Công khai 23 dự án vi phạm bị thu hồi
Ngày 24/10, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã ban hành Văn bản số 8053/STNMT-TTr về việc công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ triển khai và vi phạm pháp luật trên địa bàn TP.
Theo đó, trên cơ sở kết quả xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội, Sở TN&MT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND xã, phường, thị trấn tổ chức công khai, minh bạch thông tin xử lý trên phương tiện truyền thông địa phương như loa, đài phát thanh và tại địa điểm đất... đối với 23 dự án mà UBND TP đã có quyết định thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng và chấm dứt hoạt động dự án.
Trong số 23 dự án mà UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất, huyện Thạch Thất có số lượng nhiều nhất, với các dự án như dự án Xây dựng khu biệt thự nhà vườn (xã Tiến Xuân) do Công ty Cổ phần An Lạc làm chủ đầu tư; dự án xây dựng trường đại học tại địa bàn huyện Thạch Thất, trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng biệt thự nhà vườn, Công ty Xây dựng Trường Giang làm chủ đầu tư; Dự án biệt thự nhà vườn, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế Như Thành. Dự án xây dựng xưởng sơ chế và lắp giáp giới thiệu sản phẩm tại huyện Thạch Thất, Công ty TNHH Thiên Hưng làm chủ đầu tư…
Huyện Mê Linh là địa bàn có số dự án bị thu hồi nhiều thứ 2, với các dự án như dự án khu đô thị mới BMC (xã Đại Thịnh) do Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại làm chủ đầu tư; dự án Khu đô thị mới Prime Group - Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh (xã Đại Thịnh), có chủ đầu tư là Công ty CP Prime Group; Dự án khu đô thị mới Việt Á (xã Thanh Lâm) do Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư…
Ngoài ra, một số địa bàn khác cũng có dự án chậm triển khai bị thu hồi đất như dự án cải tạo xây dựng Tòa nhà văn phòng số 69 Nguyễn Du, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành; dự án đầu tư xây dựng kinh doanh khai thác chợ lâm sản Thượng Cát, phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), do Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư…
Việc công khai các dự án nói trên được Sở TN&MT Hà Nội thực hiện theo Kết luận số 51-KL/TU ngày 7/4/2022, Nghị quyết số 11 NQ/TU ngày 7/4/2022 của Thành ủy về hội nghị chuyên đề Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII; Quyết định số 2913-QĐ/TU ngày 5/7/2022, số 2950-QĐ/TU ngày 28/7/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thành lập Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội.
Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội.
Tại Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 8/6/2022 về việc thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND, UBND TP Hà Nội cũng đã giao các sở, ngành, UBND quận huyện, thị xã; cơ quan báo, đài Thủ đô thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với những dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng; các dự án vi phạm bị cưỡng chế, bị thu hồi, bị chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định của pháp luật để tạo sự đồng thuận, giám sát của nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện.
Sở TN&MT Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát, xử lý, bổ sung danh sách để đăng công khai, minh bạch thông tin đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sở TN&MT đề nghị các sở, ngành TP và UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP về công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật trên địa bàn để tạo sự đồng thuận, giám sát của Nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện. Đồng thời tổng hợp, báo cáo rõ kết quả thực hiện các nội dung đã được giao cụ thể cho từng đơn vị theo các văn bản chỉ đạo nêu trên.
Tiếp tục rà soát các dự án
Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; HĐND, Thường trực HĐND TP đã tổ chức giám sát, tái giám sát chuyên đề và yêu cầu giải trình, chất vấn tại các kỳ họp, ban hành các chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án, đồng thời thực hiện nghiêm kỷ cương đối với các dự án chậm triển khai theo quy định. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch và nhiều văn bản để tổ chức triển khai, thực hiện.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy, trên địa bàn TP hiện vẫn còn hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai với diện tích hàng ngàn ha nằm tại các địa bàn quận, huyện.
Tại Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 8/6/2022, UBND TP Hà Nội yêu cầu, công khai, minh bạch rõ quy trình, xác định cụ thể thời hạn, biện pháp giải quyết và xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai.
Xử lý nghiêm, dứt điểm đối với các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng; các trường hợp cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi các dự án đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Về tiến độ thực hiện, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị trong quý III/2022, căn cứ phân loại, tập trung xử lý các nhóm dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và lập hồ sơ xử lý dứt điểm đối với vi phạm đã đủ căn cứ; cơ bản đến hết quý IV/2022, tập trung xử lý nghiêm các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai khác, phân loại và đề xuất những biện pháp xử lý cụ thể, bảo đảm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý dứt điểm dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP.
Phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh yêu cầu, đến hết tháng 10/2022 phải có phương án xử lý của từng dự án, kèm theo nguyên tắc phân rõ trách nhiệm của từng sở, ngành.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn, trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 30/9, trả lời những vấn đề quy hoạch, hạ tầng giao thông, môi trường mà cử tri nêu, ông Trần Sỹ Thanh một lần nữa đề nghị các sở, ngành TP rà soát các dự án trong danh mục đầu tư để khẩn trương thực hiện ngay trong nhiệm kỳ này và sớm lập danh mục đầu tư cho nhiệm kỳ sau; kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ kéo dài.
Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc TP Hà Nội tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm các dự án bỏ hoang, chậm triển khai là việc làm rất cần thiết nhằm khai thác tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội; từ đó góp phần đóng góp cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của TP nhanh, mạnh hơn.
Sở Xây dựng Hà Nội mới đây cho biết, có 80 dự án khu đô thị, nhà ở tại các quận, huyện
trên địa bàn TP chậm triển khai, đang nằm trong danh sách rà soát của Sở và các cơ quan chức năng.