Sáng 20-1, TAND quận Thủ Đức, TP HCM đã xét xử lưu động vụ án “hành hạ người khác” theo điểm a,b khoản 2 điều 110 đối với 2 bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý (SN 1994, ngụ Kiên Giang) và Lê Thị Đông Phương (SN 1982, ngụ quận 8).
Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt cả hai bị cáo cùng 3 năm tù về tội "hành hạ người khác".
Trước đó, đại diện VKSND quận Thủ Đức đã đề nghị mức án từ 2 đến 3 năm tù đối với cả 2 bị cáo Phương và Lý do "hành vi của hai bảo mẫu là nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất, tinh thần của các bé".
Trong phần thẩm vấn, bị cáo Thiên Lý nói: “Bị cáo cảm thấy lương tâm của bị cáo rất cắn rứt, bị cáo ân hận vì hành vi của mình do quá nóng giận mà không kềm chế được cảm xúc”.
Tòa: Bị cáo không được nói như vậy, khi làm một hành vi thì phải nghĩ đến hậu quả của nó sẽ như thế nào. Đã có rất nhiều trường hợp trẻ chết khi đi nhà trẻ, báo chí cũng đã phản ánh, bị cáo không sợ hay sao?
Bị cáo Nguyễn Lê Thiên Lý (trái) và Lê Thị Đông Phương tại phiên tòa sơ thẩm |
Bị cáo Phương khai với tòa là đã chọn ngành mầm non vì nghĩ mình là con gái nên khi chọn mầm non sẽ có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình, chồng con…
HĐXX: Bị cáo không thể nói như vậy được, mình chọn ngành sư phạm mầm non thì phải hiểu lứa tuổi các bé sẽ có những biểu hiện như khó ăn, khóc nhè.
Trả lời tòa vì sao lại có hành vi đánh đập, nhận đầu các bé, dọa ẵm bỏ vào lu nước thì bị cáo Thiên Lý trình bày: “Dạ tại vì các bé ăn ngậm, nhả thức ăn và hay khóc. Bị cáo nói với bé Ngọc Châu rằng “con không ăn cô sẽ bế con lên bỏ vào lu nước”. Bị cáo đánh vào vai và lưng cháu Tuấn Khang 2 lần, Bùi Ngọc Châu 1 lần và Nguyễn Trần Hoà 1 lần. Ngoài ra, bị cáo không có hành vi như vậy đối với các bé khác”.
Nhiều phụ huynh cũng có mặt tại phiên tòa xử 2 bảo mẫu |
Bị cáo Thiên Lý khóc, nói: “Bị cáo nhận thấy hành vi của mình như vậy là sai trái, làm các bé sợ. Hành vi như vậy là sai pháp luật và cảm thấy rất hối hận”.
Vị chủ tọa nhấn mạnh: “Trách nhiệm và tình yêu thương của cô giáo mới giúp các bé phát triển lành mạnh, mình là bảo mẫu nên phải dạy cho các cháu biết yêu thương, quý trọng những người xung quanh. Để vun vén những đức tính này thì các bảo mẫu việc đầu tiên phải yêu thương, quý mến trẻ. Tại sao không làm điều đó mà lại la hét, hành hạ trẻ như vậy?”.
Chị Phương, mẹ của cháu Hoà bức xúc: “Từ lúc gởi con ở nhà trẻ Phương Anh, con tôi luôn bị bệnh rối loạn tiêu hóa, viên phế quản cấp. Khi tôi tới trường đón thì con tôi rất mừng, tôi đứng nói chuyện với cô thì con tôi níu tay kêu về nhà gấp. Sáng chở đi học thì con tôi lại khóc, không chịu vào lớp”.
Chị Phương trình bày tiếp “Tôi yêu cầu chủ nhà trẻ Phương Anh phải bồi thường 15 triệu tiền học phí, 45 triệu tiền thiệt hại về sức khỏe và tinh thần”.
Bé Tuấn Khang cũng có mặt tại phiên tòa
|
Còn chị Lệ, mẹ cháu Tuấn Khang nói tại tòa: “Hai bảo mẫu trình bày với tòa không đúng sự thật. Hành vi đè đầu con tôi xuống vùng kín chỉ thể hiện cho hành vi thú tính của bị cáo. Ngày đầu tôi dẫn cháu đến trường, tôi đã nói với các cô là không được dùng bạo lực với con tôi. Thấy con tôi có biểu hiện sợ sệt thì tôi đã gọi điện, đến gặp trực tiếp hỏi các cô có đánh con tôi hay không thì các cô vẫn một mực nói rằng không đánh”.
Chị Lệ nói thêm: “Tôi lên mạng xem các clip hành hạ trẻ em, đã đến gặp cô Phương để cảnh báo nhưng tôi thật sự không ngờ việc bạo hành lại xảy ra đúng với con tôi. Tôi yêu cầu tòa phải xử nghiêm vì không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân các bé ở nhà trẻ Phương Anh mà còn ảnh hưởng đến cả một nền giáo dục nước nhà”.
Một hội thẩm nhân dân phân tích: “Làm ngành giáo dục phải hiểu các em có tâm hồn như trang giấy trắng, giáo dục các em để phát triển lành mạnh. Được học thì phải vận dụng vào quá trình dạy học của mình, có như vậy xã hội mới tôn vinh những người thầy cô như là cha mẹ các cháu học sinh.
Các bị cáo đã làm hoen ố đi ngành giáo dục mầm non. Bao nhiêu thầy cô đã cố công vun đắp, trồng nên những mầm xanh của đất nước nhưng chỉ vì hành vi của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, làm méo mó hình ảnh người thầy”.
Theo cáo trạng, nhà trẻ tư nhân Phương Anh do Phương thành lập vào năm 2013 và không có giấy phép kinh doanh. Hai bảo mẫu này đã có hành vi đánh đập, dọa bỏ vào lu nước khi các bé không chịu ăn cơm. Hành vi của hai bảo mẫu đã được một người dân quay clip, ghi âm tố cáo đến công an.
Mặc dù xử lưu động nhưng tòa án bố trí trong phòng xử nhỏ không đủ chỗ cho hàng ngàn người dân đứng xem. Cảnh chen lấn, bác nháo khiến không khí buổi xử ngột ngạt. Chịu không nổi, nhiều người đã lớn tiếng yêu cầu tòa bố trí phòng xử bên ngoài.
Mặc khác, hàng trăm người không được vào đã đứng ngoài la ó, đập cửa. Dưới sân, một số đông người dân bức xúc cách bố trí phòng xử của TAND quận Thủ Đức.