Cách đây hơn 1 tuần, Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 thuộc dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, cho rằng dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, đi qua nhiều địa phương và liên quan đến nhiều quy hoạch. Việc triển khai bước nghiên cứu kỹ thuật cần được thực hiện kỹ lưỡng, bảo đảm chặt chẽ và tránh việc phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
Căn cứ vào tình hình triển khai dự án, Cục này đánh giá rất khó đáp ứng tiến độ khởi công trước 30/6 theo yêu cầu của Chính phủ. Bởi vậy, đơn vị này đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (gọi tắt là BQLDA giao thông Hà Nội) xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện dự án để bảo đảm tiến độ tổng thể đã được Quốc hội thông qua.
Trước khuyến nghị và yêu cầu trên của cơ quan quản lý chuyên ngành cao tốc Việt Nam, mới đây đại diện chủ đầu tư dự án là BQLDA giao thông Hà Nội đã phát đi thông tin thể hiện quyết tâm sẽ khởi công dự án trước 30/6/2023 theo yêu cầu của Chính phủ.
Theo đó, ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc BQLDA giao thông Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, cơ bản công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được bám sát tiến độ, dự kiến trước 30/6/2023 bàn giao trên 70% để khởi công dự án và bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31/12/2023.
Theo Ban này, đến thời điểm này, hồ sơ khảo sát, thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng một số gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần 2.1 cơ bản hoàn thiện. Về công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình các gói thầu dự án thành phần 2.1, dự kiến đến ngày 20/5 sẽ xong 4 gói thầu; việc tổ chức chọn xong nhà thầu và tổ chức khởi công các gói thầu sẽ trước ngày 30/6/2023.
Để bảo đảm vật liệu xây dựng cho dự án, BQLDA giao thông Hà Nội đã có văn bản khảo sát các mỏ khoáng sản dùng làm vật liệu xây dựng thông thường và bãi đổ thải phục vụ thi công. Hiện nay, BQLDA, đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ mỏ vật liệu để phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình dự án thành phần 2.1 và gửi các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh căn cứ số liệu khảo sát mỏ vật liệu để tổ chức triển khai dự án thành phần 2.2, 2.3.
Liên quan đến dự án thành phần 3 (dự án công - tư PPP), Giám đốc BQLDA giao thông Hà Nội thừa nhận, mặc dù được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy và UBND TP Hà Nội, nhưng do quy mô và tính chất phức tạp, đồng thời liên quan đến nhiều địa phương và bộ, ngành nên tiến độ thực hiện dự án chưa đáp ứng được tiến độ đề ra. Hiện Ban đang phối hợp chặt chẽ với tư vấn và các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét thẩm định.
Ngoài ra, Ban này kiến nghị UBND TP Hà Nội tổ chức họp với các bộ liên quan để tham vấn ý kiến được hướng dẫn, định hướng giải quyết các vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với việc quản lý, sử dụng phần vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo phương án tách thành tiểu dự án trong dự án thành phần 3 theo quy định.
Dự án gần 86.000 tỷ đồng
Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô dài 112,8km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; sơ bộ tổng mức đầu tư 85.800 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư hơn 29.440 tỷ đồng.
BQLDA giao thông Hà Nội đề xuất 4 vị trí dự kiến khởi công dự án. Vị trí 1 tại giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2 thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; vị trí 2 tại giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng thuộc xã Song Phương, huyện Hoài Đức; vị trí 3 tại giao trục phía Nam Km45+700 thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai; vị trí 4 giao với quốc lộ 1A cũ thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín.