Kinh doanh dịch vụ trá hình
Theo tìm hiểu của PV, ngày 21/5/2018, UBND huyện Thanh Trì ra Quyết định số 1961/QĐ-UBND phê duyệt phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp xây dựng trang trại tổng hợp tại khu thứ 7, thứ 8 xã Yên Mỹ cho bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (trú tại xóm 4, xã yên Mỹ) mục đích sản xuất nông nghiệp, trồng trọt (trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, nấm), chăn nuôi (ngựa, dê, cừu, gà, lợn, thỏ, nhím), nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích dự án 63.567 m2.
Thay vì thực hiện theo đúng nội dung của quyết định 1961, bà Hằng đã nhanh chóng “biến” tổng diện tích hơn 63.000 m2 thành 02 khu du lịch trải nghiệm Vạn An và Hải Đăng để kinh doanh dịch vụ.
Trong đó, khu du lịch trải nghiệm Hải Đăng có tổng diện tích gần 5ha còn khu trải nghiệm Vạn An thì có tổng diện tích khoảng 7ha. Cả hai khu này được quảng cáo là chỗ vui chơi, trải nghiệm và ăn nghỉ cho hàng nghìn học sinh, sinh viên và cũng là nơi đón tiếp các gia đình, bạn bè, tổ chức vui chơi, hội họp.
Khu du lịch trải nghiệm Hải Đăng. |
Để có thể hoạt động dịch vụ, bà Hằng đã cho xây bể bơi, khu nhà ăn, văn phòng, cột hải đăng, bãi vận động, khu nhà tắm tráng, khu bơi thuyền, khu vực tổ chức sự kiện, trò chơi.
Một số khu nuôi trồng nấm công nghệ cao, khu cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, ao cá… thì lại được “tận dụng” làm khu nhà nghỉ học sinh, nhà ăn.
Theo báo giá từ phía nhân viên khu du lịch trải nghiệm Hải Đăng thì mức giá vé dịch vụ đưa ra cho các công ty lữ hành với các gói khác nhau tùy thuộc vào số lượng học sinh, độ tuổi, thời gian trải nghiệm, giá vé giao động từ 45 đến 70 nghìn đồng/học sinh/ngày. Khi nào học sinh có nhu cầu bơi lội thì phía Hải Đăng sẽ thu thêm 5.000 VNĐ/người.
Khu trải nghiệm Vạn An |
UBND xã đề nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Trao đổi với PV, ông Trần Quang Khánh - Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội cho biết, trước đây phần diện tích 63.567 m2 là đầm hồ, đất trũng rất cằn cỗi và có nhiều hố sâu, cỏ mọc lên tận đầu người xã đã thông báo cho người dân thuê nhưng không có ai chịu thầu, khoán.
Sau đó có Viện phó Hội Thú y Việt Nam có đặt vấn đề giao khoán cho cá nhân để làm trang trại chăn nuôi. Từ đó, UBND xã có họp và thống nhất giao cho bà Hằng bằng hợp đồng giao khoán sản lượng 25.000/xào/năm kể từ năm 2004.
Sau đó bà Hằng cải tạo khu đất và được sự ủng hộ của các lão thành cách mạng. Đến năm 2009 bà Hằng sử dụng đất thực hiện theo đề án của huyện phê duyệt mô hình kinh tế trang trại.
Bể bơi được xây dựng vào cuối năm 2018 và chuẩn bị đi vào hoạt động. |
Theo ông Khánh thì đến thời điểm hiện tại UBND xã Yên Mỹ đang tổng hợp theo đề án đất công để UBND huyện ký cho bà Hằng thuê dài hạn. Nói về việc bà Hằng sử dụng đất không đúng mục đích thì ông Khánh khẳng định là không cho tổ chức làm dịch vụ tại đây.
Khi phóng viên đề cập đến việc hai khu du lịch trải nghiệm Vạn An và Hải Đăng có thu phí sử dụng dịch vụ thì vị Chủ tịch xã Yên Mỹ lại không hề hay biết và cho rằng phía Hải Đăng và Vạn An có ký kết với một số công ty lữ hành nên thỉnh thoảng các công ty này đưa học sinh xuống thăm quan.
Trả lời câu hỏi liên quan đến một số công trình xây dựng sử dụng vào mục đích khác so với phê duyệt của UBND huyện thì ông Vũ Văn Huy – cán bộ Thanh tra xây dựng của xã Yên Mỹ cho biết UBND xã cũng đã có rất nhiều biên bản từ ngày giao đất cho bà Hằng nhưng đến thời điểm hện tại thì không có vi phạm trật tự xây dựng nào tại đây.
Trao đổi với PV, ông Huy cho biết mô hình kinh tế trang trại của bà Hằng được xây dựng từ năm 2016 nhưng đến năm 2018 bà Hằng mới được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp xây dựng trang trại tổng hợp.
Trả lời vấn đề này, ông Huy cho rằng việc bà Hằng xây dựng như vậy là phù hợp với mô hình kinh tế trang trại nên không xử phạt hành chính. Việc làm này “hợp lý nhưng chưa hợp pháp”.
Cuối buổi làm việc, ông Khánh trao đổi với PV rằng kể từ ngày ký kết hợp đồng bà Hằng đã bỏ rất nhiều tiền của và công sức nên có gì mong anh em tạo điều kiện ủng hộ.
Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.