Sở GTVT Hà Nội đưa ra định hướng, với những DN, đơn vị vận tải cam kết duy trì hoạt động trong khung giờ đã đăng ký sẽ không được đổi thời điểm xuất bến từ “thấp điểm” sang khung giờ “cao điểm” (từ ban đêm sang ban ngày).
Theo thống kê của Sở GTVT, toàn TP hiện có 980 chuyến xe xuất bến trong khoảng thời gian từ 19h-6h. Cụ thể, Bến xe Nước Ngầm phục vụ các nhà xe từ 5h đến 24h, Bến xe Giáp Bát từ 5h đến 20h, Bến Mỹ Đình từ 5h đến gần 24h… Ngoài khung giờ này, nếu có xe đến, các bến xe vẫn tiếp nhận (kể cả khi đã đóng cửa).
Trong quá trình nghiên cứu phương án trên, Sở GTVT Hà Nội nhận được nhiều ý kiến phản biện khác nhau. Cụ thể, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội đưa ra đánh giá, tại các bến xe, lượng khách tuyến ngắn thường tập trung vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, gọi là “giờ vàng”.
Theo Hiệp hội Vận tải TP, trước đây, vào khung “giờ vàng”, mật độ xe khách ra vào các bến dày đặc, dẫn đến ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, lượng khách tại các bến giảm hẳn, kể cả những ngày lễ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bến xe chỉ đạt khoảng 60% công suất.
“Thời điểm này, nếu tăng thêm giờ hoạt động tại các bến, trong khi lượng khách giảm, sẽ làm chi phí hành chính của các bến xe tăng lên. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian hoạt động của bến xe sẽ làm đảo lộn quy hoạch luồng tuyến, các xe trên tuyến sẽ tranh giành khách, gây mất trật tự an toàn giao thông”, Hiệp hội Vận tải Hà Nội lưu ý.
Theo Hiệp hội Vận tải TP, trong trường hợp các TP kéo dài thời gian phục vụ bến xe về đêm, cần cho xe buýt chạy 24h/ngày để phục vụ người dân đi lại thuận lợi. Ngoài ra, việc mở bến xe sau 0h cũng đồng nghĩa với việc hệ thống dịch vụ, đặc biệt là khối công ích cần phải tăng cường để đảm bảo an toàn cho người dân.
Trước những băn khoăn trên, Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc đăng ký hoạt động của tuyến xe mới không làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh nhà xe hiện nay. Cụ thể, các tuyến mới hoạt động ban đêm không thu hút lượng khách hiện có của các doanh nghiệp. Sở GTVT sẽ tổ chức xin ý kiến đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo.