Lo lắng trước những diễn biến nhanh và nguy hiểm của dịch tại Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Chung nhấn mạnh đến việc quyết liệt, nghiêm túc, không được chủ quan nhưng không hoang mang, không dao động để ứng phó với dịch bệnh.
Đề nghị đưa thêm du khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore vào diện cách ly
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết đến 15h ngày 23/2, Hà Nội chưa ghi nhận trường họp nào dương tính với virus corona. Thành phố vẫn còn 384 người đang được theo dõi sức khỏe tại cộng đồng, 64 trường hợp cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an thành phố.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, tình hình dịch bệnh có xu hướng lan rộng và bùng phát ở một số quốc gia ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây là thách thức trong việc kiểm soát dịch bệnh đối với các nước khác trong khu vực.
Cho biết hiện có khoảng 26.000 công dân Việt Nam sinh sống tại 2 tỉnh bùng phát dịch tại Hàn Quốc (Deagu và Bắc Gyeongsang), ông Hạnh đề nghị Ban chỉ đạo nghiên cứu, tìm phương án bố trí bệnh viện, cơ sở để chuẩn bị cách ly nếu số công dân này về nước.
Đặc biệt, Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị thành phố có chỉ đạo đối với toàn bộ du khách Hàn Quốc đến Hà Nội từ 2 vùng có dịch thì cách ly tại nơi cư trú 14 ngày. Sở Ngoại vụ phối hợp, đưa ra ý kiến vì có yếu tố người nước ngoài. Người Việt Nam đi từ vùng có dịch về Hà Nội thì cách ly tập trung trong 14 ngày.
Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị Bộ Tư lệnh thủ đô, quân đội đóng trên địa bàn, tạo điều kiện, bố trí tổ chức cách ly số người Việt này. Ngành Y tế thành phố sẽ phối hợp trong vấn đề giám sát sức khỏe. Thành phố quán triệt, chỉ đạo các quận huyện, xã, phường, công an khu vực điều tra, xác định người từ vùng có dịch về.
Toàn cảnh cuộc họp khẩn chiều 23/2 của Hà Nội |
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho hay các chuyên gia y tế nhận định khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới sẽ rất khó khăn trong thời gian tới, đặc biệt là ở các quốc gia để dịch bùng phát mạnh. Ông cũng đề nghị thành phố đưa các du khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore vào diện cách ly thêm bên cạnh Trung Quốc.
Đối với người Việt Nam đi nước ngoài, cơ quan chức năng phải chủ động nắm bắt, tìm hiểu lịch trình của họ. Sở Du lịch cần giám sát các khu du lịch, vui chơi, đặc biệt là các nơi tập trung đông người nước ngoài như trung tâm thương mại, sân golf.
Về việc chuẩn bị cho học sinh đi học, ông Hiền đề nghị các quận tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch thành phố, chủ động nắm bắt sức khỏe của giáo viên, học sinh, có vấn đề cần xử lý ngay.
Truyền thông cần nâng mức cảnh báo vì Hà Nội rất đáng lo lắng
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện tình hình dịch đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo ông Chung, tại Hàn Quốc hiện đã nâng lên mức cảnh báo mức độ cao nhất, riêng với các địa phương có dịch là Daegu và Gyeongsang đã gần như tiến hành các biện pháp cách ly, cấm người dân ra đường.
"Tại Hàn Quốc thấy diễn biến dịch tiến triển rất nhanh. Chỉ cách đây 3 tiếng là 556 nhưng đến giờ này là 602 trường hợp nhiễm Covid-19 và còn gần 7.000 người chờ kết quả. Số người chết tại nước này là 5. Còn tại Iran là một nước nóng, mới 28 người nhiễm bệnh đã có 8 người chết và có thể nói diễn biến rất phức tạp", ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng nêu lại bài học của tàu Diamond Princess, từ khi chính quyền Hồng Kông thông báo 1 trường hợp nhiễm Covid-19 đến khi cập cảng có 72 tiếng đồng hồ không có phản ứng gì liên quan đến cách ly, thông báo. Trong 72 tiếng đó, các du khách trên tàu vẫn đi quán bar, nhà hàng, ăn buffet chung nên đến lúc thông báo cách ly, ngay trên tàu đã không còn kiểm soát được.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh Hà Nội quyết liệt nhưng không hoang mang trước diễn biến nhanh của dịch |
Ông Chung nhắc lại trường hợp 1 nhà khoa học Hàn Quốc đến Singapore và về quê đã khiến 5 người nhà dương tính với Covid-19 nhưng không hề có triệu chứng, biểu hiện gì.
"Có nghĩa toàn bộ quá trình ủ bệnh, lây nhiễm không có biểu hiện gì liên quan. Việc này cho thấy, vấn đề lây nhiễm chéo chưa xác định được rõ và vô cùng nguy hiểm", ông Chung nói thêm.
Theo người đứng đầu UBND thành phố, địa bàn thành phố được đánh giá có nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19 bởi đông dân cư, nguồn đi lại từ các vùng dịch. Điều khiến Hà Nội lo lắng là hiện chưa có bất cứ biện pháp phòng dịch nào được áp dụng với công dân của những nước có dịch, trừ Trung Quốc.
“Đề nghị truyền thông nâng mức cảnh báo vì Hà Nội rất đáng lo lắng. Không loại trừ ngày mai Chính phủ nâng mức cảnh báo, nên giao Công an thành phố chủ trì tổ chức rà soát, nắm tình hình tất cả khu vực có người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc, với phương châm “đến từng nhà, rà từng hộ”; các khách sạn phải ghi lại lịch trình đi lại của công dân các nước này” - ông Chung yêu cầu.
Cũng theo Chủ tịch Chung, không kể khách du lịch, Hà Nội thường xuyên có khoảng 20.000 - 25.000 người Hàn Quốc cư trú. Ông đề nghị các quận, huyện phải tiếp tục tuyên truyền bằng cả tiếng Anh, tiếng Hàn để người nước ngoài ở Việt Nam đồng thuận với các biện pháp phòng dịch, có trách nhiệm với cộng đồng, tránh trường hợp bị phản ứng về mặt ngoại giao.
Kể từ giờ phút này, theo ông Chung, với các công dân Việt Nam đi từ các vùng dịch về từ ngày 18/2 trở lại đây, phải rà soát, tuyên truyền để họ tự giác thông tin đến cơ quan y tế giám sát về quá trình đi lại, dấu hiệu bệnh.
Ông yêu cầu các quận, huyện giao cho lực lượng công an, văn hóa, chính quyền các phường cần cảnh báo các quán bar, karaoke, các quán bar trá hình phải hạn chế tụ tập chứ không cẩn thận thành ổ dịch. Bắt buộc tất cả các tòa nhà cao tầng, chung cư phải có xà phòng, nước khử khuẩn để người ra, vào sử dụng.
Ông Chung nhấn mạnh đến việc quyết liệt, nghiêm túc, không được chủ quan nhưng không hoang mang, không dao động, luôn luôn chủ động ứng phó với mọi tình hình dịch bệnh.
Đối với việc chuẩn bị các điều kiện cho các học sinh đi học, ông Chung cho hay, trong 2 ngày cuối tuần, các quận, huyện đã phun khử khuẩn lần thứ 4 ở các trường học, nhưng đề nghị tiếp tục trong tuần tới chuẩn bị kỹ lưỡng và bắt buộc phải thực hiện 6 điểm:
Tất cả các lớp bắt buộc phải có nhiệt kế điện tử, đo cho học sinh trước khi vào lớp và về; bắt buộc có xà phòng, nước rửa tay; tập huấn cho giáo viên xử lý thành thạo đối với học sinh xuất hiện các biểu hiện bệnh; bắt buộc có đủ điều kiện khử khuẩn vệ sinh lớp học, vệ sinh sau mỗi buổi; không chào cờ toàn trường mà chào cờ trong lớp; bố trí giờ nghỉ giải lao các lớp lệch giờ nhau và cố gắng các cháu không nên tập trung đông ngoài sân. Ngoài ra, tất cả các trường mầm non, các trường ăn bán trú bố trí để học sinh không ngồi quá đông hoặc cho ăn chênh giờ nhau.