Thưa ông, đội săn bắt chó thả rông ở TP HCM thành lập từ khi nào và dựa vào ý tưởng nào?
- Mô hình đội săn bắt chó ở TP HCM được thành lập và hoạt động từ sau năm 1975 trên tinh thần giải quyết công tác phòng chống bệnh dại. Chó thả rông ở đô thị có những tác hại như gây nguy hiểm cho cư dân khi bị cắn, dẫn đến nguy cơ lớn về bệnh dại. Thứ hai là gây ô nhiễm môi trường khi chó phóng uế bừa bãi và thứ ba là gây ra tai nạn giao thông.
Ông có thể nói rõ hơn về mô hình của đội săn bắt chó?
Đối với xe bắt chó phải có logo, trên xe ghi rõ các nội dung: Đơn vị nào tổ chức bắt chó, địa chỉ tập trung chó sau khi bắt về; mức xử phạt hành chính là bao nhiêu; thời gian giam giữ chó là bao lâu người ta phải đến nhận.
Về lực lượng, đội săn bắt chó thả rông ở TP HCM hiện nay có 3 người. Ba người này phải được phải tiêm ngừa bệnh dại, bảo vệ cho bản thân, được tập huấn kỹ năng, được trang bị bảo hệ và phối hợp với chính quyền địa phương để hỗ trợ. Trên xe có 3 người, 1 tài xế, 2 người đi bắt. Ngoài ra còn có một cán bộ công an hoặc dân phòng địa phương đi cùng.
Về kỹ năng, anh em trong đội phải được tập huấn kỹ năng bắt chó. Chủ yếu là anh em đi trước dạy lại anh em đi sau chứ không qua trường lớp. Anh em chỉ cần thực hiện vài ba tuần là quen. Thường đi bắt có 3 người, người chặn đầu, người chặn hậu, người bên hông và có thòng lọng nữa nên không khó. Quan trọng là việc tổ chức chứ không phải kỹ năng. Phải đảm bảo thù lao, chế độ chính sách để anh em gắn bó.
Sau khi chó bị bắt về sẽ được chăm sóc, lưu giữ và trả lại như thế nào, thưa ông?
Tất cả việc bắt chó đều có camera ghi lại. Đồng thời có sổ ghi chép lại địa điểm bắt, đặc tính con chó ra sao và nhập vào hệ thống dữ liệu để quản lý, không để xảy ra mất chó. Chó bắt về phải được nuôi dưỡng, chăm sóc. Nếu bắt chó về không có chỗ nhốt, đối xử hơi tàn tệ với chó là bị người dân phản ứng ngay.
Chó bắt về được nuôi tập trung tại cơ sở số 252 Lý Chính Thắng (quận 3) và giữ trong 48 tiếng đồng hồ. Chủ nhân các con chó mang hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận tiêm ngừa dại (nếu có) và phải mô tả được đặc điểm của chó khi tới nhận lại vật nuôi.
Ngoài ra còn phải xem qua camera đối chiếu trùng khớp ngày, địa điểm mới sẽ cho nhận lại chó. Sau đó, chủ nhà tiến hành nộp phạt. Đối với chó thả rông ra nơi công cộng bị phạt từ 600.000 – 800.000 đồng. Còn nếu không có chích ngừa thì phạt thêm 700.000 đồng.
Vậy trong quá trình thực hiện mô hình, đội săn bắt chó thả rông có gặp khó khăn gì không?
Thứ nhất, một số người dân chưa ý thức được nên còn chống đối. Vì thế khi đội lên kế hoạch bắt chó thì kết hợp với địa phương, có thể công an phường, công an khu vực đi chung.
Thứ hai, hiện nay trong khu vực đô thị lưu lượng xe đông cũng gây khó khăn cho anh em. Anh em thấy con chó nhưng khi tấp xe vào là gây cản trở người đi đường hoặc người đi đường quá đông khó mà bắt được chó.
Đội bắt chó thả rông tuần tra trên đường phố. |
Thứ ba, anh em phải làm lệch ca với giờ hành chính bởi buổi sáng, khoảng 5h, người dân thường thả chó ra ngoài phóng uế, đi vệ sinh. Khó khăn nữa là do mức lương và thu nhập của anh em quá thấp chỉ hơn 3 triệu/tháng. Vì thế, để tuyển dụng, đào tạo, duy trì lực lượng cũng là một vấn đề nan giải.
Thưa ông, đội tiến hành săn bắt dựa vào nguồn tin chó thả rông từ đâu?
- Có hai nguồn, chúng tôi chủ động liên hệ và các quận, huyện chủ động, không phải ngày nào cũng đi dạo, tìm chó bắt. Chúng tôi chú trọng tính hiệu quả.
Hiện nay, mỗi quý chúng tôi sẽ có công văn gửi UBND các quận, huyện để đề nghị các quận, huyện nắm tình hình khu vực nào có nhiều chó thả rông, người ta sẽ đăng ký lịch với mình và sẽ cử người phối hợp.
Một kênh tiếp nhận thông tin nữa là chúng tôi phối hợp với ngành Y tế. Mỗi tháng, bên trung tâm dự phòng y tế thành phố sẽ chuyển cho mình danh sách những người bị chó cắn phải tiêm phòng. Chúng tôi ghi lại địa điểm, khu vực nào có người bị chó cắn nhiều và chủ động đặt lịch với khu vực đó để bắt chó.
Sau 24 tiếng đồng hồ, chó không được chủ đến nhận lại sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?
- Khoảng 95% chó bắt về đều có chủ đến đóng phạt, nhận lại. Nếu sau 48 tiếng đồng hồ không có ai đến nhận, chúng tôi sẽ cung cấp chó cho Trường Đại học Nông Lâm để sinh viên nghiên cứu, thực tập hoặc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Chợ Rẫy để họ thực tập, thí nghiệm ghép mô, ghép gan.
Thưa ông, công tác tuyên truyền, vận động thế nào để người dân ý thức được hơn trong việc nuôi chó ở đô thị?
- Việc đi bắt chó thả rông, quan trọng nhất là vấn đề tuyên truyền để vận động người dân nuôi chó phải có ý thức, đảm bảo an toàn cho gia đình và người xung quanh, đảm bảo về vệ sinh môi trường. Khi dẫn chó ra công cộng phải có rọ mõm, phải có người dắt và không thả rông ra nơi công cộng.
Còn việc bắt chó thả rông là một bước tuyên truyền cứng rắn hơn nhằm chấn chỉnh chứ không phải chú trọng. Công tác tuyên truyền phải là đầu tiên, quan trọng. Những năm 80 – 90, mỗi năm chúng tôi bắt khoảng 2.000 con chó.
Hiện nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, mỗi năm chỉ khoảng hơn 100 con. Như quận 1 vừa qua, liên tục 2 tháng chỉ bắt được 37 con chó. Vậy nên mới thấy người dân đã ý thức hơn.
Công tác tuyên truyền và phối hợp với địa phương để tránh việc người dân chống đối. Tuyên truyền có nhiều hình thức, một là phát tờ rơi đến các cuộc họp tổ dân phố, đưa vào các chương trình phát thanh nông thôn hoặc tuyên truyền trên loa phát thanh của phường.
Kế hoạch sắp tới của Chi cục Chăn nuôi và Thú y và đội săn bắt chó làm sao để làm tốt công tác săn bắt chó thả rông?
Hiện nay, chúng tôi đang hướng đến việc tập huấn, chuyển giao lại cho các quận, huyện là chính. Đối với các địa phương mới xuất hiện mô hình này, tôi nghĩ cần phải chú trọng vào công tác tuyên truyền, không cứng nhắc việc săn bắt, xử phạt. Ý thức người dân càng cao thì càng ít chó thả rông.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!