Hà Nội: Đình chỉ xây dựng công trình 17 tầng đang làm khó doanh nghiệp?

Công trình 17 tầng tại quận Cầu Giấy
Công trình 17 tầng tại quận Cầu Giấy
(PLO) - Cách đây không lâu, dư luận ồn ào trước việc tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy tồn tại công trình 17 tầng không phép (ảnh). Nhiều người cho rằng, phía chính quyền sở tại là UBND phường Yên Hòa và quận Cầu Giấy đã buông lỏng quản lý nên công trình mới được xây dựng tới 17 tầng như vậy. Tuy nhiên, mới đây, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có văn bản khẳng định, công trình này không phải cấp phép.

Qua tìm hiểu, được biết, công trình nói trên là Dự án xây dựng tòa nhà hỗn hợp, trụ sở văn phòng làm việc, dịch vụ công cộng và nhà ở do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng theo mô hình khu hỗn hợp văn phòng làm việc hạng A và nhà ở cao cấp. Tổng diện tích đất xây dựng khoảng 3.575m2. Thời điểm tháng 6/2014, khi tòa nhà thi công đến tầng 17 thì bị cơ quan chức năng đình chỉ vì chưa được cấpGPXD. UBND phường Yên Hòa, Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã lập biên bản yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công, nghiêm túc chấp hành quyết định đình chỉ. 
Ông Trương Văn Đức - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thăng Long cho biết: "Hiện, chúng tôi đã dừng mọi hoạt động ở công trường, tất cả vật tư máy móc đều nằm yên một chỗ theo chỉ đạo của quận Cầu Giấy". Ông Đức cho biết thêm: Sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật, cho thấy ô đất mà Công ty đang xây dựng Dự án đã được duyệt quy hoạch 1/500. Sở QH - KT TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 tại Văn bản 1793/QHKT-P1 ngày 6/11/2007 và 3489/QHKT-TH ngày 5/10/2011. Theo Điểm E, Khoản 1, Điều 17, Nghị định 16/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng là được miễn phép.
Với khúc mắc trên, Công ty TNHH Thăng Long đã có văn bản xin ý kiến Cục Quản lý hoạt động xây dựng về thủ tục thẩm tra thiết kế xây dựng, cấp GPXD công trình tòa nhà hỗn hợp tại phường Yên Hòa. Theo đó, Cục Quản lý hoạt động xây dựng có văn bản khẳng định: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 27, Nghị định số 64/2012/NĐ-CP của Chính phủ về cấp GPXD thì công trình nêu trên thuộc đối tượng được tiếp tục thi công xây dựng. Hơn nữa, theo quy định tại Điểm h, Khoản 2, Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Chính phủ nêu rõ: Không yêu cầu việc thực hiện cấp GPXD đối với công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Căn cứ vào ý kiến trả lời này, Công ty TNHH Thăng Long đã có báo cáo UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội về việc xây dựng công trình không phải cấp phép. Văn phòng UBND TP Hà Nội mới đây đã 2 văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội xem xét, xử lý theo thẩm quyền dựa trên cơ sở công văn của chủ đầu tư "báo cáo xây dựng công trình không phải cấp phép tại phường Yên Hòa".
Việc đình chỉ dự án xây dựng này đã gây khó khăn và thiệt hại cho doanh nghiệp. Đã đến lúc Sở Xây dựng, UBND quận Cầu Giấy cần xem xét, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục thi công, hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bản của UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng ngày 14/11 đã có công văn “đá bóng” lại UBND TP trong đó không có nội dụng công trình này thuộc diện không phải xin phép xây dựng mà chỉ nêu: “Thời điểm hiện tại, Sở Xây dựng chưa nhận được hồ sơ xin phép xây dựng của Công ty TNHH Thăng Long. Sở Xây dựng báo cáo UBND TP được biết và xem xét có ý kiến chỉ đạo”. Ngoài ra, Sở này viện dẫn ngày 7/11/2014, UBND quận Cầu Giấy có báo cáo số 984/UBND-QLĐT cho biết hiện Công ty TNHH Thăng Long chưa chấp hành nộp nghĩa vụ tài chính.
Trong giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản ít giao dịch, Chính phủ đề ra mọi biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp trong đó có giãn nợ thuế, giảm bớt thủ tục hành chính… Ấy vậy, Sở Xây dựng lại có nhừng hành đồng “bóp chết” doanh nghiệp. Có lẽ, đã đến lúc Chủ tịch UBND TP Hà Nội cần có ý kiến chính thống về vụ việc này để “cứu” doanh nghiệp.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Luật sư Bùi Quang Thu – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết đồng ý với quan điểm của Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng về việc công trình 17 tầng nói trên thuộc diện không phải xin phép xây dựng. Luật sư Thu cho biết, Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn nên phải chủ động xem xét cho ý kiến về vụ việc này chứ không thể gặp khó mà gửi công văn “ngược” xin ý kiến TP. Nếu như vậy thì vai trò chuyên môn, giúp việc của Sở Xây dựng nằm ở đâu. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã khẳng định công trình này thuộc diện không phải cấp phép nên phía Sở Xây dựng phải có ý kiến trả lời bằng văn bản. Vụ việc đình chỉ này của Sở Xây dựng đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, do vậy, doanh nghiệp có thể khởi kiện quyết định hành chính để đòi bồi thường. Nghĩa vụ nợ thuế là độc lập nên cơ quan quản lý không thể đánh đồng với sai phạm của mình được.
Ngày 10/9/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch Đầu tư về cải cách thủ tục hành chính trong thành lập, giải thể doanh nghiệp và thực hiện hoạt động đầu tư. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu: Việc rà soát, hoàn thiện thể chế phải làm đồng bộ; phải rà soát theo hướng Chính phủ, chính quyền là kiến tạo và phát triển; làm sao để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân doanh nghiệp làm ăn dễ dàng hơn, phải là chính quyền phục vụ, chính quyền kiến tạo và phát triển. Những gì gây phiền hà, gây khó khăn, gây chậm trễ cho người dân và doanh nghiệp là phải bỏ; cái gì phải giữ để quản lý, phải hết sức rõ ràng, minh bạch.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.