Nhiều ngành dự báo không tăng trưởng
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) của TP Hà Nội đạt 1,7 tỷ USD, giảm 19% (XK sang thị trường Trung Quốc giảm 18%, XK sang Hàn Quốc giảm 35,5%); Kim ngạch nhập khẩu (NK) còn giảm thấp hơn khi chỉ đạt 3,7 tỷ USD, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2019 (NK từ Trung Quốc giảm 20,9% và NK từ Hàn Quốc giảm 15,8%).
Các nhóm hàng XK chịu tác động nhiều nhất là điện thoại và linh kiện (- 32,2%); điện tử - máy tính (- 30,5%), máy móc thiết bị phụ tùng (- 26,8%); thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (- 26,7%); dệt may (- 13,7%). Các nhóm hàng NK phục vụ sản xuất bị tác động mạnh bao gồm máy móc thiết bị, phụ tùng (- 35,4%), phương tiện vận tải và phụ tùng (- 40,9%), sắt thép (- 37%), chất dẻo (- 30,2%), thức ăn gia súc (- 62,9%), vải (- 19,6%), kim loại khác (- 23%)…
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, mục tiêu tăng trưởng XK trên 8% của TP Hà Nội là thách thức rất lớn. Du lịch Hà Nội cũng là một ngành được dự báo không đạt kế hoạch tăng trưởng và một số ngành cũng sẽ bị giảm tốc độ tăng trưởng là sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; may mặc; da giày; sản xuất xe có động cơ...
Thông tin từ UBND TP Hà Nội cũng cho thấy, thành phố đã dự báo sản xuất công nghiệp quý I vẫn tăng, nhưng thấp hơn mức tăng của năm trước. Thị trường bất động sản, nhà ở và công trình giao thông cũng chững lại do thiếu hụt nguồn lao động. Chưa kể, NK gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt các thiết bị trong xây dựng như thang máy, vận thăng... Ngành Nông nghiệp được dự báo ít bị tác động bởi dịch Covid-19 nên có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 3,69-4,1%.
Các kịch bản tăng trưởng
Trước diễn tiến khó lường do ảnh hưởng của dịch Covid đến phát triển kinh tế, Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản phát triển kinh tế.
Kịch bản khả quan nhất là dịch có thể được khống chế trong quý I, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV bứt tốc để cả năm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Với kịch bản này sản xuất công nghiệp trong quý II vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài thường sử dụng lượng lớn lao động từ quốc gia của mình nên việc hạn chế nhập cảnh có thể dẫn tới tình trạng thiếu nhân công. Chưa kể đến việc nguồn nguyên liệu dự trữ gần như đã cạn kiệt, chỉ còn đủ phục vụ sản xuất đến hết tháng 3/2020.
Tăng trưởng XK đối với kịch bản này cũng được đánh giá là khả quan. Cụ thể, nếu dịch được kiểm soát hoàn toàn trong quý I, quý II sẽ lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV bứt tốc để cả năm hoàn thành chỉ tiêu đề ra; Dự kiến kim ngạch XK quý I giảm 20%; quý II tăng 13,5%; quý III tăng 15%; quý IV tăng 14,5%, cả năm tăng 8%, đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Nhưng để đạt được kế hoạch tăng trưởng XK này, Hà Nội phải triển khai khẩn cấp các hoạt động như tìm kiếm và phổ biến thông tin thị trường XK tiềm năng thay thế thị trường Trung Quốc (như thị trường Nga, châu Mỹ Latin, châu Phi…), tìm kiếm nguồn NK hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh (nhất là các nguyên liệu ngành dệt may, da giày, điện tử…).
Theo kịch bản 2, nếu quý I kiểm soát được dịch nhưng vẫn ảnh hưởng sang các quý sau, tăng trưởng không thể bứt tốc và cả năm đạt thấp hơn kế hoạch; dự kiến kim ngạch xuất khẩu quý I giảm 20%; quý II tăng 11%, quý III tăng 13%, quý IV tăng 12%, cả năm tăng 6,5% (thấp hơn kế hoạch 1,5%).
Và kịch bản 3, nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II và còn ảnh hưởng sang các quý tiếp theo, năm 2020 tăng trưởng thấp, không đạt kế hoạch; dự kiến kim ngạch xuất khẩu quý I giảm 20%; quý II tăng 4%, quý III tăng 6%, quý IV tăng 4,8%, cả năm bằng với năm 2019 (thấp hơn kế hoạch 8%).
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng đã đưa ra 3 kịch bản về tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 của thành phố. Trong đó, 2 kịch bản dự báo mức tăng trưởng không đạt kế hoạch, 1 kịch bản với mức tăng trưởng vẫn đạt kế hoạch (với điều kiện GRDP quý IV phải tăng trưởng 9,06%, một mức tăng không dễ để đạt được khi mức tăng cao nhất của quý IV trong 10 năm trở lại đây của Hà Nội chỉ dừng ở 8,23%).