Thêm chứng cứ vô tội, toà buộc tội
Tuy nhiên, trong phiên xét xử lần này, mặc dù có thêm chứng cứ chứng minh ông Trần Minh Anh không phạm tội như các phiên toà lần trước, nhưng TAND TP Hà Nội đã tuyên án trái ngược với nội dung bản án cũ, cho rằng bị cáo Trần Minh Anh (SN 1961, ở quận Ba Đình, Hà Nội) đã phạm tội, đồng thời xử phạt ông Trần Minh Anh 3 năm, 10 tháng, 26 ngày tù. Thời hạn tù bằng đúng thời gian mà CQĐT đã tạm giam ông khi khởi tố điều tra vụ án này.
Việc tuyên án trái với bản án cũ và xử bằng thời gian đã giam giữ bị cáo đã nói lên nhiều điều về vụ án mà bị cáo đã 10 năm kêu oan này.
Quá trình giải quyết vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được bắt đầu từ năm 2009 và bà Bùi Thị Minh (mẹ vợ Minh Anh), được xác định là bị hại. Tuy nhiên, sau gần 1 năm điều tra, ngay sau khi Công ty BVSC nộp tiền khắc phục hậu quả thì chính Công ty này được xác định là bị hại của vụ án. Việc đổi vai trò như trên đã đẩy Công ty BVSC vào tình huống khá hi hữu trong tố tụng là “bị hại nộp tiền khắc phục thay cho bị cáo”, đã dẫn đến việc Công ty này phải đính chính việc nộp tiền khắc phục hậu quả là do các nhân viên của Công ty nộp.
Từ khi xảy ra vụ án cho tới nay đã gần 10 năm nhưng vụ án vẫn chưa tới hồi kết thúc sau hàng chục lần mở tòa và qua 2 cấp xét xử. Trong đó, tại phiên toà ngày 17/9/2014, TAND Hà Nội đã tuyên ông Trần Minh Anh không phạm tội. Bản án đã gây rúng động dư luận thời điểm này.
Tuy nhiên, sau đó Toà phúc thẩm đã huỷ án để xử lại dù không nói rõ sai sót của bản án tuyên ông Minh Anh không phạm tội. Năm 2018, sau gần 10 năm điều tra, VKS tối cao vẫn giữ nội dung cáo trạng truy tố đối với ông Trần Minh Anh cho dù bản cáo trạng đã bị toà bác bỏ vào năm 2004.
Theo cáo trạng lần này, VKS tối cao vẫn cho rằng, trong thời gian từ 25/1/2007 đến 30/1/2008, Trần Minh Anh đã lợi dụng mối quan hệ gia đình (con rể và mẹ vở) và sự thiếu hiểu biết về thị trường chứng khoán của bà Bùi Thị Minh cùng với việc sơ hở, không làm đúng quy định của một số cán bộ Công ty BVSC đã thực hiện hành vi gian dối tự ký tên mình và ghi tên Bùi Thị Minh vào Yêu cầu mở tài khoản, Hợp đồng mở tài khoản, giả mạo chữ ký của bà Bùi Thị Minh, lập giấy ủy quyền giả mạo để Công ty BVSC tin tưởng, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng của Công ty BVSC.
Tuy nhiên, ông Minh Anh khẳng định tại phiên toà và trong các phiên toà trước đó nội dung khác hẳn với cáo trạng. Theo ông Minh Anh, do cần có nhiều tài khoản để giao dịch chứng khoán mà quy định mỗi cá nhân chỉ được mở một tài khoản nên ông đã mượn hộ chiếu của bà Minh để mở thêm tài khoản giao dịch. Việc này do vợ chồng ông bà bà Bùi Thị Minh thoả thuận, thống nhất. Số tiền nộp vào tài khoản giao dịch chứng khoán là tiền của vợ chồng ông. Do đó, việc quy kết ông lừa đảo là hoàn toàn không có căn cứ.
Khác với các phiên toà trước, tại phiên tòa đại diện Công ty BVSC khẳng định, theo quy định của pháp luật và hợp đồng mở tài khoản thì chủ tài khoản là người ký hợp đồng. Do vậy, chủ tài khoản chứng khoán số 001C109937 mang tên Bùi Thị Minh nhưng không phải bà Minh. Tuy nhiên, khi được yêu cầu nêu đích danh tên chủ tài khoản sau khi đã loại trừ bà Bùi Thị Minh, đại diện Công ty BVSC đã không trả lời được câu hỏi này của các luật sư.
Đại diện Công ty BVSC cũng nói thêm, hợp đồng mở tài khoản do ông Minh Anh ký dưới danh nghĩa bà Bùi Thị Minh là hợp đồng vô hiệu và cho rằng, bà Minh đã thông đồng với Minh Anh để thực hiện việc ký hợp đồng mang tên Bùi Thị Minh nên đề nghị xử lý bà Minh với vai trò giúp sức cho ông Minh Anh, nếu ông Minh Anh bị kết tội.
Bản án gây tranh cãi
Trong phần tranh luận, các luật sư nêu vấn đề bản chất của vụ án chính là làm rõ ai là chủ tài khoản. Bởi lẽ, VKS truy tố ông Minh Anh chiếm đoạt tiền của Công ty BVSC thì chỉ có 2 khả năng, hoặc là số tiền này thuộc sở hữu của Công ty BVSC, hoặc là tiền của khách hàng do Công ty BVSC quản lý. Nếu số tiền trong tài khoản không thuộc sở hữu của Công ty chứng khoán này thì là tài sản thuộc sở hữu của chủ tài khoản.
Luật sư Trần Việt Hùng - bào chữa cho bị cáo Minh Anh nhấn mạnh, như câu trả lời của đại diện Công ty BVSC nói tại toà, chủ tài khoản không phải là bà Bùi Thị Minh. Như vậy, chỉ có khả năng còn lại chủ tài khoản là ông Trần Minh Anh. Do đó, việc làm rõ chủ tài khoản sẽ chứng minh ông Minh Anh đã “chiếm đoạt” tiền của chính mình và đây là chứng cứ chứng minh ông Minh Anh vô tội như bản án mà chính TAND TP Hà Nội đã tuyên trong phiên toà ngày 17/9/2014.
Theo bản án của TAND Hà Nội tuyên năm 2014, HĐXX nhận định hành vi của Trần Minh Anh không thỏa mãn dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố bởi vì khoản tiền 176.000 Euro là tài sản chung của Trần Minh Anh – Trần Kim Ngân, đồng thời, Minh Anh không có hành vi gian dối đối với Công ty BVSC nhằm chiếm đoạt số tiền trong tài khoản 001C109937. Công ty BVSC hoàn toàn không bị Trần Minh Anh lừa dối vì việc làm của Minh Anh là bình thường và ngay thẳng, không thể nói Công ty BVSC không biết được mà là biết nhưng cố tình làm sai.
Sau khi HĐXX tuyên bố ông Trần Minh Anh phạm tội và tuyên phạt tù bằng thời hạn đã tạm giam, bản án ngày 17/7/2018 của TAND TP Hà Nội đã gây tranh cãi. Lý do gây tranh cãi không phải vì bản án lần này ngược hoàn toàn với bản án cũ mà chính là các căn cứ để đưa ra lời buộc tội.
Nếu bản án trước đây của TAND TP Hà Nội chỉ dừng lại nhận định việc ông Minh Anh mượn giấy tờ tùy thân của bà Bùi Thị Minh, sau đó ký chữ ký thật của mình trên các giấy tờ giao dịch của tài khoản chứng khoán là hành vi gian dối nhưng với mục đích để mở thêm tài khoản thứ 2 nhằm tránh rủi ro trong đầu tư chứng khoán mà không nhằm chiếm đoạt tài sản thì lần này thì tại phiên toà lần này đã có thêm lời khẳng định của Công ty BVSC rằng bà Minh không phải là chủ tài khoản. Điều đó có nghĩa là ông Minh Anh không chiếm đoạt tiền của bà Minh hay Công ty Bảo Việt. Và nghịch lý là, dù chứng cứ vô tội được bổ sung nhưng kết quả của bản án thì ngược lại khiến cho các luật sư nghi ngờ rằng, việc tuyên án như vậy để tránh việc bồi thường oan sai cho ông Trần Minh Anh.