Người dân chịu khổ vì tốc độ di dời chậm
Cty Dệt kim Đông Xuân là một trong 113 cơ sở phải di dời theo đề xuất của Ban Chỉ đạo Công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, do tốc độ di dời cơ sở này còn chậm, cũng như cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động, sản xuất xả thải khiến người dân xung quanh khu vực nhà máy vẫn phải sống chung với ô nhiễm.
Theo thông tin người dân tại phường Vĩnh Tuy phản ánh, thời gian qua, Cty Dệt kim Đông Xuân thường xuyên xả những cột khói trắng, khói đen và màu vàng đục. Khi những cột khói này bốc lên, các hộ dân xung quanh đều ngửi thấy mùi khét và hắc, thậm chí có lúc cảm thấy khó thở. Gần đây, một số người dân xung quanh nhà máy có dấu hiệu mắc bệnh về xoang, ung thư, mà có thể nguyên nhân là do bụi bồ hóng, sợi vải, bụi lông và khói từ hoạt động sản xuất của nhà máy.
Trước tình trạng trên, đại diện các tổ dân phố xung quanh nhà máy đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương. Tại nhiều lần họp tiếp xúc cử tri của UBND phường Vĩnh Tuy, người dân đều phản ánh tới chính quyền sở tại, cơ quan chức năng nhưng hoạt động sản xuất của Cty Dệt kim Đông Xuân vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn mở rộng quy mô. Trước kia nhà máy có 3 ống khói thì nay đã thành 5. Dù nhà máy cam kết sẽ sử dụng công nghệ đốt lò hiện đại của Nhật để giảm ô nhiễm. Và cứ thế, cư dân vùng lân cận tiếp tục phải sống chung với ô nhiễm trầm trọng, mòn mỏi chờ đợi Cty này di dời hết năm này qua năm khác…
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2011 Cty Dệt kim Đông Xuân đã tiến hành xây dựng nhà máy mới ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) và đã đi vào hoạt động ổn định. Điều khiến dư luận bức xúc, thắc mắc là vì sao một doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã được bố trí quỹ đất và hỗ trợ di dời, xây dựng nhà máy mới, nhưng nhà máy cũ vẫn duy trì hoạt động, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường?
Cần kiên quyết di dời các cơ sở gây ô nhiễm
PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi trao đổi với UBND phường Vĩnh Tuy về thực trạng mà người dân phản ánh. Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân – cán bộ phụ trách môi trường (UBND phường Vĩnh Tuy) cho biết: “Trước kiến nghị của người dân, UBND phường đã có nhiều buổi làm việc với đơn vị này. Gần đây nhất, UBND phường đã cùng UBND quận Hai Bà Trưng tiến hành kiểm tra đột xuất với đơn vị này vào tháng 3 và tháng 6 năm 2017. Qua các kết quả phân tích các mẫu thử nghiệm thì cơ sở này đều đạt các quy chuẩn về chất lượng không khí và tiếng ồn”.
Cũng theo đại diện của UBND phường, cơ sở này đã hoạt động sản xuất từ rất lâu, đơn vị này cũng có đầy đủ các cơ sở pháp lý từ giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, giấy phép xả thải vào nguồn nước, đánh giá tác động môi trường hàng quý, hàng năm… Do vậy, việc giải quyết dứt điểm tình trạng người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng do hoạt động của Cty Dệt kim Đông Xuân về phía phường đã làm báo cáo, đề xuất di dời gửi cấp trên có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, việc di dời hiện nay rất khó và do các cấp trên giải quyết, xử lý.
Gần đây nhất, ngày 18/1/2018 Sở TNMT TP Hà Nội đã có Văn bản số 479/STNMT-CCQLĐĐ về việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch ra khỏi các quận nội thành gửi Ban Chỉ đạo công tác di dời theo Quyết định số 6489/QĐ – UBND ngày 18/9/2017 của UBND TP Hà Nội và UBND các quận nội đô để lấy ý kiến về nội dung quy chế và danh mục các cơ sở đề xuất di dời và báo cáo UBND TP Hà Nội. Trong khi TP Hà Nội chưa xây dựng được chế tài di dời các cơ sở giống như Cty Dệt kim Đông Xuân, nên hàng ngày người dân sống xung quanh các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vẫn phải học cách “sống chung” với ô nhiễm.
Đề nghị các cơ quan chức năng TP Hà Nội có biện pháp kiên quyết đối với những cơ sở chây ì, kéo dài thời gian di dời, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ra.