Theo đó, tổ COVID-19 cộng đồng kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, phổ biến quy định phòng, chống dịch. Đồng thời tích cực tham gia công tác hỗ trợ, cung ứng lương thực, thực phẩm cho các điểm trực chốt cũng như người dân khu vực phong tỏa.
Tại quận Tây Hồ hiện có 141 điểm/106 tổ dân phố xanh, 35 khu chung cư xanh, 301 chốt kiểm soát xanh an toàn, với sự tham gia tích cực của các tổ COVID--19 cộng đồng, thực hiện nhiệm vụ từ 6h-22h hàng ngày. Tại quận Hai Bà Trưng, các phường huy động tổ COVID--19 cộng đồng khóa chặt các chốt trên địa bàn phường, bảo đảm thời gian cũng như số lượng người trực tại các chốt đúng theo đúng yêu cầu. Các chốt trực hoạt động nghiêm túc, 24/24/7 để phòng, chống dịch.
Tại huyện Ứng Hòa, có 977 tổ COVID--19 cộng đồng với 2.509 người tham gia. Thời gian qua, các tổ COVID--19 cộng đồng đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỗ trợ lực lượng chức năng nắm bắt tình hình.
Huyện Mê Linh đã chỉ đạo lực lượng chức năng duy trì 10 chốt kiểm soát của huyện, 182 chốt kiểm soát tại các tuyến đường liên thôn, liên xã, cùng 385 chốt bảo vệ “vùng xanh” tại các thôn, làng, ngõ, xóm. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, các “vùng xanh” đều do tổ COVID--19 cộng đồng trực tiếp giám sát, quản lý theo mô hình “3 lớp”, “4 tại chỗ”, để bảo vệ dân cư không để xảy ra lây nhiễm bệnh từ bên ngoài vào và lây nhiễm chéo trong địa bàn.
Không chỉ tham gia tuyên truyền, trực chốt phòng dịch, các tổ COVID-19 cộng đồng còn hoạt động nhiệt tình tiếp nhận, cung ứng nhu yếu phẩm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân khu vực bị phong tỏa.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo rà soát, lập danh sách người lao động, người dân ngoại tỉnh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 không có nơi cư trú trên địa bàn quản lý, hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế, bố trí nơi ở tạm thời... với tinh thần “không để ai không có nơi ở trên địa bàn”.
Theo đó, các địa phương cần chủ động rà soát, bố trí nơi ở tạm thời để người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 không có nơi cư trú đến tạm trú; chỉ đạo bố trí lực lượng đảm bảo công tác an ninh trật tự, công tác phòng, chống dịch tại các địa điểm tạm trú.
Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động tự do ngoại tỉnh gặp khó khăn do đại dịch. Làm đầu mối tiếp nhận khó khăn, vướng mắc và đề xuất của UBND các quận, huyện, thị xã, tổng hợp tham mưu UBND Thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời.
Đồng thời, các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố có người lao động gặp khó khăn không có nơi cư trú, phải ở lại TP Hà Nội xây dựng phương án đưa người lao động ngoại tỉnh trở về địa phương khi đủ điều kiện.
Để tránh tình trạng người dân tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân về địa phương nơi cư trú, không đảm bảo yêu cầu về kiểm soát phòng, chống dịch, Công an TP Hà Nội vừa có văn bản gửi công an các quận, huyện, thị xã về việc rà soát nhu cầu trở về địa phương khác của người dân đang cư trú trên địa Hà Nội.