giống bản án sơ thẩm, còn tuyên ông Út mất thêm 432,20m2 đất (?)
Thẩm phán, Chủ tọa can thiệp vào hồ sơ đo đạc?
Trước khi đưa ra xét xử phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ lập Hội đồng đo đạc để xác định phần đất các bên đang sử dụng. Hội đồng đo đạc ngày 10/8/2011 với đại diện của Tòa án, VKSND, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp, nguyên đơn và bị đơn, lập biên bản cho thấy ông Phước đang sử tới 6.612,25m2 đất (trong hợp đồng chuyển nhượng chỉ có 5.765m2)? Vậy là từ chỗ thiếu đất, ông Phước khởi kiện giờ đo đạc lại dư đất. Thế nhưng, tại phiên tòa Phúc thẩm xét xử ngày 28/10/2011, bất ngờ Chủ tọa phiên tòa Thẩm phán Hùynh Trung Hiếu lại trưng ra Hồ sơ trích đo địa chính ghi ngày đo đạc là 11/8/2011 với đất của ông Phước đang sử dụng lên đến 6.148,50 m2. Tuy nhiên, hồ sơ trích đo địa chính ngày 11/8/2011 lại không có biên bản do Hội đồng đo đạc ký tên.
Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã gặp ông Lê Khắc Huy cán bộ đo đạc, ông Huy cho biết, biên bản đo đạc ngày 10/8/2011 có đại diện các bên ký tên và vẽ hồ sơ trích địa chính đúng với diện tích các bên đang sử dụng. Tuy nhiên, sau đó thẩm phán Hiếu bảo thư ký gọi ông Huy đến và yêu cầu vẽ lại, từ đó mới có hồ sơ đo đạc ngày 11/8/2011.
Ngòai ra, tại phiên tòa, hợp đồng cho thuê đất giữa ông Phước và ông Cảnh trái pháp luật, đang bị ông Út kiện ra tòa, Luật sư yêu cầu tạm đình chỉ giải quyết vụ án để đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan nhưng Chủ tạo vẫn “lướt qua” và tuyên án.
Trần Nam
BOX: Theo luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Út: “Việc đo đạc lại, điều chỉnh lại không phải do Hội đồng đo đạc tiến hành mà chỉ do Tòa yêu cầu làm riêng. Đây là việc làm trái pháp luật, vị phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong trường hợp này, Tòa không có quyền điều cầu đo đạc lại, và khi có hồ sơ trích đo địa chính khác mà không do Hội đồng tiến hành là trái pháp luật”.