Tăng cường cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng
Trong năm 2021 và 2022, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhất là đẩy mạnh công khai, minh bạch các chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, gắn với cải cách thủ tục hành chính...
Theo đó, UBND các cấp đã kiểm tra 1.280 cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch. Các đơn vị, địa phương ban hành mới 485 văn bản, tổ chức 453 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Riêng trong năm 2021, toàn thành phố đã tiết kiệm chi được hơn 1.040 tỷ đồng.
Theo Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành 15 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính và 35 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính. Qua rà soát, đánh giá có 87 thủ tục hành chính đã được đề xuất đơn giản hóa; 177 thủ tục hành chính của 6 đơn vị đã được phê duyệt phương án đơn giản hóa.
Đi liền với cải cách hành chính, Hà Nội cũng siết chặt kỷ cương, kỷ luật, thực hiện 1.495 cuộc kiểm tra công vụ; kỷ luật 53 cán bộ, công chức với các mức có tính răn đe mạnh như xử lý theo quy định pháp luật hay buộc thôi việc, hạ bậc lương...
Tháng 5/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2835-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hà Nội cũng là thành phố đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư tại Hội nghị lần thứ 5 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh (gọi tắt Ban chỉ đạo).
Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Việc thành lập Ban chỉ đạo góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhờ những biện pháp mạnh, các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn TP. Hà Nội đã cải thiện được chất lượng phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, phòng ngừa những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong toàn đơn vị.
Huy động sức mạnh tổng hợp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm
Để đạt được mục tiêu đề ra về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chương trình số 10-CTr/TU xác định tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; tăng cường công tác kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí...
Hà Nội huy động sức mạnh tổng hợp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm |
Cùng với đó, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, rà soát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng, sử dụng tài sản công....; xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức...
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2022, Thành ủy Hà Nội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhằm cải thiện các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền. Theo đó, thành phố quyết tâm đạt Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng Tốp 10 cả nước, Chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công (SIPAS) đạt tối thiểu 86% và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tăng 5 bậc so với năm 2021./.
Đối với các quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy; các ban, sở, ngành thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án số 56 về “Đẩy mạnh công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhằm ngăn chặn, đẩy lùi “tham nhũng vặt”.
Ông Lê Hồng Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội cho biết: “UBND thành phố đã ban hành kế hoạch về việc rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ của các cơ quan hành chính thuộc thành phố; yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải xác định cụ thể nhiệm vụ, nội dung công việc, thời gian thực hiện và trách nhiệm của từng công chức”.
Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ đó bịt kín những “khoảng trống, kẽ hở” để không muốn, không thể, không dám và không cần tham nhũng.
Có thể thấy, việc công khai, minh bạch và cải cách hành chính đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mang lại những hiệu quả tích cực. Đây cũng là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp để ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh quyết liệt trong giai đoạn hiện nay.