Theo số liệu từ Sở Y tế Hà Nội, hiện thành phố đang điều trị cho 50.946 bệnh nhân COVID-19, trong đó có đến 40.653 F0 được điều trị tại nhà.
Việc quản lý và chăm sóc cho các F0 điều trị tại nhà hiện do 4 lực lượng cùng tham gia bao gồm: trung tâm y tế, trạm y tế, trạm y tế lưu động; tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19; mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.
Tuy nhiên vì số bệnh nhân quá đông và đang tăng nhanh từng ngày, khiến không ít trường hợp lực lượng y tế chậm đáp ứng. Liên lạc lên số hotline của trạm y tế phường nhưng thường xuyên trong tình trạng bận; nhiều ngày sau khi đã báo cáo dương tính SARS-CoV-2 nhưng chưa được cấp thuốc dẫn đến cảnh phải "tự xoay xở" là câu chuyện chung của nhiều F0 khi chia sẻ với PV Dân trí.
Đáng chú ý, vài ngày trở lại đây, lợi dụng tâm lý hoang mang phải "vái tứ phương" của các gia đình có người mắc COVID-19, một số đối tượng đã giả danh bác sĩ, thậm chí là giám đốc bệnh viện để dụ dỗ chữa bệnh và bán thuốc cho F0 điều trị tại nhà.
Có người nhà là F0, anh M.L. (sinh sống tại Hà Nội) đăng bài trên nhóm Facebook "Nhóm Bác sĩ Quân Y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà" để xin được tư vấn.
Đoạn tin nhắn của đối tượng tự xưng là bác sĩ với anh L. (Ảnh chụp màn hình).
Đến 12h đêm cùng ngày, một tài khoản Facebook tên Thủy Tiên trả lời vào bài đăng của L. và tự xưng là bác sĩ của Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Người này cũng chủ động nhắn tin cho anh L. đề nghị được gọi điện tư vấn và hẹn sáng hôm sau sẽ đến xem bệnh cho người nhà anh L.
Theo nội dung tin nhắn, người này tự xưng là Thủy Tiên, Giám đốc chuyên môn của Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Người này cũng cho biết tình trạng của F0 phải điều trị lâu dài nhưng cũng khẳng định đã chữa khỏi cho rất nhiều trường hợp như vậy.
"Người này chèo kéo sẽ chữa lâu dài. Thấy tôi nghi ngờ phát hiện ra thì nay đã xóa bình luận trong bài đăng của tôi", anh L. chia sẻ.
Trao đổi với Dân trí, đại diện Bệnh viện Lão khoa Trung ương khẳng định đây là đối tượng mạo danh y, bác sĩ của bệnh viện.
Câu chuyện của anh L. chỉ là một trong nhiều trường hợp các đối tượng "lừa đảo" F0 chữa bệnh, mua thuốc, thực phẩm chức năng. Đặc điểm chung của các đối tượng này là "mạo danh" bác sĩ, thậm chí là lãnh đạo tại các bệnh viện lớn, để tăng sự uy tín.
Cảnh báo về tình trạng các đối tượng mạo danh bác sĩ để "lừa đảo" chữa bệnh cho F0, BS Lê Xuân Thắng, thành viên "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà", cho hay: "Khi mắc Covid-19, các bệnh nhân sẽ đều rất lo lắng. Họ sẽ còn lo lắng hơn nữa khi trong gia đình có trẻ em, người già, người có bệnh nền hay phụ nữ có thai bị lây nhiễm. Lợi dụng tâm lý hoang mang đó, sẽ có một nhóm các đối tượng chèo kéo, chào mời các gia đình có F0 mua thuốc, các sản phẩm điều trị".
BS Thắng nhấn mạnh các gia đình có F0 cần hết sức tỉnh táo các đối tượng chào mời mua hàng hay chuyển tiền qua điện thoại để tránh "tiền mất, tật mang".