Hội nghị được tổ chức trực tiếp từ điểm cầu trụ sở UBND TP và trực tuyến đến 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.
Phấn đấu 100% hộ gia đình trang bị các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ
Triển khai Kế hoạch số 53/KH-UBND tại hội nghị, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, kế hoạch đặt ra mục tiêu mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người tham gia lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH; nắm chắc được cách thức sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu, phương pháp, kỹ năng xử lý sự cố cháy ban đầu, kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình trang bị các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; phấn đấu mỗi hộ gia đình được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và dụng cụ, phương tiện cứu nạn cần thiết (xà beng, kìm cộng lực, mặt nạ lọc độc, đèn pin…).
Kế hoạch yêu cầu duy trì, xây dựng, nhân rộng mô hình toàn dân tham gia PCCC&CNCH. Trong đó, mô hình phải triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động đồng bộ theo chỉ tiêu của Bộ Công an (hoàn thành trước ngày 20/6/2023) gồm tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng.
Còn mô hình triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương (hoàn thành trước ngày 15/12/2023) gồm Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC; cụm liên kết làng nghề an toàn…
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các quận, huyện Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Đông Anh đã chia sẻ kinh nghiệm về thuận lợi, khó khăn khi triển khai kế hoạch; về việc tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cũng như công tác tập huấn về PCCC; huy động các nguồn lực để thực hiện tốt công tác PCCC trên địa bàn.
Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị cũng như các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào công tác PCCC; các cán bộ, đảng viên phải đi đầu trong triển khai thực hiện kế hoạch.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương, khác với các lĩnh vực khác và với tính chất đặc thù, PCCC&CNCH được báo chí và người dân rất quan tâm. Tính đến nay, đã có hàng nghìn tin, bài về PCCC&CNCH được tuyên truyền trên các báo Trung ương và Hà Nội; phối hợp với Công an TP triển khai hàng chục triệu lượt tin nhắn…
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác phối hợp để truyền thông về công tác PCCC&CNCH, trong đó, tập trung tuyên truyền về kỹ năng sinh tồn; lồng ghép hình ảnh đẹp về hình ảnh người chiến sỹ công an PCCC&CNCH … trên sóng truyền hình vào giờ vàng.
Đồng thời, đổi mới phương thức tuyên truyền; đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin cơ sở…
Huy động sự tham gia và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn biểu dương Công an TP đã tham mưu, cách triển khai hiệu quả trong công tác PCCC&CNCH, trong đó có việc tổ chức thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực TP Hà Nội nhấn mạnh rằng, tình hình cháy nổ trên địa bàn TP còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì thế, Công an TP cần phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này.
Biểu dương các đơn vị, địa phương nhiều năm không để xảy ra cháy nổ lớn, Phó Chủ tịch Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục phải bám sát tiến độ của Kế hoạch để thực hiện hiệu quả, đặc biệt là trang bị các phương tiện PCCC nhằm triển khai phương án "4 tại chỗ". Đối với những địa bàn có các ngõ hẹp, cần có "Điểm chữa cháy công cộng" hỗ trợ công tác này.
Ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó, người đứng đầu cần nêu gương trong triển khai thực hiện kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát để khắc phục ngay những bất cập từ thực tiễn.
Cùng với đó, cần huy động sự tham gia và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân - đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự thành công của kế hoạch.
Đối với chính quyền địa phương, ông Lê Hồng Sơn đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của Bí thư Chi bộ trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân ở địa bàn dân cư thực hiện tốt công tác PCCC.
Đối với các cơ quan báo chí của TP, Phó Chủ tịch Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu tăng cường thời lượng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về công tác PCCC trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, tại các điểm quảng cáo công cộng, trong thang máy của các khu chung cư...
Công an TP phải phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tuyên truyền công tác PCCC trong hệ thống Giáo dục và Đào tạo của TP để các em học sinh cũng hiểu cách PCCC và thoát nạn khi có xảy ra cháy nổ…