758.873 lao động bị ảnh hưởng do nợ BHXH
Theo báo cáo đánh giá của BHXH Hà Nội, tính đến hết tháng 11/2017, BHXH Hà Nội thu được 29.752 tỷ đồng, đạt 88,4% kế hoạch BHXH Việt Nam giao (tăng 4.615 tỷ đồng tương đương 18,3% so với cùng kỳ năm 2016). Bên cạnh đó, BHXH Hà Nội đã khai thác phát triển được 9.644 doanh nghiệp với 29.033 lao động tham gia BHXH, BHYT, nâng tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT hiện nay là 55.003 doanh nghiệp (tăng 6.987 doanh nghiệp, tăng 12,5% so cùng kỳ 2016).
Mặc dù đã đạt được kết quả khả quan nhưng số tiền nợ BHXH, BHYT hết tháng 11 của Hà Nội lên đến 2.851,3 tỷ đồng chiếm 8,47% kế hoạch thu. Theo đó, Hà Nội là thành phố có số nợ tiền BHXH cao nhất, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 758.873 lao động.
Theo BHXH TP Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng trên là việc có “khoảng trống” pháp lý trong tố tụng dân sự các vụ án nợ BHXH. Công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra Tòa án hiện nay đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Được biết, từ tháng 1/2016 đến hết tháng 11/2017, cơ quan BHXH đã bàn giao hồ sơ của 492 đơn vị nợ đề nghị Tổ chức công đoàn khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nhưng đến nay chưa có vụ án về nợ BHXH được Tòa án thụ lý, giải quyết do các vướng mắc về quy định pháp luật.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về các giải pháp giảm nợ BHXH, kiểm soát quỹ BHYT do BHXH TP Hà Nội thực hiện, Bà Đàm Thị Hoà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết: Một nguyên nhân nữa là thực trạng làm ăn thua lỗ của một số doanh nghiệp khiến việc trả nợ BHXH khó khăn. Vẫn nhiều chủ doanh nghiệp chây ỳ, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, đóng không đủ số người đang làm việc theo quy định. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người lao động về chính sách BHXH, BHYT còn hạn chế, không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi bản thân.
“Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm hành chính về BHXH, BHYT còn hạn chế, Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015 chưa có hiệu lực. Không chỉ Hà Nội, cả nước vẫn chưa hoàn thiện hệ thống liên thông dữ liệu về quản lý doanh nghiệp, lao động và BHXH” - bà Đàm Thị Hoà cho biết.
Với tình hình này, BHXH Hà Nội khó có thể hoàn thành chỉ tiêu nợ do BHXH Việt Nam giao 4,04% năm 2017.
Đẩy mạnh thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt
Theo đó, để khắc phục thực trạng trên, thời gian qua BHXH TP Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, chủ động như tích cực phối hợp triển khai Quy chế phối hợp 5 ngành: Công an, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Cục Thuế (QCPH số1460/QCPH-CA-LĐTBXH-LĐLĐ-CT-BHXH), về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020.
Đến nay, BHXH TP Hà Nội đã phối hợp với các ngành LĐLĐ, Sở Lao động- TB và xã hội tổ chức 93 cuộc tuyên truyền đối thoại tới các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, cán bộ Công đoàn, công nhân viên chức lao động và người sử dụng lao động tại 30 quận, huyện, thị xã với 19.568 người tham dự. Phối hợp thanh tra liên ngành việc chấp hành chính sách pháp luật lao động, BHXH, Luật công đoàn tại 84 đơn vị với số tiền nợ 90,7 tỷ đồng, đã thu được 10,1 tỷ đồng.
Về phía công an TP Hà Nội, BHXH Hà Nội thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu các đơn vị sử dụng lao động, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về nợ đọng BHXH, BHYT, những thông tin về đóng, quá trình đóng BHXH, BHYT theo yêu cầu của cơ quan Công an; kết quả về công tác xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đồng thời, BHXH Hà Nội phối hợp thực hiện kiểm tra tại 145 đơn vị với số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 80,8 tỷ đồng, sau kiểm tra đã thu được 31,2 tỷ đồng. Cơ quan Thuế đã cung cấp số liệu cho cơ quan BHXH danh sách 13.473 đơn vị giải thể, ngừng hoạt động, tạm dừng hoạt động, danh sách 2.351 đơn vị sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật thuế có dấu hiệu vi phạm về trích nộp BHXH, BHYT. UBND các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo các phòng, ban trên địa bàn tăng cường phối hợp với cơ quan BHXH đôn đốc thu hồi nợ BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp, ban hành các quyết định thanh tra, kiểm tra tại 583 đơn vị với số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 139,6 tỷ đồng, thu hồi được 58,9 tỷ đồng.
BHXH Hà Nội cho biết, trong thời gian tới BHXH TP Hà Nội sẽ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như: Phân tích, phân loại doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT theo loại hình sản xuất, kinh doanh, số tháng nợ, xác định nguyên nhân nợ. Trên cơ sở đó đề xuất và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thực hiện đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lao động, BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, BHXH Hà Nội sẽ đối chiếu và thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến đơn vị sử dụng lao động, trên cơ sở đó có hình thức đôn đốc thu nợ phù hợp; Yêu cầu từng cán bộ chuyên quản thu đôn đốc, nhắc nhở đơn vị nộp BHXH hằng tháng, trong đó chú trọng các đơn vị nợ phát sinh, nợ từ 1 đến dưới 3 tháng, nhằm giảm thiểu nợ khó đòi, kéo dài.
Đồng thời, gửi thông báo nợ BHXH đến đơn vị có số nợ từ 2 tháng trở lên, lập biên bản đôn đốc về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN; gửi văn bản đôn đốc 15 ngày/1 lần; thanh tra, kiểm tra đối các đơn vị nợ BHXH, BHYT.