Hà Nội đẹp qua những phố 'Hàng'

Kiến trúc phố cổ pha trộn nét đẹp Á Đông và phương Tây. (Nguồn: Tiki).
Kiến trúc phố cổ pha trộn nét đẹp Á Đông và phương Tây. (Nguồn: Tiki).
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Khi nhớ về Hà Nội 36 phố phường, ta như đang hòa vào một dòng chảy lịch sử và văn hóa của Thủ đô văn hiến ngàn năm tuổi. Nơi đây giống như một bảo tàng sống lưu giữ nét đẹp truyền thống của người Hà thành.

Thấm đẫm văn hóa trong từng ngóc ngách

Một trong những nét văn hóa ấn tượng của phố cổ là các công trình kiến trúc cổ xưa. Tại đây, còn rất nhiều mái nhà nhuốm màu thời gian, di tích thâm trầm, cổ kính. Kiến trúc độc đáo của Hà Nội 36 phố phường tạo nên đặc trưng riêng biệt với những ngôi nhà kiểu Pháp, ống, mái ngói nghiêng kết hợp với mặt tiền là các cửa hàng buôn bán. Những ngôi nhà nhỏ bé, tinh tế này được người dân sắp xếp khéo léo, hợp lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sống và kinh doanh.

Có những nhà nghiên cứu đã đánh giá quy hoạch của người Pháp tại phố cổ vào đầu thế kỷ XX là sự kết hợp kiến trúc phương Tây và những điều kiện khí hậu bản địa để tạo nên một phố cổ “độc nhất, vô nhị” trong khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, phố cổ xưa kia là một “trung tâm” giao thương buôn bán lớn, tại đây, còn lưu giữ nhiều dấu ấn tôn giáo, tín ngưỡng bản địa, phong tục tập quán lâu đời. Thực tế, hiện nay, khu phố cổ vẫn còn giữ một hệ thống hơn 100 di tích với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am… cùng khoảng 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt. Có thể kể đến những di tích nổi tiếng như: Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân...

Phố cổ Hà Nội không chỉ ghi dấu ấn văn hóa bằng kiến trúc độc đáo mà còn bởi những nghề thủ công. Như dân gian xưa có câu “Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ” nhằm ca ngợi tài năng của những người thợ đất Thăng Long - Hà Nội trong lao động sản xuất. Phố cổ Hà Nội nổi tiếng nhất với những phố “Hàng”, mỗi con phố lại có người dân di cư từ các làng nghề đến. Họ tạo ra các sản phẩm độc đáo, mỗi hàng, mỗi quán lại có nét đặc trưng, mùi vị riêng không thể nhầm lẫn.

Ví dụ như phố Hàng Thiếc vốn là phố của thợ thủ công chuyên nghề đúc thiếc làm những cây đèn thắp dầu lạc, cây nén, lư hương, ấm pha chè, khay đựng đồ uống chè, bao chè, chóp nón... Họ đa số là người làng ở Đan Hội, Thường Tín, Phú Thứ, Khương Thượng, Canh, Diễn… Nghề làm hàng bằng thiếc sau không tồn tại nữa mà đổi sang làm hàng bằng sắt tây. Vì thế mà người Pháp gọi là Rue des Ferblanties (phố thợ làm hàng sắt tây), còn ta vẫn gọi theo tên cũ là phố Hàng Thiếc.

Hay phố Hàng Đường, chuyên sản xuất món ăn làm từ đường, mật. Thời Pháp phố có tên gọi là rue du Sucre. Phố Hàng Đường nổi tiếng với món ô mai. Tại đây có 60 - 70 loại ô mai khác nhau được bày bán tại hàng chục cửa hàng. Mỗi cửa hàng có một mùi vị, cách nêm nếm khác nhau. Một số cửa hàng ô mai nổi tiếng như Hồng Lam, Gia Lợi, Tiến Thịnh..., đến nay vẫn được lòng cả người Hà Nội và du khách trong, ngoài nước.

Người dân phố cổ xưa kia đại diện cho vẻ đẹp tinh tế, trang nhã và hào hoa của người Hà Nội. (Baodautu.vn)

Người dân phố cổ xưa kia đại diện cho vẻ đẹp tinh tế, trang nhã và hào hoa của người Hà Nội.

(Baodautu.vn)

Điều làm cho văn hóa Hà Nội được nhiều người ca tụng, chính là “cốt cách” người dân tại đây. “Chất” Hà Nội thường bình dị, kín đáo, tinh tế nhưng vẫn hào hoa, thanh lịch. Đặc trưng cơ bản trong văn hóa giao tiếp của người Hà Nội là thái độ trọng giao tiếp, lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử. Trong khi nói chuyện, người Hà Nội “gốc” chú ý đến đối tượng giao tiếp, hay hỏi han, quan sát, đánh giá tỉ mỉ đối phương. Cách thức giao tiếp mềm mỏng, tế nhị với sự hỗ trợ của những nghi thức. Lấy ví dụ, nhiều người có tuổi ở phố cổ vẫn giữ nếp tiếp khách xưa “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Họ để một khay trầu ở bàn phòng khách, cơi trầu và dao lúc nào cũng phải sạch. Miếng trầu têm phải nhỏ, chặt và đẹp, để 2 - 3 ngày vẫn đẹp, không mất mùi. Hay khi người Hà Nội ra ngoài đường, dù không có quần áo lụa là, họ vẫn phải ăn mặc chỉnh tề, gọn gàng, thơm tho, sạch sẽ. Tuyệt nhiên, không bao giờ thấy cụ ông, cụ bà dân gốc những phố “Hàng” ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm khi xuất hiện ngoài đường.

Đặc biệt, nét đẹp tinh tế của người Tràng An xưa kia còn nằm ở các thú chơi như thú chơi đồ cổ, thú chơi chữ..., và đặc biệt là chơi hoa. Ngày Tết, họ tỉ mỉ chọn từng củ thủy tiên, ngồi gọt củ hình cánh sen, ngâm nước, chọn nhiệt độ thích hợp, lúc thì thúc, lúc thì hãm để hoa nở đúng 30 Tết. Ngay cả khi hoa nở, người Hà Nội cũng có tiêu chuẩn riêng, hoa phải nở đúng độ, nở đẹp mới “đạt” ngũ phúc. 5 yếu tố mà người chơi hoa gọi là ngũ phúc: Rễ trắng dài giống như hàm én, bẹ trắng ôm hoa giống như những móng rồng, lá màu xanh ngọc, hoa phải 3 tầng tượng trưng cho 3 nhân tố thiên - địa - nhân.

Bảo tồn và lưu giữ những nét đẹp xưa

Cần bảo vệ và giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của phố cổ. (Nguồn: Toquoc.vn).

Cần bảo vệ và giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của phố cổ. (Nguồn: Toquoc.vn).

Phố cổ Hà Nội ngày nay không chỉ là một “bảo tàng” lưu giữ văn hóa Hà Nội, mà còn có vai trò quan trọng, trở thành địa điểm du lịch “mũi nhọn” của Thủ đô Hà Nội, mỗi năm nơi đây thu hút hàng trăm nghìn du khách đến tham quan. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế, xã hội cần đi đôi với bảo vệ, gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp. Đây là nhu cầu thiết yếu đối với phố cổ Hà Nội.

Thực tế, hiện nay, phố cổ dần hòa vào nhịp sống sôi động, vội vàng, hiện đại của con người. Rất nhiều nét đẹp, không gian phố cổ Hà Nội đang dần mất đi những giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống. Đơn cử như sự biến mất của các nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm, mặt hàng thủ công hầu như không còn, mà thay vào đó là các cửa hàng nhỏ, bày bán đồ mỹ nghệ cùng với hàng tạp phẩm, hàng ngoại nhập… Các tên phố không còn có ý nghĩa gắn với các mặt hàng sản xuất hay buôn bán tại phố đó nữa.

Dưới sự cạnh tranh thị trường, nhiều mặt hàng công nghiệp, sản xuất hàng loạt dần “lấn sân” đồ thủ công mỹ nghệ. Phố Hàng Bạc chỉ còn lác đác một vài cửa hàng bán vàng, bán bạc,... phố Hàng Bồ trước kia là nơi bán hàng mây, tre, đan, giỏ, làn, sọt, thùng, hiện nay còn rất ít gia đình giữ nghề truyền thống. Hay đồ chơi phố Hàng Mã dần dần chỉ còn là một “biểu tượng” đại diện cho mùa lễ hội và bị game trong máy tính, điện thoại thay thế.

Đặc biệt, diện mạo khu phố cũng bị tác động bởi thời gian, khí hậu, thời tiết, do quá trình đô thị hóa, sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số.... Nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Để cụ thể hóa bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản của không gian phố cũ, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng kế hoạch và giao Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tiến hành trùng tu, tôn tạo một số công trình mang giá trị kiến trúc Pháp với mục tiêu cố gắng gìn giữ những di sản quý báu - dấu ấn của lịch sử phát triển đô thị Thủ đô, cải tạo bộ mặt đô thị, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, mang lại điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế, du lịch chung của Thành phố. Nguyên tắc thực hiện trùng tu các di sản này là giữ tối đa yếu tố gốc, khôi phục những yếu tố có giá trị đã bị thay đổi, biến mất trên cơ sở khoa học.

Thực tế, Ban Quản lý đã thực hiện dự án thí điểm cải tạo đoạn phố Tạ Hiện với kiến trúc Việt Nam và Pháp vào năm 2010, Dự án cải tạo 40 phố Lãn Ông với hai khối nhà Pháp năm 2014. Đồng thời, trong thời gian từ năm 2019 đến nay, Ban Quản lý tập trung nguồn lực, nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc.

Từ năm 2008, quận Hoàn Kiếm phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội thực hiện đề án “Nghiên cứu tổ chức lễ hội trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm” để khôi phục lễ hội. Quận đã khôi phục 14 lễ hội, gồm 7 lễ hội cấp quận và 7 lễ hội cấp phường. Như trong chương trình “Tết Việt - Tết phố 2024” nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân tổ chức, tại đình Kim Ngân, 40 - 42 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ban Tổ chức đã phỏng dựng nhiều nghi lễ đặc sắc của Tết phố cổ Hà Nội, như Đoàn rước dâng lễ cửa đình, Lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng Tổ nghề, Lễ dựng cây nêu… Những người tham gia đoàn rước đều mặc trang phục áo dài truyền thống ngũ thân, trong đó, người làm lễ mặc áo tấc (áo tay rộng), những người còn lại mặc áo tay chẽn. Lễ vật là những vật phẩm truyền thống của Hà Nội như bánh cốm, chè sen, bánh chưng, mứt Tết...

Mặc dù các lễ hội, công trình kiến trúc văn hóa của TP Hà Nội xưa kia đang dần được khôi phục, đầu tư và chú trọng. Nhưng có một điểm cần phải chú ý, chính là văn hóa “đối nhân xử thế”, nét tinh tế, lễ độ, lịch sự của người Hà Nội cũng cần gìn giữ, bảo vệ. Điều này không chỉ đơn giản như trùng tu kiến trúc, phục dựng lễ hội là có thể hoàn thiện được. Muốn lưu giữ “cốt cách” của người Hà Nội, cần phải đầu tư vào giáo dục, hướng dẫn cho thế hệ trẻ yêu mến và trân quý những đức tính tốt đẹp của cha ông ta thời xưa.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn
(PLVN) - Trong cuộc sống, tha thứ không chỉ là cách giúp người khác có cơ hội sửa sai, mà còn là liều thuốc giúp chính chúng ta nhẹ nhõm hơn, bớt đi những gánh nặng tâm hồn.

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đạo làm người – con đường khó nhất

Đạo làm người – con đường khó nhất
(PLVN) - Mỗi tôn giáo, mỗi đạo lý đều dạy chúng ta cách sống hiền lành, tử tế, biết yêu thương và đối xử tốt với nhau. Nhưng trong tất cả các đạo, có lẽ đạo làm người là con đường khó nhất để thực hành.

Lặng lẽ với chính mình

Ảnh minh họa
(PLVN) - Sau những đêm trắng sẽ luôn là ánh bình minh. Và đôi khi, chỉ cần một tia sáng nhỏ bé cũng đủ để soi rọi cả một đêm dài.

Huế thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham dự.
(PLVN) - Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách gần xa. Festival Huế đã là một sự kiện văn hóa tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động.

Hơn 300 doanh nghiệp Quảng Ninh tung gói kích cầu mùa du lịch cuối năm 2024

Một góc TP Hạ Long, Quảng Ninh điểm đến thân thiện và an toàn.
(PLVN) -  Ngày 20/11, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ công bố chương trình kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa”. Chương trình nhằm tăng sức hút du khách dịp cuối năm 2024. Thu hút h ơn 300 doanh nghiệp từ các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, và du thuyền đã tham gia .