Nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm
Nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “Đã uống rượu, bia - không lái xe” của nhân dân Thủ đô, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị… tăng cường quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương mình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; phấn đấu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là một “tuyên truyền viên” trong tuyên truyền, vận động việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ.
UBND TP nhấn mạnh, thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm.
Công an TP Hà Nội được giao chỉ đạo lực lượng Công an, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an về mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân năm 2023… Đặc biệt, đối với người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan Nhà nước thì phải thông báo đầy đủ hành vi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định; đồng gửi Sở Nội vụ để phục vụ công tác quản lý cán bộ, kiểm điểm, xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Hơn 800 vụ tai nạn giao thông trong năm 2022
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, trong năm 2022, trên địa bàn TP xảy ra 812 vụ tai nạn giao thông, làm 410 người chết, 574 người bị thương. So sánh cùng kỳ năm 2021, giảm 15 vụ tai nạn giao thông (tương đương 1,81%), tăng 60 người chết (17,14%) và tăng 27 người bị thương (4,94%).
Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, từng bước kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn, thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội đã tăng cường phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông – Công an TP Hà Nội triển khai các phương án xử lý dứt điểm 19 “điểm đen” tai nạn giao thông tồn tại trong năm 2022 và 7 “điểm đen” mới phát sinh. Các giải pháp được triển khai chủ yếu là: bổ sung gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm trên cả hai chiều đường tại các đoạn tuyến hay xảy ra tai nạn giao thông. Tại một số khu vực, thực hiện cải tạo mở rộng mặt đường, sơn kẻ vạch và tổ chức lại giao thông, lắp đặt bổ sung biển báo, điều chỉnh đảo giao thông.
Trong năm 2023, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục rà soát, xử lý các “điểm đen”; tăng cường công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đèn tín hiệu giao thông để bảo đảm an toàn, không để xảy ra tai nạn giao thông do nguyên nhân hạ tầng xuống cấp; tăng cường công tác trực gác tại 18 vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt.
Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội sẽ đôn đốc các quận, huyện triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội…