Hà Nội tăng cường xét nghiệm ở khu vực có nguy cơ cao

TP Hà Nội tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, nhằm bóc tách F0 khỏi cộng đồng.
TP Hà Nội tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, nhằm bóc tách F0 khỏi cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không chỉ lấy mẫu trên diện rộng, TP Hà Nội đồng thời thực hiện nhiều biện pháp mạnh trong công tác phòng chống dịch như tăng tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19, gấp rút hoàn thiện bệnh viện dã chiến, kiểm soát việc đi lại của người dân trong thời gian giãn cách.

Tận dụng “thời gian vàng” giãn cách xã hội, những ngày qua, TP Hà Nội tiếp tục triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng tại các khu vực có yếu tố nguy cơ, nhằm nhanh chóng bóc tách F0 khỏi cộng đồng.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội: “Hiện Hà Nội có nhiều khu vực có ổ dịch trong cộng đồng, ngoài những khu vực phong tỏa, chúng tôi tiến hành lấy rộng các mẫu xét nghiệm tại những khu vực không phong tỏa để phát hiện F0. Nhiều trường hợp ho, sốt trong cộng đồng, dù không liên quan dịch tễ nhưng chúng tôi cũng lấy mẫu xét nghiệm rộng cho những đối tượng này”.

Những đối tượng nguy cơ cao là người đi lại nhiều như: shipper, nhân viên vận chuyển hàng hóa của bưu điện, đối tượng bán hàng ở chợ… Khu nguy cơ cao là khu có nhiều ca bệnh lẻ tẻ, không tập trung thành ổ dịch nhưng có diễn biến rất nhanh.

Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng đưa ra nhận định về tình hình dịch hiện nay, mặc dù số mắc tại Hà Nội có giảm, số ổ dịch mới có giảm. Số ca nhiễm cao chủ yếu trong khu cách ly và khu phong tỏa. Hà Nội cũng đã có những biện pháp kiểm soát sớm và quyết liệt để dịch không bùng phát lên trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Tuy nhiên theo chuyên gia Trần Đắc Phu, để quyết liệt hơn nữa, Hà Nội cần thiết kế việc xét nghiệm trong đợt tới làm sao ưu tiên xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, đó là người làm việc ở các bệnh viện, nhân viên ngân hàng, nhân viên bưu điện, shipper…

“Dịch vẫn diễn biến phức tạp, nếu tháo bỏ các quyết định giãn cách để dịch xâm nhập sẽ rất nguy hiểm. Do đó, chúng ta sẽ nới lỏng dần dần, phải tính toán nới khu nào, nới hoạt động gì. Vùng nào đang phong tỏa do có nguy cơ cao thì cần tiếp tục phong tỏa chặt. TP Hà Nội phải lưu ý bảo vệ, nhân rộng vùng xanh. Nếu mất vùng xanh, dịch sẽ lại bùng phát lên”, ông Phu nói.

Bên cạnh đó, để công tác chống dịch đạt hiệu quả cao nhất, TP Hà Nội cần phải tăng tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh lý nền, vùng dịch có nguy cơ cao và tiến tới tiêm cho toàn dân. “Theo tôi, việc tiêm này không chỉ dành cho người có hộ khẩu Hà Nội mà phải tiêm cho người sống trên Hà Nội vì dịch có thể lây lan cho mọi người trên địa bàn. Hiện Hà Nội đang đăng ký online tiêm chủng, do đó cũng cần rà soát xem các đối tượng đã đăng ký hết chưa để bao phủ tiêm”, ông Phu nói.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất với số lượng ca nhiễm tăng mạnh, TP Hà Nội đang gấp rút hoàn thành bệnh viện dã chiến Yên Sở, với hơn 600 công nhân làm việc liên tục không kể ngày đêm.

Để đảm bảo sẵn sàng điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẩn trương thi công bệnh viện dã chiến hồi sức tích cực tại Yên Sở, quận Hoàng Mai. PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, 19 đơn nguyên của bệnh viện đã sẵn sàng chỉ đợi lắp trang thiết bị và quan trọng nhất là cuối tháng 8 Bệnh viện sẽ được khai trương đi vào hoạt động 100 giường, sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện đưa vào sử dụng 300-500 giường cho bệnh nhân nặng.

“Ngay khi chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến thì cũng song song đó chúng tôi đào tạo 800 bác sĩ điều dưỡng. 2 tuần đầu đào tạo lý thuyết, 2 tuần sau thì chia nhóm nhỏ căn cứ theo tình hình dịch bệnh, được tập huấn tại các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực”, PGS.TS Phạm Thị Bích Đào thông tin.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.