Hà Nội hào hùng, thơ mộng trên từng nốt nhạc

Những thiếu nữ với tà áo dài truyền thống bên những gánh hàng hoa đặc trưng của mùa Thu Hà Nội. (Ảnh: Điện tử Chính phủ)
Những thiếu nữ với tà áo dài truyền thống bên những gánh hàng hoa đặc trưng của mùa Thu Hà Nội. (Ảnh: Điện tử Chính phủ)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, giai điệu của các tuyệt phẩm về Hà Nội lại vang lên như tỏ rõ khí chất hào hùng, anh dũng, quả cảm không kém phần thơ mộng của những con người Thủ đô. Mảnh đất ngàn năm văn hiến với nét đẹp bình dị và sức sống tiềm tàng đã làm xao xuyến bao tâm hồn nghệ sĩ, để tạo nên những nốt nhạc bất tử sống mãi cùng thời gian.

Cờ ngày nào tung bay trên phố

Ca khúc “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao được xem là ca khúc “kỳ lạ” nhất viết về ngày Giải phóng Thủ đô bởi nó được sáng tác vào năm 1949, thời điểm trước 5 năm Hà Nội hoàn toàn được giải phóng. Theo nhiều nhạc sĩ thì “Tiến về Hà Nội” được xem như một bài hát mang tính dự báo về ngày Giải phóng Thủ đô nhưng lại trùng khớp một cách kỳ lạ với những gì đã diễn ra sau đó.

Vào tháng 10/1954, Hà Nội đón những đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản và hình ảnh những đoàn quân “đi như sóng” tiến về Hà Nội đẹp không khác gì lời bài hát mà nhạc Văn Cao đã viết từ trước đó: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ “Tiến về Hà Nội” là lời reo vui của ngày chiến thắng. Bài hát được viết theo thể loại hành khúc, đem lại không khí sôi nổi đầy khí thế, nghe trong câu hát có nhịp chân hành quân gấp gáp đầy kiêu hãnh, xôn xao, hạnh phúc giữa cả rừng cờ hoa chào đón hân hoan.

Đặc biệt, những bức ảnh ghi lại thời khắc đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội và các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô đều đi từ 5 cửa ô tiến vào nội thành càng “đúng như in” với những gì vị nhạc sĩ tài ba đã hình dung.

Nhạc sĩ Huy Hoàng cho rằng: “Tiến về Hà Nội” là một lời tiên đoán lịch sử thật chính xác nhưng có lẽ có một điều quan trọng hơn: đây một tác phẩm âm nhạc xuất sắc. Một lời tiên đoán đúng đến mấy thì chỉ sau khi sự việc xảy ra nó mới được kiểm chứng, còn một tác phẩm âm nhạc thì được kiểm chứng từng giây, từng phút sau khi ra đời.

Đoàn quân tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. (Ảnh tư liệu)

Đoàn quân tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. (Ảnh tư liệu)

Xuất xứ của ca khúc này từ cuộc họp chi bộ ở Liên khu 3, nhạc sĩ Văn Cao đã hứa với đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo sẽ viết một ca khúc về Hà Nội. “Đêm hôm ấy tôi ra về, đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến về Hà Nội” đã đến với tôi “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về...”. Chỉ hai tuần lễ sau đó, tôi đã viết xong ca khúc “Tiến về Hà Nội”, khi ấy là mùa xuân 1949. Những dự cảm tuyệt vời của ông bắt nguồn từ tình yêu Hà Nội, nói lên khát vọng lớn nhất của người Hà Nội vào thời điểm ấy: Quét sạch quân thù, giải phóng Thủ đô.

Ca khúc “Tiến về Hà Nội” nhanh chóng trở thành ca khúc được yêu thích bậc nhất, gần như trở thành “Quốc ca” cho ngày trọng đại Ngày Giải phóng Thủ đô này. Bản hùng ca với những ca từ hào hùng, lạc quan, đem đến cho người nghe sự hy vọng lớn lao: “Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa/Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu/Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay/Những xuân đời mỉm cười vui hát lên/Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần/Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về/Hà Nội bừng tiến quân ca”.

Những hình ảnh như “Trùng trùng quân đi như sóng”, “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”, “Cờ ngày nào tung bay trên phố”... trở thành ước nguyện của nhiều người. Đến ngày giải phóng Thủ đô, ca khúc “Tiến về Hà Nội” bỗng vang lên khắp nơi, trở thành “bài ca khải hoàn” của người Hà Nội. Đây là một trong những ca khúc xuất sắc của kho tàng âm nhạc nước nhà.

Ôi Thủ đô xao xuyến trong trái tim tôi…

“Người Hà Nội” là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi vào năm 1947 - thời điểm “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời” khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu nổ ra. Được sáng tác trong cùng một thời kỳ nhưng nếu như “Hướng về Hà Nội” có giai điệu buồn da diết, “Người Hà Nội’ lại mang âm hưởng mạnh mẽ, nhắc nhớ những con người hào hoa, phong nhã luôn vùng lên đấu tranh để giữ hòa bình cho quê hương. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã tạo nên “Người Hà Nội” với tất cả tình cảm son sắt và sự phóng khoáng trong tâm hồn của một người Tràng An. “… Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/Đây Thăng Long, đây Đông Đô/Đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…”. Những địa danh nổi tiếng được đưa vào bài hát như Hồ Gươm, Hồ Tây, Ô Chợ Dừa, các khu phố cổ… làm hiện lên trong tâm trí của người nghe một Hà Nội “lắng hồn núi sông ngàn năm” và “đượm thắm máu hồng tươi” của biết bao thế hệ đã ngã xuống để chúng ta có được như ngày hôm nay.

Những người sống ở Hà Nội chắc hẳn rất quen thuộc khi những giai điệu: “Tôi hát bài ca ngợi ca Hà Nội/ Ôi Thủ đô xao xuyến trong trái tim tôi…” vang lên da diết, có hôm sáng sớm, có lúc chiều tan ca qua những chiếc loa phường ở khắp các phố nhỏ, ngõ nhỏ. Những ca từ ấy trong tuyệt phẩm “Hà Nội - Trái tim hồng” đã được người nhạc sĩ, họa sĩ tài hoa Nguyễn Đức Toàn viết năm 1987, bằng cả một tình yêu của người con Hà Nội. Từ mảnh đất thiêng này, người Hà Nội tỏa đi khắp đất nước, góp phần bảo vệ và xây dựng Tổ quốc: “Một chàng trai là chiến sĩ biên phòng/Một cô gái lên đường đi xa/Vẫn thủy chung với cả tấm lòng/Hà Nội ơi, một trái tim hồng...”. Ra đời trong những năm tháng chiến tranh nhưng “Hà Nội một trái tim hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn lại ca ngợi Hà Nội theo một cách rất khác, vừa mềm mại vừa lãng mạn trong những ngày hòa bình. Có mấy ai đã từng ở Hà Nội mà không khỏi xao xuyến với những hình ảnh đầy trữ tình: “Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ/ Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ/ Mùa thu đi qua từng phố nhỏ/ Ôi Hồ Gươm! Như một bài thơ/ Hà Nội ơi có tự bao giờ/ Mấy ngàn năm chói chang rực rỡ/Hà Nội ơi náo nức bài ca/Vẫn âm vang trong tâm hồn ta...”. Với giai điệu trữ tình, lời ca giàu hình ảnh, ca khúc đã làm rung động tâm hồn người yêu nhạc, yêu Hà Nội, nói lên tình yêu tha thiết của đông đảo công chúng đối với Hà Nội - trái tim của cả nước.

Ca khúc “Tình yêu Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Vân khiến người nghe cảm nhận được nét sang trọng và thanh lịch, rất tình cảm và gần gũi của một Hà Nội những năm giữa thế kỷ 20; Hà Nội của những ngày tháng cam go mà lại thật thanh thản, yên bình. “Tôi yêu Hà Nội, những sớm mùa thu/Soi gương mặt hồ, xanh biếc trời mây/Khi xa Hà Nội, càng thấy yêu hơn/Tôi yêu Hà Nội có những người con/Đi xa ngàn dặm, theo tiếng gọi thiêng/Tên anh để lại, nhớ thương cho mọi người...”. Một Hà Nội bình dị đi vào lòng người với những hình ảnh thân quen trong cuộc sống hàng ngày. Khi đi xa lại càng thêm nhớ yêu.

“Hà Nội mùa thu” là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Vũ Thanh. Bài hát như lời tự tình của đôi trai gái nhưng dẫn dắt người nghe nhớ về mùa thu lịch sử Hà Nội ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập: “Như bâng khuâng, nghe gió đưa/Vang vọng giữa Ba Đình/Lời Người thu năm ấy, màu cờ thu năm ấy, vẫn đây xanh trời mây”… Trải nhiều gian khó, Hà Nội vẫn kiên cường chiến đấu và sản xuất, là trái tim và là niềm tin, hy vọng của toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc: “Thu đi dài năm tháng/Vinh quang và duyên dáng/Cho ta khuôn mặt sáng ngời/Dáng vóc của Thủ đô/ Ôi sao yêu quý, Hà Nội ơi”… Lời ca da diết mang nỗi nhớ khắc khoải về mùa thu “năm ấy” được thể hiện qua từng câu hát đi vào lòng người. “Hà Nội mùa thu” còn mang ý nghĩa về sức sống mãnh liệt của Thủ đô: từng phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ với những khó khăn, gian khổ nhưng Hà Nội “vẫn ngát xanh, xanh mùa thu”. Sau khi ra đời, ca khúc lập tức được đông đảo người yêu nhạc nồng nhiệt đón nhận và được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về mùa thu Hà Nội.

Cũng là tuyệt phẩm về mùa thu Hà Nội, Trịnh Công Sơn đã chắt lọc những phần linh hồn tinh tuý nhất của mảnh đất ngàn năm văn hiến vào tuyệt phẩm “Nhớ mùa thu Hà Nội”. Những lời ca đẹp nhất, những giai điệu xốn xang nhất của mùa thu Hà Nội đã được Trịnh Công Sơn viết nên bằng trái tim sâu nặng với đất và người nơi đây. “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu/Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió/Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ/Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”... Nỗi nhớ vừa hiện hữu, vừa vô hình, không hướng về ai nhưng cũng hướng về tất cả Hà Nội của Trịnh Công Sơn đã khơi gợi được niềm đồng cảm của bao thế hệ người yêu nhạc. Mỗi độ thu về cùng gió heo may, hương cốm mới, cả một trời ký ức trong lòng những người yêu Hà Nội lại bồi hồi sống dậy. Người đi xa nhớ một Hà Nội trong ảo ảnh, hình dung. Người ở gần nhớ một Hà Nội của dĩ vãng.

… Với những giai điệu và lời thơ ấy, các nhạc sĩ đã nói hộ tình cảm của con người nơi đây. Hà Nội luôn là trái tim với nhịp đập trong sáng, bay bổng và đầy thi vị. Hà Nội sao mà đẹp và yêu đến thế!

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.