Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội vừa phối hợp cùng đơn vị tư vấn tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển 4 huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là những huyện cuối cùng của Thủ đô được tổ chức lấy ý kiến về phương án phát triển nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Định hướng mô hình “TP phía Tây”
Trình bày phương án phát triển của 4 huyện tại Hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, đây là các huyện ngoại thành phía Tây trung tâm Thủ đô Hà Nội với đặc điểm tự nhiên là vùng bán sơn địa, núi đá vôi xen lẫn đồng bằng. Địa hình đa dạng đã tạo ra nhiều vùng cảnh quan hấp dẫn để phát triển dân cư gắn với du lịch sinh thái, đặc biệt là hành lang cảnh quan sông Đáy, sông Tích...
Đây cũng là vùng đất đa dạng văn hóa làng nghề, có Đại lộ Thăng Long và các Quốc lộ 21, 32, 6; đường Vành đai 3,5, Vành đai 4..., tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với vùng kinh tế Tây Bắc, hành lang phát triển đường Hồ Chí Minh và cả nước. Cũng theo đại diện đơn vị tư vấn, 4 huyện còn tập trung những khu chức năng, dự án mang cấp quốc gia như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia.
Tuy nhiên, “điểm nghẽn” hiện nay ở 4 huyện là cơ sở hạ tầng chậm và không có nhiều phát triển so với quy hoạch, làm cho các kết nối kém; các trục giao thông như Quốc lộ 6, Quốc lộ 21 bị quá tải, ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế. Hệ thống giao thông đường bộ của 4 huyện cũng đã cũ, không đáp ứng tốt cho nhu cầu. Tốc độ triển khai quy hoạch chung rất chậm (khoảng 10%) ảnh hưởng đến việc thực hiện đầu tư xây dựng tại khu vực các xã. Nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, chính sách phát triển chưa có đột phá...
Từ thực tế trên, phương án phát triển được đơn vị tư vấn đưa ra với định hướng chủ đạo là mô hình “TP phía Tây” phù hợp với mục tiêu quốc gia; xem xét lại mô hình phát triển và giai đoạn đầu tư đối với các đô thị vệ tinh; phát triển các thị trấn sinh thái với trục không gian bám theo Quốc lộ 6 và Đại lộ Thăng Long, cùng với hệ thống đường sắt tạo thành hành lang đô thị dọc tuyến.
Đơn vị tư vấn đưa ra một số đề xuất đột phá để phát triển 4 huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, trong đó có huy động nguồn lực quốc gia để hình thành và phát triển TP phía Tây thành trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu, với các chức năng chính là khoa học - công nghệ, nghiên cứu và phát triển, giáo dục; kinh tế dịch vụ, làng nghề, đô thị sinh thái... Tập trung chủ yếu phát triển Hòa Lạc là hạt nhân chính để phát triển TP phía Tây bằng các cơ chế riêng, hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh...
Thể hiện tầm nhìn, chiến lược mới
Tại Hội thảo, trao đổi về các nội dung định hướng được đơn vị tư vấn đề xuất, lãnh đạo các sở, ngành, chuyên gia và 4 huyện cho rằng, nội dung đề xuất tích hợp, cơ bản đã có đánh giá hiện trạng đất đai, hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Tuy nhiên, trong phương án quy hoạch lần này, các đề xuất còn mờ nhạt, chưa cụ thể những nét mới, những đột phá, đặc thù liên quan đến văn hoá, con người, đến nông thôn hiện đại, nông dân văn minh...
Do đó, đơn vị tư vấn cập nhật cần số liệu mới; khảo sát kỹ hiện trạng, nghiên cứu, đánh giá, bổ sung những nét đặc thù, thế mạnh, lợi thế phát triển của từng địa phương nhằm hoàn thiện phương án phát triển để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô. Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực đề nghị đơn vị tư vấn cần rà soát lại một số chức năng “TP phía Tây” dựa trên thực tế nhu cầu các địa phương như y tế, giáo dục, thương mại để xác định rõ nét hơn khu vực này. Đồng thời, làm rõ hơn những tiêu chí của mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; quy mô phát triển đô thị với quy mô dân số được xác định đến năm 2050...
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến đã nêu để đưa vào báo cáo giai đoạn 2 của quá trình lập Quy hoạch Thủ đô. Các huyện tiếp tục làm rõ, đề xuất các danh mục, chương trình, dự án phát triển đột phá với các đơn vị tư vấn, thể hiện rõ khát vọng phát triển. Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn sẽ giúp thể hiện qua phương pháp nghiên cứu khoa học, bằng luận chứng báo cáo đưa vào Quy hoạch Thủ đô với khát vọng, tầm nhìn, chiến lược mới, đột phá và đặc sắc.