Hà Nội xây dựng đường dành riêng cho xe buýt: Liệu có như 'vết xe đổ' của buýt nhanh BRT?

Tuyến BRT 01 chưa phát huy được hiệu quả.
Tuyến BRT 01 chưa phát huy được hiệu quả.
(PLVN) - Mới đây, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vừa kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sớm xây dựng phương án và tổ chức triển khai các tuyến đường ưu tiên, đường dành riêng cho xe buýt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hạ tầng giao thông Hà Nội chưa thể đáp ứng, hãy nhìn lại bài học từ tuyến buýt nhanh BRT rồi hãy quyết định.

Thiếu khả thi

Kiến nghị sớm triển khai các tuyến đường ưu tiên, đường dành riêng cho xe buýt của Transerco được dựa theo nội dung chính của kế hoạch thực hiện các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng năm 2020 đạt 20-25% do Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới ban hành, Hà Nội sẽ nghiên cứu và tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên nhiều tuyến đường.  

Các tuyến đường dự kiến tách làn riêng cho xe buýt gồm: Tuyến Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt (4,7km); tuyến Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự (5,9km); tuyến Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm (9,6km); tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng, Hà Đông (5km).

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia giao thông và cả người dân đều cho rằng việc triển khai làn riêng cho xe buýt sẽ không khả thi và “chết yểu” mà nhãn tiền là bài học của tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Hà Đông. 

Hoan nghênh chủ trương trên vì thời gian xe buýt lưu hành được rút ngắn, thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt) nhưng ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng việc phân làn cho xe buýt chạy riêng sẽ gặp nhiều khó khăn và “là làm trong thời điểm hiện nay không thành công”.

Theo ông Liên, để thực hiện được việc phân làn ưu tiên cho xe buýt, những yếu tố cần có gồm: lòng đường phải có chiều rộng 40-50m và phải có 4-5 làn đường (trong đó phải có làn đường dành riêng cho ô tô). Nhưng thực tế tại ở Hà Nội hiện nay lòng đường khá hẹp (khoảng 17-20m) và có nhiều phương tiện tham gia giao thông hỗn hợp, bên cạnh đó, lòng đường lại có nhiều đường cắt ngang và mật độ dân số đi qua rất đông nên việc phân làn sẽ rất khó khăn.

Còn bà Đinh Thị Thanh Bình, giảng viên Khoa Kinh tế vận tải, Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội thì bày tỏ, với điều kiện hạ tầng và mật độ phương tiện hiện tại của Hà Nội sẽ khó thực hiện, không thể thiết lập một đoạn đường ưu tiên riêng lẻ mà phát huy được tác dụng; phải tạo thành chuỗi liên kết đồng bộ, liên hoàn.

“Có tới 50-60% các tuyến đường của Thủ đô có mặt cắt từ 6-11m. Trong khi đó, mặt đường phù hợp để mở làn riêng từ 25-30m trở lên. Nếu học tập nước ngoài, cơ quan chức năng cũng phải tính xem đường của họ rộng bao nhiêu, như thế nào mới mở làn ưu tiên” - bà Bình phân tích thêm.

Khách quan nhìn nhận, mục đích của việc phân làn, tách dòng phương tiện trên một số trục đường chính là nhằm nâng cao ý thức của người dân đi đúng làn đường, giảm thiểu xung đột giao thông, tăng khả năng lưu thông. Thế nhưng, do hạ tầng chưa theo kịp với sự phát triển của vận tải cùng với ý thức của người dân chưa cao đã khiến mục đích đề ra vẫn chưa hoàn toàn đạt được. 

Ngoài ra, còn phải một kể đến lý do là hiện nay người dân chưa mặn mà với phương tiện công cộng với lý do như: ngõ ngách rất dài, nếu đi xe buýt thì phải đi bộ rất xa mới có điểm đón. Các điểm dừng đỗ lại cách nhau xa, các tuyến xe buýt chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Xe buýt đi tốc độ chậm, vòng vèo, mất thời gian… Rồi vỉa hè thì không có mà đi, trời nắng nóng, bụi bặm khiến việc đi xe buýt rất vất vả. Trong khi đó, nếu đi xe công nghệ, người ta được đón ở tận cửa nhà, đưa đến tận điểm cần đến. 

Bài học BRT

Ông Liên cho rằng, nếu dành cho xe buýt thường một làn đường riêng rất dễ hỗn loạn như xe buýt nhanh BRT (nay đã là xe buýt “chậm”, gây tốn kém). Tổ chức giao thông trên hầu hết các tuyến phố của Thủ đô hiện nay theo hình thức hỗn hợp, xe máy đi chung làn với ô tô, xe buýt. Nếu chúng ta không tính toán kỹ phương án thực hiện thì rất có thể tình trạng ùn tắc giao thông sẽ trở nên phức tạp hơn.

Chúng ta phải nhớ bài học từ mô hình xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, chúng ta chưa thể ưu tiên quá cho xe buýt, trong khi loại hình này hoạt động hiệu quả còn thấp. Việc sử dụng làn đường ưu tiên cho xe buýt như các nước trên thế giới là cần thiết nhưng không phải tại thời điểm hiện tại. 

Ở các quốc gia khác trên thế giới, sở dĩ họ có thể áp dụng thành công mô hình làn đường ưu tiên cho xe buýt, bởi lẽ hệ thống giao thông công cộng của họ rất phát triển. Hệ thống của họ gồm giao thông mặt đất, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao... trong khi phương tiện giao thông công cộng ở nước ta chỉ chiếm từ 8-10%.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội cho rằng: “Xe buýt chỉ có thể thu hút được đông đảo người dân khi chạy nhanh, đúng giờ và an toàn hơn. Chỉ khi nào phương tiện vận tải công cộng đi nhanh hơn xe cá nhân thì lúc đó người dân sẽ lựa chọn. Hà Nội có rất nhiều tuyến đường rộng trên 7m, đủ để bố trí một làn riêng cho xe buýt và chọn một vài tuyến làm thí điểm trước khi nghiên cứu nhân rộng”, ông Thông đưa ra giải pháp.

Phát triển giao thông công cộng là điều cần phải làm, trước sau gì cũng phải làm. Điều Hà Nội đang cần nhất là sớm tạo ra mạng lưới kết nối các phương thức vận tải công cộng. Đừng mải mê đầu tư những thứ kém hiệu quả.

Hãy tập trung đầu tiên vào giao thông đô thị, vì hiệu quả nó tạo ra cho xã hội là vô cùng lớn. Và thiệt hại của nó gây ra nếu không được đầu tư bài bản, cũng là trở ngại rất lớn cho sự phát triển.

Đọc thêm

Kỳ vọng taxi bay

Ảnh minh họa
(PLVN) -  UBND một tỉnh tại miền Trung vừa có một đề xuất gây chú ý dư luận, khi có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để UBND tỉnh này xây dựng đề án thí điểm taxi bay hoạt động trên địa bàn.

Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt

Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt
(PLVN) - Sau nhiều năm giữ nguyên giá, UBND Thành phố Hà Nội vừa quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 01/11/2024. Với những tuyến có cự ly từ 40km trở lên, giá vé sẽ tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.

Nâng cao văn hóa giao thông bằng chế tài và giám sát

Tài xế xe bồn chạy ngược chiều trong đường dân sinh ở Củ Chi. (Ảnh: A.X)
(PLVN) - Thực trạng tài xế chạy ẩu, phạm luật là vấn đề “nhức nhối” của toàn xã hội. Hệ lụy đằng sau nó là những vụ tai nạn nghiêm trọng, là sự tang thương, mất mát cho biết bao gia đình. Để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự giám sát hiệu quả và xử lý nghiêm bằng chế tài.

Chuẩn bị xây dựng cầu Phong Châu mới trong quý IV/2024

Chuẩn bị xây dựng cầu Phong Châu mới trong quý IV/2024
(PLVN) - Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) vừa ban hành quyết định về việc ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới - Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ, theo quy định về xây dựng công trình khẩn cấp.

Cục Đăng kiểm yêu cầu tăng cường giám sát phòng, chống tiêu cực tại các Trung tâm Đăng kiểm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) cho biết, thời gian qua nhận được một số phản ánh về việc một số đăng kiểm viên (ĐKV), nhân viên nghiệp vụ một số TTĐK gợi ý, xin tiền bồi dưỡng của chủ xe khi đưa phương tiện đến kiểm định; gợi ý chủ xe phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trong khi phương tiện vẫn có bảo hiểm, hoặc gợi ý mua nối tiếp thời gian không đúng quy định. Nếu chủ xe không mua thì gây khó dễ bằng cách kéo dài thời gian trả kết quả kiểm định.