Ảnh minh họa |
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn thừa nhận, giá nhà thu nhập thấp (TNT) ở Hà Nội đặc biệt cao hơn các địa phương khác. Nhà “giá rẻ” với diện tích khoảng 60 – 70 m2 cũng có giá bán ngót nghét 1 tỷ đồng - quá cao so túi tiền của người TNT, nên đến thời điểm này số căn hộ ưu tiên cho người TNT trở nên khó tìm được chủ nhân thực sự.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để người có TNT tiếp cận được với nhà TNT cần “thu hẹp” quy mô căn hộ, thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng căn hộ từ 40-50m2 để “phù hợp với túi tiền”. Công trình nhà TNT sẽ không cao quá 15 tầng, các diện tích tiện ích của công trình chỉ ở mức độ vừa phải (diện tích từ 35-42m2 chiếm khoảng 20%; loại căn hộ từ 45-60m2 chiếm 60%; loại căn hộ diện tích sàn từ 60m2-70m2 chiếm 20%).
Đồng thời mở rộng đối tượng được mua nhà TNT, bởi nếu chỉ bó hẹp trong phạm vi người TNT có hộ khẩu Hà Nội như cán bộ công chức, người không có hộ khẩu nhưng đang làm việc tại Hà Nội, chưa chắc đã xét hết đối tượng có nhu cầu thật về nhà ở. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi tán thành với đề xuất mở rộng đối tượng cho cán bộ công chức làm việc trên địa bàn có dự án nhà TNT được phép mua nhà.
Bên cạnh đó, để giảm giá bán nhà TNT, Sở Xây dựng cần hoàn thiện mẫu nhà TNT định hướng chủ đầu tư lựa chọn mẫu thiết kế nhà hợp lý rút ngắn thời gian đảm bảo tiết kiệm chi phí. Sở Xây dựng nghiên cứu xác định tổng nhu cầu về nhà ở xã hội cho người TNT của toàn thành phố, trên cơ sở đó quy hoạch dự án nhà TNT một cách tổng thể và hợp lý. “Phải lên được một bức tranh toàn cảnh, với bên cầu, bên cung, chứ không thể làm “cò con”, nay làm này mai làm khác sẽ dẫn tới nhiều bất cập nẩy sinh” – ông Khôi đề nghị.
Thành phố sẽ duyệt giá nhà TNT trên cơ sở thẩm định giá tại thời điểm xây dựng và công bố công khai. Tuy nhiên giá này có thể biến động tùy từng thời điểm.
Tính đến thời điểm hiện tại TP.Hà Nội đã cho phép khởi công 11 dự án nhà ở cho người TNT với tổng diện tích là 21 ha, xây dựng được 11.714 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 41.645 người.
Xuân Hương