Nguy cơ mất an toàn giao thông
Cách đây hơn một tháng, ngày 20/4 trên địa bàn Hà Nội bất ngờ xuất hiện trận mưa lớn, có nơi mưa đá kèm theo lốc, sấm chớp mạnh khiến nhiều cây xanh, xe cộ bị đổ và hư hỏng. Theo thống kê, có khoảng 415 cây xanh trên địa bàn thành phố bị gãy đổ, nghiêng, gây ảnh hưởng giao thông nghiêm trọng. Tiếp đến cơn mưa lớn ngày 12/5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát đi cảnh báo ngập lụt tại khu vực nội thành Hà Nội. Cơn mưa kéo dài khiến nhiều tuyến phố rơi vào cảnh ngập nặng, có chỗ ngập sâu gần nửa mét, khiến người điều khiển và phương tiện di chuyển khó khăn.
May mắn trong hai vụ mưa lớn nói trên, toàn thành phố không xảy ra thiệt hại về người. Tuy nhiên, tình hình thời tiết được dự báo diễn biến bất thường, phức tạp, cùng với việc Hà Nội bắt đầu bước vào mùa mưa kèm theo nguy cơ xảy ra những trận mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn, không theo quy luật đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố an toàn giao thông của người dân.
Các chuyên gia cho biết trong điều kiện thời tiết cực đoan, nguy cơ mất an toàn giao thông tăng cao bởi các sự cố bất ngờ. Theo ghi nhận của phóng viên, cùng với tình trạng đổ cây, ngập úng trong những ngày mưa bão, trên nhiều tuyến đường xảy ra các vụ tai nạn, va chạm giao thông, nhất là vào giờ tan tầm. Nguyên nhân chủ yếu do vào mùa mưa, mặt đường trơn trượt, hư hỏng, dẫn đến va chạm giao thông, thậm chí tự té ngã gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, khi trời mưa thường xuất hiện nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có ý thức kém với các hành vi như phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, dừng xe đột ngột giữa đường để mặc áo mưa hay sẵn sàng chạy lên lề đường, chạy ngược chiều, chạy lấn vào làn của ô tô, miễn là để tránh được vùng nước ngập... Tham gia giao thông trong mưa bão đã vất vả nhưng ý thức chưa tốt của nhiều người càng khiến việc lưu thông gặp cản trở và nguy hiểm hơn.
Lập phương án ứng phó với thời tiết cực đoan
Sự xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan, lốc xoáy, mưa dông, gió giật mạnh và mưa đá xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội vài năm gần đây cho thấy nguy cơ gây ra thiệt hại, nguy hiểm cho người, tài sản cũng như đời sống, sản xuất của Nhân dân. Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội đã có khuyến cáo người dân lưu ý những công trình giao thông có sử dụng hàng rào tôn quây chắn trên đường phố cần tiến hành rà soát, gia cố bảo đảm an toàn; Khuyến cáo người dân không trú mưa dưới gốc cây to, dưới khu vực có điện như gần cột đèn, cột điện, trụ điện; Hạn chế lưu thông trên đường trong điều kiện mưa lớn che khuất tầm nhìn, gây úng ngập…
Trước hiện tượng thiên nhiên khó lường, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết cần hết sức tập trung trong công tác chỉ đạo, phòng chống, khắc phục hậu quả. Đặc biệt, chú trọng đề phòng lốc xoáy, gió giật xảy ra tại luồng, khe các tòa nhà cao tầng khi có mưa dông hoặc thời tiết cực đoan xảy ra. Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Dự báo năm nay trên địa bàn thành phố dự kiến xuất hiện 30 điểm úng ngập, Sở Giao thông vận tải Hà Nội căn cứ theo từng vị trí để tổ chức giao thông bảo đảm linh hoạt, phù hợp thực tế, đặc biệt tại những vị trí ngập sâu. Tổ chức lập chốt trực gác barie, thiết lập các biển báo báo hiệu vị trí và độ sâu mực nước, biển báo hướng dẫn giao thông, để cảnh báo cho các phương tiện qua lại; phân luồng, tổ chức giao thông để bảo đảm an toàn cho các phương tiện và tài sản của người dân.
Đồng thời lên phương án ứng phó với những trận mưa có lượng mưa từ 50mm/h đến 70mm/h và những trận mưa trên 100mm/h, các tình huống xảy ra ngập lụt, vỡ đê, vỡ đập, lũ rừng, bão mạnh, siêu bão và 5 tình huống giả định tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ. Tại mỗi tình huống, Hà Nội đưa ra kế hoạch ứng phó cụ thể, phương án xử lý, cách thức phối hợp, tập trung vào bảo đảm an ninh, an toàn, giao thông thông suốt, hạn chế tối đa thiệt hại cũng như giảm bớt ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Để bảo đảm an toàn giao thông trong điều kiện thời tiết xấu, mưa to cũng như bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng, người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành luật để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra. Chú ý cần quan sát kỹ, lái xe cẩn thận và giảm tốc độ hơn so với bình thường, duy trì khoảng cách an toàn đối với xe phía trước, để chủ động phán đoán, kịp thời xử lý các sự cố bất ngờ.