Ảnh minh họa |
Thực hiện chính sách bình ổn giá, Hà Nội đã dành 475 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố cho các doanh nghiệp thương mại vay với lãi suất 0% để thực hiện dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, thành phố chỉ đạo hàng bình ổn giá phải luôn được bán thấp hơn giá thị trường từ 10-15%, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, đặc biệt người lao động.
Theo Sở Tài chính và Công Thương, qua kiểm tra việc hạch toán, kí hợp đồng mua hàng dự trữ, niêm yết giá và bán hàng bình ổn, mấy năm qua các doanh nghiệp luôn nghiêm túc thực hiện chủ trương của thành phố. Song phản ánh của cử tri ngoại thành lại cho rằng, người nghèo chưa được hưởng các hiệu quả của chương trình này do hàng bình ổn “mới dừng ở siêu thị”.
Thừa nhận việc tổ chức bán hàng bình ổn giá còn gặp không ít khó khăn do mạng lưới thương mại ở nông thôn ngoại thành mỏng, ông Tưởng cho biết, thành phố đã khắc phục bằng cách tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Song không phải ai cũng biết thông tin để đến mua hàng bình ổn giá tại các phiên chợ này.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẳng định: chủ trương hàng bình ổn giá là nhằm phục vụ người dân, đó là những mặt hàng thiết yếu, cho nên đối tượng là phục vụ cho người dân lao động. Vì vậy, thành phố đã yêu cầu các doanh nghiệp đăng kí nhận nhiệm vụ bình ổn giá phối hợp các Ban quản lý các chợ dân sinh để “nối tay” đến với người nghèo. “Như vậy, người mua có thể đến mua hàng trực tiếp ở các chợ này hoặc có thể mua hàng bình ổn để về bán trực tiếp cho người dân ở sâu trong các khu dân cư” – ông Tưởng nói.
Mặc dù vậy, ông Tưởng cũng nhấn mạnh, “hàng bình ổn giá chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài Thành ủy đã họp bàn nghiên cứu chính sách thiết thực”. Trong đó, có cơ chế hỗ trợ cho các vùng chăn nuôi tập trung về giống, vay vốn đặc biệt hỗ trợ phòng chống dịch bệnh cho nhân dân... Theo kế hoạch, các chính sách này sẽ được hoàn thiện trong năm 2011, dự kiến năm 2012 phần lớn chính sách này sẽ được ban hành.
Xuân Hương