Để triển khai nội dung trên, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành, TP Hà Nội đã chủ trì cùng với đơn vị chức năng của Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện dự thảo đề cương đề án thu phí. “Dự thảo thu phí đã được chấp thuận về nguyên tắc và mục tiêu”, vị này nói và cho hay do đây mới ở bước xin chủ trương nên các mức thu phí chưa được công bố.
Nội dung đề cương nêu trên bước đầu phân ra khu vực, tuyến phố trên địa bàn Hà Nội có nguy cơ ùn tắc để hạn chế xe cơ giới đi vào. Khu vực đầu tiên được Sở Giao thông Vận tải xác định để phân vùng cho ôtô đóng phí là từ vành đai 3 trở vào.
Hiện thành phố đang giao cho Sở Tài chính thẩm định những vấn đề liên quan của đề cương và dự kiến phê duyệt vào quý III năm 2019. Thành phố cũng sẽ xây dựng các trạm thu phí tự động với công nghệ hiện đại; nghiên cứu ban hành quy định lắp đặt thiết bị trả phí tự động trên tất cả ôtô trên địa bàn; mỗi chủ phương tiện phải mở tài khoản để phục vụ công tác thu phí phương tiện cũng như nộp phạt khi vi phạm giao thông.
Trước đó, do việc thu phí phương tiện vào nội đô chưa đủ cơ sở pháp lý (chưa có luật) nên Hà Nội đã báo cáo Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc Hội sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với tình hình thực tế và làm cơ sở thực hiện đề án. Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến cấp có thẩm quyền cho phép TP Hà Nội xây dựng đề án. Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu phương tiện (cả ôtô và xe máy), thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai, số lượng xe của lực lượng công an, quân đội khoảng 1 triệu.
Trước đó, Sở GTVT TP.HCM cũng có văn bản đề xuất UBND TP xin chủ trương xây dựng dự án thu phí ô tô vào trung tâm TP để giảm kẹt xe… Tuy mới chỉ là đề xuất của cấp sở và phải đợi UBND TP.HCM duyệt chủ trương thì mới triển khai nhưng do vấn đề mới, tác động toàn diện đến đời sống người dân nên được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, sẽ có 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm được xây dựng để hạn chế ùn tắc với nguồn vốn 250 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Các cổng thu phí được xây bao quanh khu vực quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10 (bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng). Cách thức này được cho là sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên kẹt xe.