Theo số liệu thống kê của BHXH TP Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 66.702 đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT của 1.087.977 người lao động (NLĐ), với tổng số tiền nợ 4.607,4 tỷ đồng (bằng 9,5% số phải thu), tăng 1.800,5 tỷ đồng so với tháng 12/2019.
Trong đó, số nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch là 1.157 tỷ đồng; nợ ngân sách nhà nước (NSNN) là 148,9 tỷ đồng. Đặc biệt, các đơn vị, DN đang hoạt động nợ BHXH tới 3.301 tỷ đồng, trong đó, tổng số nợ của các DN ngoài quốc doanh lên tới 2.655,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, BHXH TP Hà Nội cho biết, có đến 48,2% tổng số nợ BHXH, BHYT (tương đương với 2.221,7 tỷ đồng) thuộc diện khó đòi. Trong đó có 1.157,3 tỷ đồng thuộc 9.807 đơn vị, DN đã giải thể, ngừng giao dịch, mất tích; 973,6 tỷ đồng của 1.704 đơn vị, DN nợ kéo dài trên 24 tháng dù đã áp dụng nhiều biện pháp đôn đốc thu nhưng chưa hiệu quả.
Theo danh sách công khai của BHXH TP Hà Nội, tính đến hết tháng 7/2020, đáng chú ý có Hợp tác xã Thành Công (trụ sở tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) đang nợ 12 tháng BHXH của 460 người lao động với tổng số tiền hơn 8,2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sông Đà 6 (trụ sở tại phường La Khê, quận Hà Đông) nợ 9 tháng BHXH của 720 người, tổng tiền 7,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có Cty CP phát triển giáo dục IGARTEN (trụ sở phường Mỹ Đình, Hà Nội) nợ 7 tháng BHXH của 559 người, tổng tiền 4,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Giovanni nợ 7 tháng BHXH của 145 người, tổng tiền 1,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (quận Hà Đông) đang nợ 20 tỷ đồng tiền BHXH…
Được biết, từ năm 2010 đến năm 2015, BHXH TP Hà Nội đã khởi kiện 344 đơn vị với tổng số tiền nợ tại thời điểm khởi kiện là 328,6 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn còn 36 đơn vị chưa chấp hành phán quyết của Tòa án, khi số nợ tính đến cuối tháng 6/2020 đã lên tới 90,8 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo BHXH TP Hà Nội, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn vị, DN rất khó duy trì sản xuất kinh doanh, sản phẩm bị ùn ứ, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, khiến doanh thu sụt giảm. Do đó, DN khó cân đối thu-chi, nhất là tìm nguồn trích nộp BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là, bên cạnh những DN thực sự khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì vẫn có một số DN cố tình vin cớ khó khăn khách quan này để chây ỳ, chậm đóng BHXH cho NLĐ.
Bên cạnh đó, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, cơ quan BHXH cũng phải tạm dừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra nên ảnh hưởng đến việc đôn đốc thu.
Trước thực trạng trên, để thực hiện mục tiêu không điều chỉnh các chỉ tiêu năm 2020, BHXH TP Hà Nội cho biết, cơ quan này sẽ phân tích, phân loại nợ theo loại hình sản xuất kinh doanh, theo thời gian nợ, nguyên nhân nợ; kịp thời nắm bắt, đánh giá năng lực, khả năng tài chính của từng DN… để có giải pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, các đơn vị sẽ bám sát, đôn đốc thu nợ ngay khi có dấu hiệu DN chậm đóng từ 1 tháng.
Cùng với đó, thường xuyên đánh giá chất lượng hoạt động của Tổ thu nợ tại BHXH các huyện; đôn đốc, kiểm tra việc đóng nộp BHXH, qua đó yêu cầu các đơn vị, DN thực hiện nghiêm Luật BHXH, Luật BHYT; phối hợp với các cơ quan liên quan của thành phố (Thanh tra, Sở LĐ-TB&XH, Công an và Cục Thuế) thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, DN nợ BHXH.
“Công khai danh tính các đơn vị, DN nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp BHXH của các đơn vị, DN trước khi làm thủ tục, quy trình khen thưởng hoặc trước khi tham gia đấu thầu dự án, cấp thẻ đi lại doanh nhân (ABTC)... là những biện pháp được kỳ vọng sẽ hiệu quả, kịp thời để giảm tỷ lệ nợ BHXH trong thời gian tới” – đại diện lãnh đạo BHXH TP Hà Nội cho biết thêm.