Chú trọng hỗ trợ thành lập doanh nghiệp
Sau khi Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 108/QĐ-BTP về ban hành Kế hoạch TDTHTHPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, trong đó có Văn bản số 1116/UBND-NC1 về việc thực hiện công tác TDTHTHPL năm 2017. Văn bản này yêu cầu các đơn vị, địa phương kịp thời ban hành Kế hoạch TDTHTHPL năm 2017, xác định lĩnh vực trọng tâm là hỗ trợ DN khởi nghiệp; những sở, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch thì hướng dẫn, bổ sung lĩnh vực TDTHTHPL về hỗ trợ DN khởi nghiệp để tổ chức thực hiện trong năm 2017.
Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh; các sở, ngành có liên quan chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức thực hiện TDTHTHPL về hỗ trợ DN trong việc tiếp cận, khai thác nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động; kịp thời tham mưu, tổng hợp, đề xuất xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp của các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ các cơ quan, đơn vị cũng như các DN trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp rà soát, xây dựng danh mục văn bản quy phạm pháp luật gồm 06 Nghị quyết của HĐND tỉnh, 17 Quyết định của UBND tỉnh có nội dung liên quan lĩnh vực hỗ trợ DN khởi nghiệp.
UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, hỗ trợ thành lập DN là một trong những nội dung được tỉnh chú trọng. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 5.686 DN, đơn vị trực thuộc, bao gồm: 4.684 DN; 464 chi nhánh; 108 văn phòng đại diện và 430 địa điểm kinh doanh, trong đó từ năm 2015 đến nay thành lập mới 2.421 DN, đơn vị trực thuộc… Hà Tĩnh cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN và xúc tiến đầu tư tỉnh, Trung tâm Hành chính công tỉnh với chức năng hỗ trợ phát triển DN, thiết lập cơ chế liên thông, một đầu mối để giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đối với DN, người dân. Khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu đăng ký, thành lập DN sẽ được hướng dẫn, tư vấn và cung cấp các biểu, mẫu đăng ký miễn phí.
Bên cạnh đó, tại một số đơn vị cấp huyện cũng đã triển khai xây dựng trung tâm hành chính công huyện đã tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh được rút ngắn còn 02 ngày, trong khi theo quy định của Luật Doanh nghiệp là 03 ngày…
Đáng chú ý, Nghị quyết số 88/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ đăng ký thành lập mới hộ kinh doanh và DN trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc. Theo đó, DN thành lập mới được hỗ trợ 100% lệ phí đăng ký DN; 100% phí công bố nội dung đăng ký DN; 100% chi phí khắc con dấu DN (mức giá con dấu do Sở Tài chính quy định); hỗ trợ chi phí làm biển hiệu: 500.000 đồng; hỗ trợ phần mềm kế toán doanh nghiệp: 2.000.000 đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ 100% thuế môn bài cho các DN thành lập mới trong năm đầu hoạt động…
Cần chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về hỗ trợ DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp phải một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử như đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đội ngũ chuyên môn thực hiện công tác thi hành các quy định của pháp luật về hỗ trợ DN khởi nghiệp còn mỏng, chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Kinh phí thực hiện công tác hỗ trợ DN khởi nghiệp ở các đơn vị, địa phương chưa bố trí thành nguồn riêng…
Để phát huy hiệu quả, Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển và hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đồng thời chủ động bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ DN khởi nghiệp. Đối với các bộ, ngành, Hà Tĩnh mong muốn các bộ, ngành, địa phương chủ động phát hiện, tham mưu đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể, phù hợp để đưa pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đi vào thực tiễn cuộc sống cũng như tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho Hà Tĩnh trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN…