Tuyến đường 1.500 tỉ đồng nhưng thi công cẩu thả
Dự án khởi công năm 2017, dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành. Con đường này đi qua 6 huyện, thành phố, kết nối 4 khu du lịch, 3 khu công nghiệp và 1 cảng biển. Đối với tỉnh Hà Tĩnh, đây là tuyến đường giao thông huyết mạch vô cùng quan trọng, góp phần giảm lưu lượng xe trên Quốc lộ 1A.
Tuyến đường hoàn thành ít nhất có 10.000 người được hưởng lợi, đẩy mạnh giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh ven biển. Tuyến đường xương sống để Hà Tĩnh xây dựng các đô thị ven biển.
Nhiều ống bi làm kè chắn sóng vừa lắp đặt đã bị vỡ nham nhở (ảnh: Đình Sang) |
Một tuyến đường đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, có vị trí rất quan trọng nhưng quá trình thi công có nhiều dấu hiệu sai phạm khiến người dân và dư luận rất bức xúc. PV Báo Pháp luật Việt Nam đã quan sát việc thi công gói thầu 21 đoạn tiếp giáp 2 huyện Lộc Hà và Nghi Xuân và có ghi nhận những hình ảnh từ hiện trường. Đoạn này đã thi công xong nền đường và đang lát mái ta luy, hoàn thiện mặt đường để đổ nhựa.
Một tấm đan xi măng lát ta-luy đường bị nứt vỡ vụn, trơ cả sắt thép vẫn được đơn vị thi công đưa vào lắp đặt (Ảnh: Đình Sang) |
Trình bày với PV, ông Nguyễn Văn Quân, người dân sinh sống ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Con đường này nhiều đoạn vừa là đường vừa là đê chắn sóng ven biển. Nó trực tiếp chắn sóng lúc triều cường và những lúc mưa bão, bảo vệ dân, bảo vệ ruộng đồng không bị xâm mặn. Đơn vị thi công đoạn đường này rất ẩu, chất lượng công trình chưa đảm bảo. Đường thi công không có âu thuyền để bà con neo đậu thuyền, bè lúc mưa bão. Nếu Ban dự án trước khi thi công tham khảo ý kiến nhân dân địa phương thì hay biết mấy”.
Có mặt tại công trường này chúng tôi nhận thấy nhiều tấm đan xi măng lát ta-luy đường bị nứt vỡ vụn; có chỗ rộng chưa đầy 30 - 40m2 nhưng đã vỡ vụn hàng chục viên. Các ống bi chắn sóng cho bờ ta-luy phía đông con đường này kết cấu thiếu bền vững, cái cao, cái thấp; nhiều ống bi miệng vỡ nham nhở.
Chủ đầu tư nói gì?
Với những hình ảnh ghi nhận từ thực tế, PV Báo PLVN đã làm việc với ông Trần Vũ Hải – đại diện đơn vị tư vấn giám sát công trình này. Ông Hải đã cho PV tiếp cận với các biên bản tại công trường, chúng tôi thấy đơn vị giám sát có ghi biên bản tấm đan bê tông lát mái bị vỡ nhưng biên bản ghi sơ sài, thiếu nhiều nội dung cơ bản như: vị trí, số lượng, mét vuông bê tông bị vỡ, nguyên nhân vỡ, cách khắc phục, thời gian khắc phục v.v.
Khi PV đặt vấn chất lượng công trình không đảm bảo nhưng vì sao đơn vị tư vấn không nhắc nhở, khắc phục ngay thì Phó Giám đốc Công ty xây dựng 497 - đơn vị tư vấn giám sát công trình trả lời: “Đơn vị thi công đúng thiết kế, những tấm đan bị vỡ chúng tôi đã nhắc nhở, nhưng đơn vị thi công chưa có thời gian để làm. Công trình chưa nghiệm thu, trước khi nghiệm thu chúng tôi cho khắc phục xong”.
Nhiều tấm đan vỡ vụn vẫn được đơn vị thi công đưa vào lắp đặt (Ảnh: Đình Sang) |
Vì sao đơn vị tư vấn, giám sát lại làm việc kiểu sơ sài và trả lời thiếu trách nhiệm. Tại sao đơn vị này không cho thay thế những tấm đan và ống bi chắn sóng bị vỡ ngay từ đầu mà đợi gần đến nghiệm thu mới thay thế. Như vậy vừa không đảm bảo chất lượng thi công công trình vừa gây tốn kém, lãng phí. Được biết trên đoạn đường này có 7 nhà thấu thi công. Đoạn chúng tôi tiếp cận và nhận thấy chất lượng công trình có vấn đề là do Công ty 343 thi công, trụ sở đóng tại Hà Nội.
Trao đổi với PV, ông Lê Việt Hòa – Phó giám đốc dự án Ban quản lý dự án các công trình Sở GTVT tỉnh Hà Tỉnh cho biết: “Tổ quản lý dự án này có 10 người, thường xuyên có 4 người trên công trường. Bản thân tôi cũng dành nhiều thời gian đi kiểm tra trên toàn tuyến”.
Khi PV đặt vấn đề vì sao Ban dự án có đi kiểm tra chặt chẽ, nghiêm túc mà vẫn để xảy ra những hiện tượng như trên, thì ông Hòa không trả lời.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin./.