Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc Gia, thời tiết tại miền Bắc đang xuống thấp, dự kiến sẽ có những ngày rét đậm trong mùa đông năm nay và những tháng đầu năm 2024. Thời tiết giá lạnh gây ảnh hưởng tới tình hình sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em, những người có bệnh mãn tính về hô hấp, xương khớp, tim mạch, huyết áp…
Để giảm thiểu tác hại thời tiết đối với sức khỏe nhân dân, người bệnh và người nhà chăm sóc người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp như các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp… có nguy cơ xảy ra nhiều hơn trong thời tiết giá lạnh. Đặc biệt cần tăng cường tập huấn kỹ năng chẩn đoán, xử trí bệnh đột quỵ, đánh giá tình trạng bệnh và nguy cơ để chuyển viện cứu chữa kịp thời trong “giờ vàng”.
Bảo đảm việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện: nơi xếp hàng chờ khám, khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, buồng bệnh… cần bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi và phương tiện giữ nhiệt độ phù hợp như yêu cầu của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện 2.0. Thực hiện phòng chống rét cho người nhà người bệnh hợp lý, không để người nhà người bệnh nằm ngoài hành lang hoặc ghế đá ngoài trời, gây nguy hại đến sức khoẻ.
Phối hợp với các đơn vị thực hiện tuyên truyền cho người dân địa phương về nguy cơ của thời tiết tới sức khoẻ, tăng cường phòng chống rét đặc biệt các đối tượng người già và trẻ em; nhà cửa được che chắn kỹ, bảo đảm quần áo đủ ấm. Cảnh báo để người dân biết về các tai nạn do sưởi như bỏng lửa, ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín...
Trước đó, Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cũng đã ban hành công văn về tăng cường hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trong mùa lạnh.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu