Chung một số phận
Bên đường tàu đối diện Bệnh viện Nông nghiệp (Thanh Trì, Hà Nội) có khu nhà trọ mà người ta vẫn gọi là “xóm chạy thận” đã tồn tại được gần 20 năm. Người dân xung quanh gọi đây là xóm chạy thận bởi nơi này có hàng chục bệnh nhân từ khắp nơi về chữa bệnh. Con đường dẫn vào xóm nhỏ hẹp, quanh co, rêu xanh bám đầy khiến vài bước cảm giác như sắp ngã.
Những bệnh nhân chạy thận đã gắn bó lặng lẽ với Hà Nội gần 20 năm |
Gần 10 gian phòng lụp xụp, lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng là nơi ăn ở của gần 30 bệnh nhân chạy thận của Bệnh viện Nông nghiệp. Một người vừa chạy thận về, mệt mỏi dựa vào bức tường đen loang lổ, tróc vẩy như bồ hóng. Chị Thúy đang tất bật chuẩn bị đồ về quê, thấy tôi chị hồ hởi khoe sắp được về thăm cháu.
Ở tuổi 39 song trông chị Thúy (Văn Giang, Hưng Yên) trông gầy gò, xanh xao quá tuổi. Dù vậy, ở chị vẫn có nét xinh xắn, nhưng ánh mắt luôn buồn xa xăm giữa khuôn mặt xám đen, khô khốc vì chạy thận. Chồng mất, chị một mình nuôi con, bươn chải kiếm sống, chị không còn nhớ bao lâu rồi mình không có chồng và con ở bên.
Năm 24 tuổi, chị nhận tin dữ, bác sĩ chẩn đoán chị bị suy thận cấp độ hai, chỉ sau 7 tháng bệnh chuyển sang cấp độ ba. Căn bệnh quái ác cướp đi sức khỏe, chị lọ mọ lên Hà Nội, bắt đầu hành trình “chạy thận” của mình. Chị Thúy trở thành một trong những người đầu tiên ở xóm chạy thận cùng chú Hải và một số người khác. Tuần 3 lần đều đặn, chị cùng những bệnh nhân ở đây qua đường tàu sang bệnh viện chạy thận. Thế mà, cũng ngót gần 20 năm.
“Ở đây nhớ con, nhớ cháu, nhưng lắm lúc tủi thân không dám về. Bệnh tật ốm đau thế về cũng ngại, chạy thận cứ phải chạy đều không bỏ được”, chị kể khi hai đôi mắt đã rơm rớm nước. Tiếng sụt sùi của chị làm căn phòng chật chội thêm nặng trịch, nhưng đó chính là cái không khí mà chị đã ở suốt gần 20 năm nới Hà Thành.
Ở xóm chạy thận có chú Hồng là vui tính, hóm hỉnh nhất. Người đàn ông có đôi mắt cười tiếp tôi bằng ấm chè đặc. Chờ khá lâu chú đi câu cá thư giãn mới gặp được, cũng được coi chân chạy của xóm. Việc to, việc nhỏ chú Hồng và chú Hải là người lo liệu. Cũng tuần 3 lần chạy thận, sức khỏe yếu, chán cảnh phòng trọ chật chội nên chú Hồng hay đi câu cá.
Dù chạy thận được hơn 10 năm, cánh tay sưng phồng những nốt truyền dịch nhưng ở chú vẫn giữ một tinh thần lạc quan. Có lẽ, ở lâu trong cái bệnh người ta đã quen bệnh rồi. Nhớ nhà nhưng không thể về, có đôi khi nhìn vợ con qua màn hình điện thoại, những lúc nỗi nhớ như nhân lên. Chú lấy tấm ảnh hai đứa bé kháu khỉnh, kể tôi nghe những câu chuyện ở nhà. Thế mà, chú nhớ như in từng giờ tàu qua cửa xóm. Cái tiếng của phố thị huyên náo cùng tiếng cười của chú có lẽ là âm thanh vui tươi nhất nơi đây.
Xóm trọ được gần 20 năm, mỗi căn phòng chỉ chừng 4,5 mét vuông. Mùa nóng thì như đổ lửa, nhưng vì gần viện, lại phải chạy thận tốn kém nên ai nấy đều gắng gượng. Họ là người từ khắp tỉnh thành về đây, gắn bó với xóm trọ này như quê hương thứ hai.
Đời người chạy thận như những cây tầm gửi, sống bám vào thuốc men, khi phát bệnh là lúc tử thần chực chờ. Đối với họ, Hà Nội như mảnh đất lạc, cứu rỗi họ, ôm ấp họ và họ đã nghĩ nơi cuối cùng mình sẽ đi là ở đây. Giữa huyên náo, ồn ã của mảnh đất “chật người”, những bệnh nhân chạy thận như cô Thúy, chú Quang vẫn lặng lẽ sống, góp nhặt cho nơi đây những “nốt trầm” buồn. “Số phận thế rồi, biết sao cho được”.
“Lão Hạc” của phố
Khắp con phố Hà Nội, ai cũng biết ông Hiển (Long Biên, Hà Nội), ông là tay lái ba gác “cừ nhất nhì” ở đây. Gặp ông với vẻ phong trần, bụi bặm, tưởng chừng khó gần nhưng lại vô cùng hồ hởi, như lạ mà quen.
Mọi người hay gọi vui ông Hiển là lão Hạc của phố |
Ông Hiển là người lái xe ba gác, công việc của ông như bao người là những chuyến hàng chở thuê. Ở tuổi 72, tưởng chừng như được an hưởng tuổi già nhưng ông lại tất bật chạy xe từ sáng đến tối. Công việc bắt đầu từ 5h sáng cho đến 11h khuya, có khi là không về nhà. Sinh ra ở Hà Nội, với ông, mảnh đất ông ở đã thân thuộc từng con phố. Và đâu đó thấp thoáng trên những cung đường thủ đô, chúng ta bắt gặp hình ảnh ông Hiển với người “cộng sự đặc biệt”, đó là “cậu vàng”.
“Cậu vàng” là cái tên thân mật ông đặt cho chú chó gắn đó với mình suốt quãng thời gian làm nghề chạy xe đến bây giờ. Ông thân tình gọi nó là “con”, xưng là bố. Ông kể cậu rất quấn người, vào mỗi buổi sáng nó thường đánh thức ông dậy, xin đi chạy xe cùng. Thế là những hôm vắng khách, ông lại rong ruổi cùng cậu khắp những con phố Hà Nội. Ông kể với giọng hóm hỉnh, dù có quát mắng ai chứ ông không bao giờ quát “cậu” vì nó bản tính hiền, nghe buồn và nằm im một chỗ. Nhìn người đàn ông xù xì, gai góc nhưng lại nâng niu một chú chó đến lạ.
Ông kể về cái nghề chạy xe vất vả của mình như một câu chuyện trà đá vỉa hè. Vì gắn bó với nghề hơn 10 năm, ông quen với những lần căng như đàn sau tay lái. Chuyến đi xa nhất là Lạng Sơn, Hải Phòng, có khi lên tận Tam Đảo chở thuê. Dù bất cứ đâu, ông cũng luôn đem theo “cậu vàng” đặc biệt như một người bạn đồng hành.
Chúng tôi ngồi kể về Hà Nội, ông trầm ngâm nhìn ra phía đường Thanh Niên rợp bóng cây. Ông cũng thở dài như bao người khác khi chứng kiến sự đổi thay chóng mặt của một đô thị. Hà Nội trong ký ức, vẫn là nơi vắng bóng người, xe cộ chưa nhiều, chưa có những ngày tắc đường, chưa có nhiều tòa nhà cao tầng.
Ông là người gốc Yên Phụ, hồi đó chạy xe xích lô. Mỗi dịp tết như trung thu, rằm, tết, quốc khánh… dân làm ăn đổ về tấp nập. Ông chạy xe cả ngày chở đồ cũng được vài trăm. Dần người Hà Nội đi đâu hết, ông cũng bỏ nghề. Ông kể thời đó, không chật chội bon chen như bây giờ, phố phường yên bình, cây cối tỏa bóng, Hà Nội với ông đẹp như bức tranh. “Bây giờ, thay đổi nhanh quá!”.
Từ hồi đô thị hóa, ông chẳng may dính vào cờ bạc, cả cơ ngơi mất sạch chỉ vì một phút bốc đồng. Ông chân tình kể lại, có vẻ ông vẫn đau đáu trong lòng cái chuyện hồi ấy. Ông bảo vì ông mà căn nhà cũng không còn, giờ phải đi thuê trọ. Dẫu vậy, sau vài năm làm lại, tích cóp dần nay cuộc sống ổn dần với hai vợ chồng dù đã ngoài 70.
Ông nói với tôi ông sòng phẳng với quá khứ, vì một lần vấp ngã là lần để học và làm người. Dù tuổi cao nhưng ông Hiển miệt mài chạy xe, làm việc thuê để lo cho cuộc sống gia đình. Đặc biệt, đồng hành trên hành trình của ông lão 70 luôn là “cậu vàng” ông quý như đứa con lúc tuổi già.
10h tối, dưới ánh đèn đường vàng vọt, ông Hiển đỗ lại góc đường nghỉ ngơi sau một ngày dài. Trong ánh mắt ông là những con phố Hà Nội, là căn nhà cũ, là cả “cậu vàng” cùng ông rong ruổi khắp nơi. Dù vậy, vẫn còn đâu đó những day dứt, khắc khoải trong lòng người đàn ông với vẻ phong trần và lạnh lùng ấy.
Trong từng câu chuyện nơi phố thị nhộp nhịp ấy, tôi đã ghi nhận nhiều trăn trở, nỗi niềm và những đắng cay của người trong cuộc. Có thể ngày mai ông Hiển sẽ nghỉ chạy, ông Quang sẽ trở về, những tòa nhà vẫn san sát nhau… rất nhiều con người lặng lẽ nơi phồn hoa. Nhưng họ đã góp nhặt cho Hà Nội, những mảnh ghép cuộc đời giàu tình, giàu nghĩa, những nốt “lặng im” giữa huyên náo, xô bồ.