Chậm tiến độ
Năm 2008, thực hiện nghị quyết của HĐND về việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP.Hà Nội. Trong đó, khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt sau một thời gian dài sử dụng đã ở trong tình trạng quá tải và xuống cấp nghiêm trọng. Cả khu tập thể có tới 41 hộ dân sinh sống nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh và 1 nhà tắm công cộng rộng chừng 7m2.
Để cải tạo, xây dựng lại khu tập thể theo chủ trương xã hội hóa, UBND TP.Hà Nội áp dụng chính sách tái định cư tại chỗ, đồng thời hỗ trợ kinh phí thuê nhà trong thời gian dự án được triển khai.
Theo đó, dự án được giao cho Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Tài chính Toàn Cầu làm chủ đầu tư (CĐT). Tổng mức đầu tư khoảng 190 tỷ đồng. Theo phê duyệt, tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ Quý I/2011, thời gian hoàn thành vào Quý I/2013.
Dự án của Cty cổ phần tư vấn đầu tư tài chính toàn cầu |
Theo phương án thiết kế được phê duyệt, dự án 30A Lý Thường Kiệt được xây dựng với chiều cao 10 tầng; trong đó, diện tích tái định cư cho các hộ dân và cơ quan từ tầng 1 đến tầng 7 (chiếm 77%), phần còn lại chủ đầu tư tự khai thác để bù đắp chi phí.
Sau khi được phê duyệt, chỉ có 2/3 số hộ dân và các cơ quan, tổ chức ủng hộ và đã di chuyển, còn lại một số hộ dân không ủng hộ dẫn đến việc các cơ quan ban, ngành quận Hoàn Kiếm đã phải tổ chức cưỡng chế thu hồi và bàn giao mặt bằng cho CĐT. Mặc dù được chấp thuận đầu từ đầu năm 2011 nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn đang trong quá trình thi công xây dựng.
Thi công gây nứt nhà dân
Theo phản ánh, nhiều hộ dân ở Tập thể Ngoại thương (31 Hàng Bài, phường Hàng Bài) cho biết, trong quá trình CĐT thi công xây dựng đã làm hư hỏng nhà dân và gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.
Vết nứt nhà dân |
“Công trình này khởi công xây dựng khoảng đầu năm 2018 đã làm hư hỏng, nứt nhà chúng tôi. Mọi người luôn phải sống trong sự lo lắng, không những thế bụi bặm từ công trường bay sang nhà tôi rất nhiều”, một số hộ dân sống ở tầng 4 khu tập thể này bức xúc.
Người dân còn phản ánh, việc CĐT cho thi công xây dựng công trình cả ngày lẫn đêm khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp che chắn quanh công trình thi công còn sơ sài, chưa đảm bảo an toàn. Nhiều hộ dân đã làm đơn kiến nghị đến chính quyền địa phương và CĐT nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Cũng theo phản ánh của người dân, việc thi công xây dựng dự án còn nhiều vấn đề khác gây bức xúc như đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng số 2 – VINACONEX chưa tuân thủ quy định, coi thường an toàn và tính mạng của người tham gia giao thông.
Trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công cũng bất chấp các quy định về an toàn lao động khi tiến hành khi sử dụng cần cẩu tháp liên tục, kể cả trong những giờ cao điểm khiến nhiều người đi qua khu vực này luôn trong tâm trạng sợ hãi.
15/11/2018 CĐT mới có giấy phép xử dụng cần trục |
Qua quan sát của phóng viên, dự án được xây dựng trên mảnh “đất vàng” ngay sát ngã tư Lý Thường Kiệt giao với phố Hàng Bài (Hoàn Kiếm), nơi có mật độ dân cư đông đúc và lưu lượng người tham gia giao thông dày đặc.
Tuy nhiên, cần trục tháp vượt quá phạm vi công trường vẫn hoạt động kể cả vào giờ cao điểm và không có đủ các hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông. Điều này khiến người tham gia giao thông cũng như người dân sinh sống gần dự án cảm thấy bất an.
Trước đó, tại Công văn số 10107/SXD-GĐCL ngày 04/11/2016, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đưa ra các yêu cầu cần tuân thủ đối với CĐT. Cụ thể: “Đối với vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trình, có ảnh hưởng tới giao thông đi lại của nhân dân và công trình lân cận chỉ cho phép hoạt động từ 22 giờ đến 6 giờ sáng và phải đảm bảo có đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn kỹ thuật của cần trục tháp mới cho phép hoạt động”.
Cần trục vươn ra ngoài mặt đường |
Ngoài ra, Chỉ thị số 08/CT-UBND của UBND TP.Hà Nội, về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý, sử dụng, vận hành cẩu tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn Hà Nội cũng nêu rõ: “Trong quá trình thi công, nhà thầu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy trình, quy phạm về lắp dựng, vận hành, bảo trì cẩu tháp; bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động, tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện sự cố gây mất an toàn, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn…”.
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng CĐT và nhà thầu thi công đang “phớt lờ” các quy định pháp luật?
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để chấm dứt tình trạng, cũng như làm rõ những phản ánh được nêu trên.