Ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng hiện nay một số mức phạt trong lĩnh vực công chứng theo Nghị định số 60 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Tư pháp còn thiếu và thấp, chưa đủ sức răn đe.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Cơ bản đã chuyển đổi sang loại hình hợp danh
Hiện nay, theo thống kê của Sở Tư pháp, toàn thành phố có 68 tổ chức hành nghề công chứng gồm 10 phòng công chứng và 58 văn phòng công chứng. Trong số 58 văn phòng công chứng, hiện có 49 văn phòng tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và 9 văn phòng tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
“Chúng tôi luôn khuyến khích các văn phòng chuyển đổi theo hình thức hợp danh, bởi xuất phát từ thực tế hiện nay, mô hình văn phòng một công chứng viên rất nhiều bất cập”, ông Phạm Thanh Cao cho biết.
Cùng với “dấu ấn” ra mắt Hội công chứng đầu tiên trong cả nước, Hà Nội đã xây dựng, quản lý và vận hành Chương trình quản lý thông tin ngăn chặn và thông tin về hợp đồng, giao dịch. Đến nay đã có 60/68 tổ chức hành nghề tham gia, đã nhập hơn 7.500 thông tin ngăn chặn, thông tin tham khảo và hơn 830 ngàn thông tin về hợp đồng, giao dịch đã công chứng.
Có hiện tượng trốn thuế
Cũng theo ông Phạm Thanh Cao, hạn chế của công chứng Hà Nội hiện nay là sư phối hợp giữa ngành Tư pháp, Tài nguyên Môi trường, UBND các huyện, quận, thị xã còn lỏng lẻo, chưa kịp thời bàn bạc, trao đổi, thống nhất để giải quyết các vướng mắc dẫn đến tình trạng hồ sơ công chứng của các tổ chức và cá nhân bị chậm trễ, trả đi trả lại nhiều lần.
Các vi phạm chủ yếu tập trung ở các văn phòng công chứng như thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật thuế, có hiện tượng trốn thuế; một số văn phòng mở các điểm tiếp nhận hồ sơ ngoài trụ sở vi phạm quy định của Luật Công chứng. Qua thanh kiểm tra cũng cho thấy,một số công chứng viên chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục công chứng, chưa giải thích rõ quyền lợi và nghĩa vụ cũng như hậu quả pháp lý cho người yêu cầu công chứng; có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí bớt đi một số giấy tờ và thủ tục cần thiết để thu hút khách hàng dẫn đến phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.
Ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức hành nghề vi phạm, theo Sở Tư pháp Hà Nội, cần sửa đổi, bổ sung thay thế Nghị định số 60/CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Tư pháp. Theo Sở Tư pháp, hiện nay mức phạt cho một số hành vi như hành vi gian dối, không trung thực khi thực hiện việc làm chứng chỉ bị phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng; tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung giấy tờ để công chứng hợp đồng, giao dịch bị phạt từ 1 đến 2 triệu, đặc biệt công chứng ngoài trụ sở mà không có lý do chính đáng phạt từ 3 đến 5 triệu… là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, một số hành vi khác như tiếp nhận hồ sơ ngoài trụ sở, các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh… lại chưa có chế tài để xử lý, làm ảnh hưởng đến môi trường hành nghề nói chung.
Thu Hằng